Điều gì xảy ra với cơ thể nếu dùng đồ uống có đường mỗi ngày?

0
173

Cuộc sống bận rộn, trong khi đó, các loại thức ăn nhanh, đồ uống có đường lại rất tiện lợi, giá cả hợp lý, khẩu vị phù hợp với mọi tầng lớp dân cư, khiến cho việc tiêu thụ càng phổ biến.

TS Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), Trưởng Ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội, Tổng hội Y học Việt Nam, cho biết mức tiêu thụ nước giải khát (loại đồ uống có đường phổ biến nhất) ở Việt Nam đã tăng gấp 7 lần trong 15 năm qua, từ bình quân 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017, nhất là ở nhóm trẻ tuổi.

Lạm dụng đồ uống có đường là tác nhân của nhiều bệnh lý

Chia sẻ với PV, bác sĩ Đào Thị Hảo, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Hà Nội, cho biết đồ uống có đường sẽ giúp bạn tăng năng lượng nhưng lại thiếu chất xơ và các vi chất (năng lượng rỗng). Chúng ta sẽ thấy cảm giác no hay giải khát nhanh chóng. Tuy nhiên, hàm lượng đường, nhất là fructose (đường đơn)cao khiến bạn chán ăn, thèm uống nước ngọt nhanh hơn.

Thậm chí, trẻ nhỏ uống nhiều loại đồ uống này sẽ có hiện tượng tăng động, giảm chú ý. Vì vậy, việc sử dụng nước ngọt quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của người dùng.

“Một chai nước ngọt, tùy loại, có thể chứa tới 40-50 g đường, gấp đôi lượng đường cơ thể cần trong ngày. Bên cạnh đó, bạn còn nạp thêm đường từ nhiều thực phẩm khác. Như vậy, việc dùng thêm các loại đồ uống có đường có thể dẫn tới việc đưa vào cơ thể quá nhiều đường, vượt ngưỡng khuyến nghị”, bác sĩ Hảo nói.

Năng lượng dư thừa sẽ tích tụ lại thành một loại mỡ trắng, gây tăng cân. Tăng cân nhưng không tăng cơ, mỡ lại thường tập trung vào vùng bụng, gây mất thẩm mỹ về hình thể.

Theo vị chuyên gia này, nếu sử dụng quá lượng đường 20-30 g/hàng ngày, đặc biệt đường từ nước ngọt có ga (1-2 lon/ngày), bạn đã bổ sung gấp đôi lượng đường cần thiết.

Đây là yếu tố nguy cơ gây nên các bệnh mãn tính không lây như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, gan nhiễm mỡ, tiền đái tháo đường, tim mạch, loãng xương, béo phì, ảnh hưởng hệ tiêu hóa và tăng rõ rệt nguy cơ ung thư.

Nước ngọt có ga còn tiềm ẩn các chất gây ung thư
Nước ngọt có ga còn tiềm ẩn các chất gây ung thư.

Nước ngọt có ga còn tiềm ẩn các chất gây ung thư như methylmadizole. Isabel Drake, một nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển), cũng cho biết người uống nhiều nước ngọt có ga sẽ có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 40% so với bình thường.

Đừng nghĩ nước ngọt không đường là tốt

Ở một số loại đồ uống đóng chai, người tiêu dùng có thể bắt gặp các thông tin như “không chất béo”, “không đường”, “không calo”. Người dân sẽ hiểu lầm rằng sản phẩm không có các chất này hoặc ở mức thấp, không gây ảnh hưởng tới cơ thể người, có thể sử dụng thoải mái, không giới hạn.

Tuy nhiên, bác sĩ Đào Thị Hảo nhấn mạnh thực tế, chúng không tạo ra calo nhưng trong đồ uống này vẫn chứa nhiều chất tạo ngọt, phụ gia, làm tăng quá trình hấp thu chất béo, đạm. Chúng không chứa năng lượng nhưng lại là chất kích thích để cơ thể tích mỡ. Vì vậy, người dân vẫn có thể tăng cân.

Việc hiểu đúng các thông tin trên nhãn dinh dưỡng sẽ góp phần lựa chọn và ăn các thực phẩm, nước uống có đường chai hợp lý hơn.

Đọc nhãn thực phẩm là một thực hành hữu ích để kiểm soát các loại thức ăn, nước uống, hóa chất… được đưa vào cơ thể chúng ta. Là người tiêu dùng thông thái, hãy tạo thói quen đọc nhãn các thực phẩm khi mua”, bác sĩ Hảo nói.

Đồ uống có đường còn gây hiện tượng no giả, tức là lượng ăn chưa đủ những đã có cảm giác no.
Đồ uống có đường còn gây hiện tượng no giả, tức là lượng ăn chưa đủ những đã có cảm giác no. (Ảnh: Aboutlawsuits).

Uống nhiều gây nghiện?

Dù vậy, người Việt hay có thói quen uống nước ngọt trong bữa cơm, đặc biệt nước ngọt có ga. Loại nước này có lượng khí lớn gây đầy hơi, khó chịu, ợ hơi… Chúng còn gây hiện tượng no giả, tức là lượng ăn chưa đủ những đã có cảm giác no. Ngoài ra, việc hấp thu các chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng.

Trẻ em sử dụng đồ uống có đường hàng ngày sẽ ảnh hưởng tới vị giác, giảm khẩu phần ăn. Trẻ không ăn đủ, ăn đa dạng thực phẩm sẽ làm giảm hấp thụ canxi, ảnh hưởng sự phát triển chiều cao.

Một thói quen khác không tốt của phụ huynh Việt là khi trẻ đói sẽ cho uống cho dùng đồ uống có đường. Bác sĩ Hảo cho hay chúng chỉ mang tới cảm giác no giả và không có năng lượng, gây hại cho dạ dày của trẻ. Cha mẹ nên thay thế bằng sữa hoặc 1-2 lát bánh, không nên dùng nước ngọt để giảm cơn đói cho con.

Đặc biệt, khi đói, bạn thường khó kiểm soát lượng nước ngọt nạp vào. Khi nạp quá nhiều đường, bạn có thể có cảm giác buồn nôn, mạch nhanh, huyết áp tăng… Đây là dấu hiệu không chuyển hóa được đường, người ta hay gọi là “say đường”.

Người sử dụng thường xuyên sẽ có cảm giác “nghiện” đồ uống có đường. Bác sĩ Hảo cho hay đường trong nước ngọt kích thích giải phóng dopamine (chất dẫn truyền nội tiết thần kinh trong não), khiến cơ thể cảm thấy vui vẻ, khỏe khoắn hơn. Về lâu dài, bạn sẽ bị lệ thuộc loại thức uống này.

Một số dấu hiệu của “nghiện” nước ngọt, nước tăng lực như: Có cảm giác thèm uống mãnh liệt; rất thích ngửi mùi; tỉnh táo, sảng khoái sau khi uống; không thể kiểm soát được lượng nước mình uống.

Vị chuyên gia này cũng hướng dẫn cách đơn giản nhất để chống lại “cơn nghiện” là thay thế bằng thức uống khác tương tự. Một số lựa chọn lành mạnh hơn như trà xanh, nước trái cây ít ngọt, trà thảo mộc, trà lên men, nhai kẹo cao su…

Zing