Nếu dự thảo sửa đổi về thẻ của Ngân hàng Nhà nước được áp dụng, ngay cả đại gia cũng gặp khó trong việc chi tiêu tiền.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 quy định về hoạt động thẻ của NH.
Dự thảo này có nhiều quy định mới được xem là chưa có tiền lệ so với quy định cũ, đặc biệt là việc rút tiền qua các máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), hạn mức cấp thẻ tín dụng và đối tượng sử dụng thẻ.
Trói tay trói chân người dùng thẻ
Điểm mới nhất tại dự thảo thông tư lần này là quy định về hạn mức cấp thẻ tín dụng. Cụ thể, với những trường hợp có tài sản đảm bảo, NH cấp hạn mức tín dụng không quá 80% giá trị của tài sản đó và tối đa là 1 tỉ đồng. Đối với chủ thẻ không có tài sản đảm bảo, hạn mức cấp tín dụng tối đa là 500 triệu đồng.
Như vậy, đây là lần đầu tiên NHNN đưa ra dự thảo quy định theo hướng giới hạn hạn mức tín dụng tối đa theo từng trường hợp phát hành thẻ tín dụng có tài sản bảo đảm hoặc không có tài sản bảo đảm.
Bình luận về nội dung này, anh Nguyễn Tấn, nhân viên một showroom bán xe hơi tại quận 5, TP.HCM, cho rằng rất hiếm khách hàng mua xe hơi, nhất là dòng xe sang lại ôm cả bọc tiền đến showroom để thanh toán. Phần lớn khách hàng đều chọn thanh toán bằng thẻ, có thể là thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng.
Chủ thẻ tín dụng tới đây có thể sẽ chỉ được rút 5 triệu đồng mỗi ngày. Ảnh: HTD
“Tới đây, nếu áp dụng quy định thẻ tín dụng chỉ được cấp hạn mức từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng thì có lẽ những người mua xe siêu sang có giá cả chục tỉ đồng sẽ phải dùng một đống thẻ mà vẫn chưa đủ để mua xe. Chắc chắn quy định này sẽ làm khó đối với những khách hàng VIP hoặc siêu VIP” – anh Tấn dự báo.
Chuyên gia tài chính NH Huỳnh Trung Minh thì cho rằng không nên cào bằng một hạn mức cấp tín dụng cho mọi đối tượng. Đối tượng khách hàng nhiều tiền, uy tín cao nên được cấp hạn mức tín dụng cao, người uy tín thấp thì được cấp hạn mức tín dụng thấp.
Chẳng hạn với những khách hàng là dân văn phòng, công chức, người lao động bình dân… thì hạn mức cấp tín dụng chỉ cần khoảng 50 triệu đồng là được. Ngược lại, với những khách hàng nắm giữ vai trò quan trọng của các tập đoàn lớn như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc… thường xuyên đi công tác nước ngoài và tiếp đối tác thì hạn mức tín dụng 1-2 tỉ đồng là thấp. Hơn nữa, đây là nhóm khách hàng có khả năng chi trả tốt, NH có thể kiểm soát được rủi ro thì tại sao lại giới hạn.
Đồng quan điểm, phó tổng giám đốc một NH thương mại nói cho dù có tài sản bảo đảm hay không thì các nhà băng cũng phải thẩm định rất kỹ khi cấp hạn mức thẻ tín dụng cho khách hàng. Do vậy NHNN không nên đưa ra quy định hạn chế mức tín dụng theo kiểu cào bằng, ngay cả với những khách hàng uy tín. Điều này là không phù hợp.
Mỗi ngày chỉ được rút 5 triệu đồng
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016 còn quy định: Đối với rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng/ngày. Đối với giao dịch rút tiền mặt VND từ thẻ tín dụng tại đơn vị chấp nhận thẻ, một ngày mỗi thẻ được rút tối đa là 5 triệu đồng.
Theo lý giải của NHNN, quy định như trên là phù hợp với thông lệ các nước và nhằm hạn chế rủi ro; hạn chế việc sử dụng ngoại tệ trong chi tiêu không đúng mục đích được phép theo quy định.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quy định một ngày chỉ được rút tối đa 5 triệu đồng là quá thấp, thiếu thực tế. Bởi hiện nay hạn mức rút tiền thẻ tín dụng của các NH ở mức từ 20 triệu đồng đến gần 100 triệu đồng/ngày.
Chị Mai Ngọc, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM, nhìn nhận dự thảo mới đưa ra là bất hợp lý đối với khách hàng. “Tại nhiều thời điểm, người tiêu dùng cần tiền mặt nhưng không muốn vào NH rút tiền, nếu khống chế như dự thảo thì sẽ bó tay nhiều người. Trên thực tế có những trường hợp phát sinh ngoài ý muốn nếu cần gấp số tiền lớn hơn theo quy định tại dự thảo thì sẽ vô cùng bất tiện” – chị Ngọc nói.
Cũng theo chị Ngọc, với những người đi nước ngoài thường xuyên mà chỉ được rút khoảng 30 triệu đồng thì không thấm vào đâu. Hơn nữa, khi ra nước ngoài, rất ít người mang theo tiền mặt mà thường sử dụng thẻ tín dụng, do vậy việc khống chế ở mức 30 triệu đồng/ngày là không khả thi.
Bên cạnh đó, quy định chỉ được rút 5 triệu đồng/ngày như dự thảo đưa ra chỉ làm lợi cho các NH chứ không phù hợp với quan hệ tín dụng, không phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân. Bởi các NH tìm kiếm lợi nhuận một phần dựa trên việc khách hàng mở thẻ tín dụng và sử dụng thẻ tín dụng.
“Nhiều NH thích khách hàng rút tiền mặt qua thẻ tín dụng bởi phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng khá cao, lên tới 4%-4,5%/lần” – TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, bình luận.
“Bắt” người dân sử dụng tiền mặt
Chuyên gia tài chính Ngân Hàng HUỲNH TRUNG MINH cho biết: Đối với ông chủ của những doanh nghiệp lớn, uy tín, các NH phải tự tìm tới để cung cấp thẻ tín dụng với hạn mức cao mà có khi còn bị từ chối. Như vậy, nếu NH giới hạn số tiền hạn mức trong thẻ tín dụng như dự thảo thì chẳng khác nào tự trói tay trói chân mình, tức hạn chế khách hàng sử dụng thẻ.
Lẽ ra thay vì khuyến khích thói quen tiêu dùng qua thẻ thì dự thảo sẽ đẩy người dân quay lại xài tiền mặt.
Có thể tạo ra những tình huống… hài hước
Thực tế cho thấy hiện nay không ít nhà băng cấp hạn mức rút tiền mặt ngoại tệ tương đương 50-60 triệu đồng/ngày cho một số chủ thẻ.
Từ thực tế này, phó tổng giám đốc một NH thương mại không muốn nêu tên cho rằng việc ngăn “chảy máu” ngoại tệ bằng cách giới hạn số tiền như dự thảo thì một khách hàng có quyền và có thể giao dịch với rất nhiều NH. Vậy liệu NHNN có đủ nguồn lực bắt các NH liên lạc với nhau để kiểm soát mức tín dụng của từng khách hàng hay không.
“Cho nên dự thảo này đề ra những quy định hoàn toàn không phù hợp với thực tế cuộc sống. Chẳng lẽ khi có một giao dịch lớn hơn hạn mức được cấp thì khách hàng phải cà mấy cái thẻ khác nhau mới đủ tiền thanh toán? Quy định như vậy có thể sẽ tạo ra những tình huống rất hài hước trên thực tế” – vị lãnh đạo NH này nêu quan điểm.