Người cao tuổi (NCT): Góp sức thành công “Dòng sông kể chuyện mùa 2 – Chuyến tàu huyền thoại”

0
150

Vở đại nhạc kịch “Chuyến tàu huyền thoại” là câu chuyện về những chuyến tàu đặc biệt đã từng đến và đi trên sông Sài Gòn, là những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của dân tộc, là những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thủy, là chuyến tàu ra khơi mang theo người thanh niên Văn Ba (Nguyễn Tất Thành) sang Pháp, người thanh niên ấy đi trên tàu Amiral Latouche Treville mang theo vận mệnh cả dân tộc, là những trận đánh tàu vang dội trên sông, là chuyến tàu đoàn tụ đầu tiên nối liền hai miền Nam – Bắc, v.v.

“Dòng sông kể chuyện mùa 2” với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” là vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên diễn ra trên sông Sài Gòn, với 1.000 diễn viên, trong đó có sự góp mặt của 50 NCT trên đại bàn Thành phố, được tái hiện ngay trên dòng sông huyền thoại Sài Gòn với các câu chuyện lịch sử kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch nhằm tái hiện, tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu.

Ngoài ra, chương trình còn sử dụng những công nghệ biểu diễn và tương tác hiện đại như kỹ xảo điện ảnh, công nghệ trình chiếu 3D Mapping, màn hình nước, sân khấu chuyển động trên nước, trình diễn drone, v.v. “Chuyến tàu huyền thoại” kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra ngay trên dòng chảy này qua các chương như: Hạ thủy – Cập bến – Ra khơi – Dậy sóng – Vươn xa.

Chuyến tàu nối liền hai miền Nam – Bắc

Tại chương trình, ấn tượng với khán giả là mô hình Tàu Sông Hương – Chuyến tàu đầu tiên nối liền hai miền Nam – Bắc, chở những người con miền Nam trở về quê hương sau hơn 20 năm tập kết ra Bắc.

Trong các vai diễn trên tàu Sông Hương từ miền Bắc trở về miền Nam sau hơn 20 năm tập kết ra Bắc trở về tại Bến Nhà Rồng ngày 13/5/1975. “Tàu Sông Hương chạy chầm chậm và kéo những hồi còi chào dài dõng dạc trên đoạn sông tưng bừng không khí như hội hè. Hai bên bờ rực rỡ cờ, hoa, ảnh Bác Hồ và những cánh tay vẫy chào không ngớt”, hình ảnh tái hiện lại tại đêm khai mạc Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024 còn đọng lại trong những diễn viên không chuyên NCT.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, bà Trần Liên Hoa, sinh năm 1963, tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh cho biết: Rất vui và lạ lẫm khi lần đầu tiên được gọi “diễn viên”. “Lần đầu tiên đeo tấm thẻ có số thứ tự và được gọi hai tiếng “diễn viên” thấy vui và lạ lẫm lắm. Những buổi tập đầu tiên do không có kinh nghiệm nên sự chuẩn bị ko chu đáo: Đói, mệt, thèm cả chút nước đá trong suốt quá trình tập luyện. Rồi quan sát, khắc phục, rút kinh nghiệm nên càng về sau càng ổn. Trong những ngày tập tôi khâm phục sức làm việc của những người trong ê kíp chương trình. bản thân tôi, bình thường 20 giờ đi ngủ nhưng khi tham gia tập luyện có những ngày đến 22 giờ tôi và mọi người vẫn tập say mê hình như không chú ý đến thời gian chỉ biết rằng cố gắng cùng tổ biên đạo tập luyện sao cho tiết mục hiệu quả”.

Ông Lê Văn Đại, sinh năm 1956 chia sẻ, “Chuyến tàu huyền thoại” được dàn dựng công phu với sự tham gia của các Nghệ sĩ; diễn viên chuyên nghiệp; không chuyên là các em sinh viên, các cháu thiếu nhi và người cao tuổi tham gia tập luyện hơn 10 ngày để tạo ra một tuyệt phẩm tại đêm khai mạc Lễ hội sông nước. “Tôi rất vinh dự và tự hào cùng 50 anh chị em trong nhóm người cao tuổi đã góp phần nhỏ bé vào sự thành công vang dội của lễ hội. Thật tuyệt vời hơn cả sự tưởng tượng, hoành tráng nhất từ xưa nay. Nhiều cảnh cảm động rơi nước mắt lúc diễn, cuộc gặp mặt, những cái ôm đón người thân trở về trên chuyến tàu Sông Hương, tuy là diễn nhưng chúng tôi đã phải cố kìm nén cảm xúc để không cho nước mắt chảy ra”.

