Trang chủ văn hóa Bí quyết hôn nhân hạnh phúc: Không đòi hỏi ‘luôn thấu hiểu’

Bí quyết hôn nhân hạnh phúc: Không đòi hỏi ‘luôn thấu hiểu’

0
266
Vì sao ngày nay hôn nhân và gia đình hay đổ vỡ, vợ chồng có thể dễ dàng bỏ nhau? Có lẽ một trong số những lý do phổ biến là sự vị kỷ, tâm lý đòi hỏi đối phương thấu hiểu, người này yêu cầu rất nhiều từ người kia. Nếu vợ hoặc chồng có thể không cần đòi hỏi người còn lại ‘luôn thấu hiểu’, chỉ quan tâm mang đến những điều tốt nhất cho một nửa của mình thì hôn nhân sẽ hạnh phúc trọn đời…
Bí quyết hôn nhân hạnh phúc: Không đòi hỏi ‘luôn thấu hiểu’
Ảnh: Shutterstock.

Lão Tử có câu “Tri nhân giả trí” nghĩa là người thấu hiểu người khác là bậc trí huệ. Có thể thấu hiểu chỗ khó của người khác và đưa tay tri viện đúng lúc là người đại trí đại huệ. Tuy nhiên, thế gian có rất ít bậc trí huệ. Phần lớn chúng ta chỉ là người bình thường, sống giữa trần gian còn lắm điều chưa tỏ. Cho nên, ngay cả với những người thân yêu nhất có lẽ cũng đến 7,8 phần là ta chưa hiểu hết về họ.

Hôn nhân hạnh phúc không phụ thuộc vào tư duy logic mà lại nằm ở tấm lòng

Nhìn những mối hôn nhân hạnh phúc, ta ngỡ rằng vợ chồng phải thấu hiểu nhau lắm. Nhìn những cặp đôi luôn vui vẻ, ta cho là họ biết hết về nhau.

Thực ra họ vẫn có chỗ không hiểu nhau. Vì sao vẫn hạnh phúc?

Bởi vì sự kết nối trái tim với trái tim không phụ thuộc vào tư duy, mà nằm ở một tấm lòng lương thiện. Dù có hiểu nhầm, họ vẫn dành cho nhau những điều còn lớn hơn thế, đó là sự nhường nhịn, bao dung và biết nghĩ cho người khác. Vậy nên họ có thể chung sống bên nhau trọn đời, cũng không cần phải làm một bậc trí huệ “luôn luôn thấu hiểu”.

Ngược lại, lý do của hôn nhân tan vỡ thường là vì đặt bản thân mình lên trên. Họ đòi hỏi đối phương phải hiểu mình, người này yêu cầu rất nhiều từ người kia.

Có người nói chúng tôi ly hôn bởi vì tính cách quá khác nhau. Nhưng thực ra mối quan hệ giữa hai người lại quan trọng hơn tính cách cá nhân. Khi mối quan hệ được đặt làm trung tâm, ở vị trí trang trọng, cao hơn cá tính của mỗi người thì cuộc hôn nhân sẽ bền lâu.

Hôn nhân hạnh phúc là gì?

Trước đây, có đôi vợ chồng già sống rất hoà thuận. Nhà họ có cả một vườn dưa chuột rộng lớn. Ông cụ thì thường xuyên chăm sóc vườn dưa, còn bà cụ thường làm dưa chuột muối. Mỗi mùa đông, ông cụ lại nghiên cứu các hạt giống để đặt mua loại tốt nhất.

Cả gia đình luôn vui vẻ. Ông thì xới đất, trồng và chăm sóc dưa chuột. Còn bà thì rất thích làm món dưa chuột muối. Thậm chí, bà cũng thường xuyên đọc sách dạy nấu ăn để xem những cách hướng dẫn làm dưa chuột muối ngon hơn.

