Dù cẩn thận ăn uống thế nào, ai cũng thi thoảng mắc phải tiêu chảy, với các em nhỏ thì lại thường xuyên hơn. Trước đây mọi người hay dùng thuốc tây để trị bệnh, tuy nhiên chúng đều có tác dụng phụ, lâu ngày sinh kháng thuốc, sau này phải uống liều cao hơn, khó trị hơn. Do vậy hãy thử áp dụng kinh nghiệm của ông bà qua cái bài thuốc dân gian xem.
Cho dù tuổi tác thế nào, lựa chọn cây cỏ trong trị bệnh thường được khuyến khích hơn cả nhằm giảm thiểu các tác dụng phụ khó lường một khi thuốc đi vào cơ thể. Liên quan đến tiêu chảy, hệ tiêu hoá và hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn nên việc gặp phải các vấn đề rối loạn tiêu hoá như nôn, trớ, tiêu chảy là bình thường.
Các bài thuốc dân gian dễ thực hành dưới đây sẽ hỗ trợ một phần cho các mẹ khi con mình mắc phải chứng tiêu chảy:
1. Lá cây nhót
Lá nhót sao vàng, sắc nước uống chữa tiêu chảy. Dùng lá tươi (20-30g) hoặc lá khô (6-12g), thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
2. Hồng xiêm xanh
Hồng xiêm xanh có vị chát, tính bình là phương thuốc hiệu quả chữa tiêu chảy, kiết lỵ.
Cách sử dụng như sau: Cắt quả hồng xiêm xanh thành nhiều lát mỏng, phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi lần sử dụng lấy khoảng 10 lát sắc với nước uống, lượng nước phải ngập hồng xiêm. Sau đó đổ ra lấy nước uống mỗi ngày 2 lần.
Lưu ý là đối với trẻ nhỏ, trước khi cho uống nên nếm thử, không được cho trẻ uống đặc quá.
3. Rau sam
Trong Y học cổ truyền, rau sam có vị chua, tính hàn, không có độc, có kháng sinh tự nhiên, có khả năng giải độc, tiêu thũng.
Phòng ngừa: Hàng ngày dùng từ 100-200g rau sam làm rau ăn hoặc nấu cháo ăn hàng ngày.
Chữa bệnh: Khi đã có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy nhiều, dùng rau sam tươi 100g, cỏ sữa tươi 50g sắc uống thay nước trong ngày. Nếu đi ngoài ra máu có thể bổ sung thêm 20g nhọ nồi, 20g rau má vào sắc uống cùng.
4. Quả lựu tươi
Theo Đông y, quả lựu có vị chua ngọt, tính ấm; vào 2 kinh Vị và Đại Tràng. Có tác dụng sinh tân chỉ khát, chỉ huyết (cầm máu), săn chắc niêm mạc ruột nên rất thích hợp để chữa tiêu chảy cho trẻ.
Cách làm: Dùng lựu tươi 2 quả, bóc bỏ vỏ, lấy thịt sắc với 500ml nước, đun nhỏ cho cạn còn 150ml, vớt hạt ra cho mật ong vào cho đủ ngọt; chia ra 2-3 lần uống hết trong ngày. Ngoài tác dụng chữa ỉa chảy, còn có tác dụng điều hoà chức năng tiêu hoá.
5. Gừng tươi
Gừng tươi: 100g (hoặc gừng khô 30 g). Lá chè khô: 5 g. Hai thứ này đun chung với 800g nước cho đến khi còn 2/3 số nước rồi đổ thêm 15g dấm gạo, chia uống 3 lần/ ngày. Dùng cho trường hợp bé đi ngoài do lạnh bụng, ăn phải đồ lạnh.
6. Lá mơ
Hái một nắm lá mơ tía khoảng 100g (mơ tía thì tốt và thơm hơn lá mơ trắng) rửa sạch, ngâm trong nước muối loãng 5 phút, vớt ra để ráo nước.
Sau đó, rã lá mơ thật nhỏ, rồi cho vào bát và đập 1 quả trứng gà, đồng thời thêm một chút muối (cho vừa miệng), trộn đều mang đi chiên. Trở đều hai mặt cho trứng và rau mơ chín đều, lấy ra cho người bệnh ăn (ngày 2 lần).
7. Búp ổi
Lấy vài búp ổi, sắc lên lấy nước cho bé uống, mỗi lần cho uống đổ 1 chút vào cái chén, sau đó cho người bệnh uống.
8. Chuối tiêu xanh
Chuối tiêu xanh mẹ gọt mỏng lớp vỏ xanh bên ngoài, để lại lớp vỏ xanh bên trong (hoặc tước vỏ cũng được), xay nhuyễn trộn với cháo rồi nấu chín cho bé ăn trong khoảng 3 ngày.
9. Cỏ sữa
Cây cỏ sữa 2 nắm; nấm mèo: 5 tai; đậu đen xanh lòng 50gram (loại đậu vỏ màu đen nhưng khi các mẹ cắn ra thì thấy ruột bên trong màu xanh).
Sau đó, cỏ sữa rửa sạch; nấm mèo ngâm cho nở ra rửa sạch rồi thái dài và mỏng. Bắc song song 2 chảo ở 2 bếp: 1 bếp sao đậu đen, 1 bếp sao nấm mèo, xong rồi sao cỏ sữa. Cho cả 3 thứ sau khi sao vào 1 cái nồi, lấy 3 bát nước sắc nhỏ lửa còn 0,5 bát cho bé uống trong 1 ngày, không được để qua ngày hôm sau.
Lưu ý: Cỏ sữa lá nhỏ và lá to đều có tác dụng chữa kiết lỵ nhưng cỏ sữa lá to dễ mất cân bằng âm dương nên dùng phải thận trọng hơn.
10. Vỏ quả măng cụt
Măng cụt không chỉ cho quả ngon ngọt, mà vỏ quả và vỏ cây măng cụt còn có thể làm thuốc trị tiêu chảy, kiết lỵ rất hiệu quả.
Cách làm: Lấy khoảng 10 vỏ cho vào một nồi đất, đậy thật kín bằng một tàu lá chuối. Sau đó đun sôi cho đến khi nước có màu thật sẫm, cho bé uống mỗi ngày 3-4 chén.
Chú ý: Trưởng hợp các bé mắc tiêu chảy nặng, kéo dài, bị mất nước (khô lưỡi hoặc môi, tiểu ít…), bố mẹ nên đưa bé đi khám tìm hiểu lý do.
Theo Subin/Hoàng Kỳ