Ngoáy mũi là một trong những hành vi mà con người thực hiện nhiều nhất trong ngày. Bạn có biết khi cho tay vào ngoáy, chiếc mũi của bạn sẽ phản ứng như thế nào không?
Nếu ai đã từng nghĩ, ngoáy mũi là cách làm sạch bụi bẩn trong mũi hữu hiệu nhất thì hãy cẩn thận nhé! Đó là một hành động sai lầm mà khoa học đã cảnh báo suốt thời gian qua. Từ những năm 1990, tác hại xấu từ việc ngoáy mũi đã được nghiên cứu tại Mỹ và cho đến nay, số trường hợp gặp phải vấn đề nghiêm trọng có liên quan đến ngoáy mũi không ngừng gia tăng.
Hội chứng “ám ảnh ngoáy mũi” (rhinotillexomania)
Hai nhà khoa học James Jefferson và Trent Thompson đến từ Đại học Y khoa Wisconsin, Mỹ đã công bố trên tạp chí Tâm Lý Học Lâm Sàng (JCP_Journal of Clinical Psychology) nghiên cứu của họ về việc ngoáy mũi. Theo đó, trong số 254 người được khảo sát thì có đến 91% cho rằng họ thường xuyên ngoáy mũi.
Các trường hợp đó được xem như một dạng rối loạn ám ảnh cưỡng chế không được chẩn đoán, gần giống với một chứng tâm thần. Đây là một thói quen lành tính thường gặp ở cả trẻ em lẫn người lớn, nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi có thể nghiêm trọng đến mức tự gây tổn thương.
Ngoáy mũi cũng gây nghiện đó nhé!
Ngoáy mũi = chọc giận “tam giác nguy hiểm”
Trong y khoa có một khu vực giữa mặt được đặt tên là “tam giác nguy hiểm”, đó là khu vực hình tam giác có đáy là đường nối hai mép miệng với nhau và đỉnh là gốc mũi. Khu vực này chia sẻ chung nguồn cung cấp máu với não, do vậy mọi nhiễm trùng ở khu vực này có nguy cơ lây lan đến não, dù rất hiếm nhưng khả năng xảy ra cũng không hề ít. Chỉ cần một vết trầy nhỏ trong khoang mũi sẽ khiến tình trạng viêm loét “ăn” sâu vào các cơ quan bên trong và có cơ hội di căn vào não bộ trung tâm. Quá nhanh, quá nguy hiểm phải không nào?
Vùng tam giác nguy hiểm trên mặt.
Viêm nang lông như chơi
Móng tay được minh chứng là bẩn không kém gì toilet. Vì thế, việc dùng móng tay để chọc ngoáy nhằm vệ sinh mũi là phản khoa học. Khi ngoáy mũi, vi khuẩn từ móng tay sẽ xâm nhập vào bên trong. Tại đây, với các điều kiện thuận lợi sẽ càng nuôi dưỡng chúng thêm khỏe mạnh. Đến một lúc nào đó khi “thiên thời địa lợi nhân hòa”, đám vi khuẩn này sẽ sinh mủ tạo thành mụn viêm. Chúng khiến nang lông của mũi bị viêm phù nặng nề, ảnh hưởng đến đường thở và cả các ống dẫn máu lên não.
Tổn thương mũi và não bộ bắt nguồn từ việc chọc ngoáy mũi của bạn.
Nguyên nhân của bệnh viêm xoang
Đây là căn bệnh bắt nguồn từ các yếu tố tự nhiên do khói bụi, ô nhiễm môi trường gây nên. Và ngoáy mũi cũng là một trong những nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao cấu thành nên căn bệnh khó chịu này. Các vi khuẩn trong móng tay của bạn sẽ kết hợp với môi trường tự nhiên của mũi. Khi móng tay tiếp xúc với mũi, vi khuẩn sẽ di chuyển vào khoang xoang để trú ẩn và sinh sôi ở đó. Về lâu dài, chúng sẽ làm xoang bị nghẹt và viêm, gây khó thở và nổi mủ.
Việc ngoáy mũi còn là nguyên nhân khiến căn bệnh viêm xoang được dịp hoành hành.
Tiêu diệt “vệ binh” tự nhiên của mũi
Cũng giống như răng có lớp cao che chắn, chiếc mũi của chúng ta cũng có những lớp lông dày để bảo vệ các cơ quan bên trong. Đây là một hàng rào bảo vệ “bất khả xâm phạm” có công dụng chống lại khói bụi, dị vật nguy hiểm. Tuy nhiên, khi dùng tay ngoáy mũi bạn sẽ cọ sát và làm rụng lớp lông này. Khi ấy, bạn sẽ dễ dàng mắc phải các chứng bệnh về tai mũi họng nhiều hơn. Đặc biệt, lớp niêm mạc ở mũi mỏng manh có thể bị rách, chảy máu, thậm chí là vỡ mạch máu mũi chỉ vì một phút nông nổi thôi đấy.
Theo Huy Khôi/Thethaovanhoa