Ai cũng nói đó quả là một gia đình hạnh phúc. Vị khách nào đến nhà chơi cũng được tặng một bình dưa chuột muối “đặc sản” mang về. Dần dần, những người con lập gia đình và chuyển đi. Nhưng họ vẫn liên tục được bố mẹ gửi cho những hộp dưa chuột muối.

Năm tháng trôi đi, đến một ngày cụ ông mất. Tất cả con cái về thăm mẹ và bảo “Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối. Chúng con sẽ đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ”.

Người mẹ mỉm cười “Cảm ơn các con, nhưng các con không cần trồng dưa đâu. Mẹ thật sự không hề thích làm dưa chuột muối. Mẹ chỉ hay làm món đó vì bố các con thích trồng dưa chuột mà thôi”.

Tất cả những người con đều rất ngạc nhiên, chỉ có người con út có vẻ buồn. Bởi vì bố anh từng kể với anh rằng ông không hề thích trồng dưa chuột. Chỉ vì mẹ anh thích làm dưa chuột muối nên ông trồng dưa để làm bà vui lòng mà thôi.

Ảnh: Shutterstock.

Cũng một câu chuyện tương tự…

Một đôi vợ chồng ngư dân nọ, chung sống với nhau cả một đời trong bình yên. Họ chưa từng một lần tỏ thái độ hay cãi vã nhau.

Người vợ lương thiện, tháo vát. Hàng ngày bà đều chọn ra một con cá ngon nhất, bỏ đầu, bỏ đuôi, lọc lấy phần mình cá và nấu nướng cho chồng ăn với cả tình yêu thương trân trọng. Hôm nay nướng cá thơm lừng, ngày mai bà lại hấp gừng thoang thoảng…

Bà thường đặt cá lên đĩa chờ chồng ăn, còn mình đơn giản chỉ ăn phần đầu và phần đuôi còn sót lại, chỉ cần no bụng là được.

Mấy chục năm qua đi. Một hôm trong ánh chiều tà, ông lão loanh quanh mãi rồi nói với vợ rằng: “Cả đời này của tôi chưa hề yêu cầu bà bất cứ điều gì. Giờ mà không nói có lẽ sau này chẳng bao giờ còn cơ hội nữa. Tới khi nào bà mới có thể làm cho tôi một cái đầu cá nhỉ? Tôi thích ăn nhất chính là đầu cá”.

Người vợ nghe vậy thì lập tức nước mắt giàn giụa tuôn rơi. Bà nói: “Từ ngày còn nhỏ tới giờ, tôi cứ tưởng rằng mình cá là thứ ngon nhất trên đời. Vì yêu ông, mà mình cá tôi đều nhường lại cho ông, còn tôi chỉ dám ăn đầu cá”.

Hôn nhân hạnh phúc khi bản thân biết nghĩ cho người khác

Sự hiểu lầm có lẽ chỉ là một chi tiết bất ngờ và nhỏ bé khi so với mối quan hệ hôn nhân dài lâu và gắn bó, những điều đã cho đi và nhận lại, hạnh phúc của cặp đôi. Thế nên, “không thấu hiểu” không phải là chuyện buồn. Đôi khi lại trở thành điều kiện để hạt giống có tên là “vị tha – biết nghĩ cho người khác” nảy mầm thành một khu vườn yêu thương đích thực.

Ở một góc độ khác, “kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình”. Thứ con người cần vứt bỏ là sự ích kỷ cá nhân, những biểu hiện trên bề mặt về ‘được – mất’. Có thể xem nhẹ bản thân thì điều nhận về sẽ là mối quan hệ hài hòa, bền lâu.

Buông bỏ bớt cá tính của bản thân hoặc có thể bị hiểu nhầm một chút cũng không sao. Trong hôn nhân vợ chồng biết tôn trọng nhau và luôn làm mọi việc với mục đích mang tới hạnh phúc cho nửa kia thì chính là đang sống trong hạnh phúc rồi.

Theo Nguyện Ước