Trang chủ Giải trí Bước gió truyền kỳ – Trường ca của Phan Hoàng – Kỳ...

Bước gió truyền kỳ – Trường ca của Phan Hoàng – Kỳ I

0
858

“Có vẻ như Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng được viết từ cảm hứng lịch sử và cảm hứng thời đại. Khi dùng hình tượng ngọn gió làm trung tâm, xuyên suốt tập trường ca là anh có dụng ý nói về cái đã qua, đã muộn, đã trở thành quá khứ, thành lịch sử. Anh đã khéo léo kéo xa về gần, đưa cội nguồn về với hiện tại.

* Nhà thơ Phan Hoàng: Nghĩa tình của người Sài Gòn

* Nhà văn Phan Hoàng miêu tả ‘Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra’

* Đèo Le – tường thành của lòng yêu nước

Cả tập trường ca là một câu chuyện truyền kỳ về công cuộc mở cõi và giữ nước của dân tộc Việt Nam ta. Những vấn đề mà anh đặt ra trong thơ luôn làm cho người đọc phải thảng thốt, giật mình. Anh không sử dụng những ngôn từ bóng bẩy, đa nghĩa nhưng lại có sức cảm hoá người đọc, dồn ép người đọc, tấn công người đọc từ mọi phía, mọi hướng, từ gần đến xa, từ cao xuống thấp giống như gió Tuy Hoà quê hương vậy”. Đó là lời nhận xét của Nhà văn, đạo diễn VĂN LÊ trong Trường ca của Phan Hoàng.

                                                                          Nhà thơ Phan Hoàng

Mở đầu:

NHỮNG NGỌN GIÓ VÔ DANH

Những ngọn gió vô danh

Người ơi từ đâu theo gió bay đi

Từ đâu hồn thiêng bay về cùng gió

Đêm đêm bỗng nghe bóng cây ngọn cỏ

Tiếng ai trong gió lạnh rơi thì thầm

Đêm đêm bỗng nghe rừng xanh thành cổ

Bước ai trong gió lặng trôi bềnh bồng

Người mới con trai người vừa con gái

Ước mơ căng tràn ngực gió thanh xuân

Người lên đầu non người xuôi cuối bể

Xác hoá mây bay hồn về đất mẹ

Người từ ngàn năm người quên tên tuổi

Bỗng gió theo về bỗng gió bay đi.

Phần I:

GIÓ TIẾP SỨC ƯỚC MƠ

I. Gió mở đường bay

II. Đồng dao nghịch gió

III. Cuộc trò chuyện giữa gió và núi

IV. Gió tiếp sức ước mơ 

I.

Gió mở đường bay

Mỗi ngọn gió bay mở một con đường

Mỗi con đường lao đi bí ẩn như ngọn gió

mạnh mẽ và thơ ngây.

– Gió từ đâu mà có?

Gió do ai sinh ra?

Gió có mẹ có cha?

Gió có ông có bà?

Gió có nội có ngoại?.

Tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi

Hồn nhiên như ngọn gió hồn nhiên

Tung tăng cuốc kêu dế gáy chim ca

Cóc nhái gọi sấm gọi chớp gọi mưa

Gọi cả nỗi buồn giấc mơ lấm lem bùn đất

Giao hưởng đồng quê hòa quyện lời ru ôm lấy xóm làng.

Tuổi thơ ta hồn nhiên bao câu hỏi

Hồn nhiên như ngọn gió hồn nhiên

Trong xanh ánh mắt sương mai

Khóc người lớn cười

Cười người lớn khóc.

– Gió tự do rong chơi mọi chân trời, có bao giờ được hôn tóc cô tiên hay vuốt ve chòm râu ông bụt? Gió có được bà thương yêu chiều chiều dắt đi lễ chùa cúng phật, chắp tay quỳ lạy nam mô a di đà cầu nguyện sức khoẻ mùa màng tốt tươi?

Những câu hỏi ngây ngô như ngọn gió ngây ngô bay khắp nhà bay khắp vườn bay khắp làng bay khắp cánh đồng mênh mông đêm đông vắng mẹ.

Những câu hỏi mở đường bay đến chân trời biền biệt người thân như con sáo sổ lồng không tiếng vọng trở về nước mắt cây cỏ cố hương.

II.

Đồng dao nghịch gió

– Không có gió thì không có nước

Không có nước thì không có sông

Không có sông thì không có đồng

Không có đồng thì không có ruộng

Không có ruộng thì không có lúa

Không có lúa thì không có ta!

– Ta về với lúa

Lúa về với ruộng

Ruộng về với đồng

Đồng về với sông

Sông về với nước

Nước về với gió

Gió về với ta!

