
Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Phòng chống Thiên tai – Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy đã cảnh báo trên trang facebook cá nhân của mình “HÃY SƠ TÁN! SƠ TÁN TRIỆT ĐỂ!. SƠ TÁN ĐẾN CÁC NHÀ BÊ-TÔNG KIÊN CỐ”
Các bạn không ở Miền Trung nhưng có người quen, thân ở Miền Trung hãy gọi điện và chắc chắn rằng người thân của mình tìm đến trú ở các nơi an toàn trước 9h tối hôm nay.
Hãy chuẩn bị nước, gaz, dầu thắp, nguồn sạc điện từ ắc quy, đèn pin, nến,… vì sau bão này sẽ rất lâu mới khôi phục lại được hạ tầng.
Khuyến cáo: Bão này có sức mạnh khủng khiếp. Nhà cấp 4, đặc biệt là các nhà mới bị ngâm lụt mà ở khu vực trống gió dễ bị nó quật đổ, tốc mái. Vậy nên tuyệt đối không trú bão trong các nhà cấp 4.
Không dồn đỗ tàu đánh cá ở ven biển nơi không có cảng biển được che chắn. Bão có thể đánh bay con tàu đánh cá từ dưới biển lên bờ hoặc lên ruộng đồng. Năm 2017, bão Damrey đã đánh đắm và hư hỏng 1141 con tàu ngay trong bờ. Tôi nhớ như in con số ám ảnh đó.
Các tàu hàng cỡ lớn nên tránh xa đường đi của bão. Không neo đậu cách bờ 1 hải lý vì nơi đó sẽ có sóng cao nhất (7-8m).
Hãy hàn chặt các mái tole bằng thép phi 6 trở lên.
Không tránh trú trong các nhà cấp 4, nhà ngói và nhà tole.
Không đỗ xe dưới tán cây to.
Không đi ra đường trong ngày 28/10 ở địa bàn các tỉnh trên.
Hãy tích trữ nhu yếu phẩm, điện thoại, sạc điện dự phòng,… và sơ tán lên nhà beton cao tầng.
Hãy tuân lệnh sơ tán của chính quyền địa phương.
Các địa phương cần cung cấp đường dây nóng từ bây giờ để hỗ trợ sơ tán.
Các địa phương cũng nên kêu gọi các đội tình nguyện chuyên nghiệp hỗ trợ ứng cứu và sơ tán người dân từ lúc này. Không đợi khi xong bão mới cứu trợ. Một đồng, một sức cứu trợ lúc này sẽ có giá trị lớn hơn 7 đồng, 7 sức khi khắc phục hậu quả.
NGAY LÚC NÀY HÃY LIÊN HỆ VỚI NHÀ HÀNG XÓM CÓ NHÀ CAO TẦNG BẰNG BETONG ĐỂ TRÁNH TRÚ. NÊN SƠ TÁN TẠI CHỖ TRONG CÙNG THÔN, CÙNG XÓM, CÙNG KHU PHỐ. NHỮNG NHÀ Ở VEN BIỂN NÊN SƠ TÁN VÀO TRONG THEO LỆNH CỦA CHÍNH QUYỀN.
LUU Ý: NGAY SAU BÃO SỐ 9 SẼ LÀ BÃO SỐ 10 CÓ KHẢ NĂNG CAO VÀO PHÍA NAM TRUNG BỘ NGÀY 03/11.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 17; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.
Từ chiều nay (27/10), vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 9-11, sau tăng lên cấp 12-13, giật cấp 16; biển động dữ dội; sóng biển cao từ 6-8m. Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc cơn bão kết hợp với không khí lạnh nên có gió đông bắc cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 4-6m. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định có khả năng xảy ra nước dâng do bão cao từ 0,5-1,5m. Nguy cơ ngập úng ở các vùng trũng, cửa sông, đầm phá ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Gió mạnh trên đất liền: Bão bắt đầu gây gió mạnh trên đất liền từ tối và đêm nay (27/10); thời gian có gió mạnh nhất trên đất liền từ sáng sớm đến chiều tối ngày 28/10. Các tỉnh/thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; riêng đất liền ven biển các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 15. Các tỉnh Kon Tum, Gia Lai có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 10.
Mưa lớn: Từ đêm 27/10 đến ngày 29/10, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200mm/đợt.
Từ 28-31/10 khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt; riêng Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt
Hôm qua 26/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết đã lên kịch bản sơ tán 1,2 triệu dân nếu bão Molave đổ bộ đất liền Đà Nẵng – Phú Yên.
Hiểu Minh