Sau hơn 10 ngày tập luyện, giờ nhớ lắm những ngày đi tập từ Nhà thi đấu Quận 4 rồi ra sân khấu chạy chương trình tại Bến cảng Nhà Rồng, đường xa lúc đi thì kẹt xe, lúc về thi khuya lắc, vừa mệt vừa đói nhưng vẫn vui vì được gặp thêm những người bạn, chia sẻ niềm vui và nỗi. Hơn thế là được góp mặt trong sự kiện lớn của Thành phố, tham gia sự kiện này ban đầu là sự đam mê sau thấy mình thật là vinh dự, tôi không nghĩ mình tầm tuổi này còn được tham dự một sự kiện có ý nghĩa lich sử lớn đến vậy, thật vinh dự và tự hào được góp mặt cùng mọi người trong “Dòng sông kể chuyện mùa 2 – Chuyến tàu huyền thoại”, bà Phạm Thị Năm, sinh năm 1964, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Dù đêm khai mạc đã qua được vài ngày, nhưng chương trình vẫn khiến diễn viên người cao tuổi phải nhắc đi nhắc lại những buổi tập với những dấu mốc quan trọng cùng những giai thoại lịch sử hào hùng của Thành phố mang tên Bác với tất cả niềm tự hào, hãnh diện.

Dòng sông kể chuyện mùa 2 – Chuyến tàu huyền thoại”vẽ lại bức tranh nơi lưu giữ những mạch nguồn văn hoá, tình cảm gia đình, làng xóm, quê hương; là bóng cha, dáng mẹ, tiếng em thơ, là mạch nguồn để lớp lớp người con anh dũng đi theo tiếng gọi non sông, là chứng nhân của chuyến tàu huyền thoại đã đi vào trái tim mỗi con người Việt Nam.

“Không chỉ là nơi ra khơi của chuyến tàu mang theo vận mệnh của cả dân tộc, dòng sông Sài Gòn còn mang bao kỉ niệm, ký ức, giấc mơ và khát vọng của những thế hệ người Việt Nam, nơi những hải thuyền đầu tiên của người Việt được hạ thuỷ, nơi ghi dấu những trận đánh tàu vang dội trên sông, nơi cập bến những chuyến tàu đoàn tụ sau hàng chục năm xa cách, nơi lai dắt các đốt hầm hàng chục ngàn tấn thi công hầm vượt sông mang tầm khu vực kết nối đôi bờ, nơi xuôi ngược những chuyến tàu vượt đại dương mang theo hàng hóa và du khách quốc tế, đưa thương hiệu Việt đi khắp năm Châu.

Chương trình “Dòng sông kể chuyện mùa 2 – Chuyến tàu huyền thoại” do Lê Hải Yến làm Tổng đạo diễn, cùng sự tham gia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, đạo diễn âm nhạc Đức Trí, tổng biên đạo Tấn Lộc, Cố vấn kỹ thuật – nghệ nhân Văn Tòng, nhà thơ Vi Thuỳ Linh tham gia viết lời bình, v.v.

Suốt nhiều ngày qua, hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ cùng ê kip gần 500 nhân viên, kỹ thuật, hậu trường, v.v, đã tập luyện ngày đêm để chuẩn bị cho chương trình. Show diễn quy tụ đông đảo diễn viên chuyên nghiệp và diễn viên quần chúng. Lần đầu tiên, một sân khấu chuyển động liên tục diễn ra trên bến cảng với những đạo cụ không chỉ lớn về kích thước như những con tàu như thật, những container như thật, rồi các loại máy móc mô phỏng máy đóng tàu như thật, v.v, phải huy động số lượng nhân viên kỹ thuật hàng trăm người, khớp nối kịch bản chính xác đến từng chi tiết nhỏ”.

Thành Công