Lưng trâu chìm bảy nổi ba

Đồng dao nghịch gió trôi ra… dòng đời

Nhớ quê nằm mớ trò chơi

Sông xưa gió vọng tiếng cười lưng trâu

Dòng sông thơ dại dãi dầu

Bắc yêu thương những nhịp cầu đồng dao!

III.

Cuộc trò chuyện giữa gió và núi

Nhiều đêm trong mơ ngược dòng ấu thơ đuổi bắt sao trời, ta trộm nghe núi mở lòng với gió:

– Các cụ đồ nho ngày xưa đặt cho núi tên chữ Thạch Bi Sơn. Những bác nông dân quen gọi núi Đá Bia, núi Ông Bia quê mùa chất phác. Núi yêu những bác nông dân và yêu cả các cụ đồ.

Gió hỏi:

– Núi đứng một mình núi có buồn không?

Núi tỏ ra sành địa lý:

– Dưới chân núi là Vũng Rô của Biển Đông như cô gái đương thì kiêu sa và xa xa phía tây là đồng bằng Tuy Hoà châu thổ sông Ba lúc màu mỡ phù sa lúc ầm ào thác lũ.

Con đường xuyên sơn ngoằn ngoèo đèo Cả âm vang bước chân, vó ngựa, chiến xa vệ quốc oai hùng. Núi vui thú cây cỏ chim muông, núi mê mải ngắm các cô thôn nữ.

Những cô thôn nữ đôi chân trắng muốt dẻo dai, đôi tay thon thả giỏi giang, ánh mắt lúng liếng đa tình. Những cô thôn nữ một thời đào đá đắp đường cho những đoàn quân xông pha giữ yên bờ cõi.

Gió hỏi:

– Núi nhớ gì một thời trận mạc? Núi nhớ gì một thời đội sấm đội chớp mở đường? Núi nhớ gì một thời làm người lính trấn biên?

Núi lại làu làu lịch sử:

– Nhớ và nhớ thật nhiều. Một thời núi là vị trọng tài phân chia ranh giới hai nước Việt – Chiêm. Núi phóng tầm nhìn tận Sài Gòn, Cà Mau, Hà Tiên và cả xứ sở Cao Miên. Núi gởi hồn theo những đám mây màu cánh vạc về miền Tây Nguyên và Ai Lao quyến rũ.

Theo cách tính của các anh học trò học vẹt: núi cao chừng hơn bảy trăm thước, một hòn đá to nhô lên trên đỉnh như mũi giáo, mũi gươm, mũi tên hùng cứ một phương và như dương vật sinh tồn khổng lồ quanh năm cường lực ấp ôm mây trắng.

Hoàng đế thi sĩ Lê Thánh Tôn mở đường đến đây lấy cây rừng làm bút, lấy đá núi làm nghiên, lấy nước biển làm mực, đề thơ lên thạch trụ cao vút chín tầng xanh.

Con đường minh quân xây bằng máu đào soi sáng đường bay chim Việt, nối ngàn xưa cho tới ngàn sau.

Núi nghênh đón những tao nhân mặc khách và đón những gã ăn mày thất cơ lỡ vận, núi tiễn những đoàn quân oai hùng ra trận và an ủi những đôi tình nhân ôm chặt hôn vội hôn vàng nguyệt thực đẫm nước mắt chia ly.

Gió thẹn thùng:

– Vậy còn với gió, núi không nhớ gì sao?

Núi đỏ mặt:

– Đã triệu triệu năm rồi

núi vẫn mềm lòng đứng đợi

gió mãi rong chơi hang lạ đồi non

núi vẫn đợi không hờn không trách

đợi đến biển khô đợi đến đá mòn

như con đường làng đợi từng tiếng bước thân quen

như con đường sắt cắt chia đợi những chuyến tàu thống nhất

như người vợ lính trận giấu kín mùi hương da thịt khát khao đợi ngày sum họp

mỗi cơn mơ ái ân một tiếng nấc run rẩy buốt lòng suối nóng đẫm thanh xuân 

IV.

Gió tiếp sức ước mơ

Từ nhựa sống mỡ màng rễ vật vã mồ hôi đất sâu

Những cành xanh vươn vai tươi cười bầu trời cao rộng,

Từ sân ga nghẹn ngào tiễn đưa phập phồng chờ đợi

Những con tàu như cánh diều no gió kết nối ước mơ.

Sau mỗi chuyến tốc hành

Ta ngược đường bay tìm về ngọn gió biển tuổi thơ,

Sân ga cong cong dáng sông dáng núi

Lồng lộng Đá Bia

Oai linh tinh hoa trời đất

Hào hiệp sông Ba

Thiêng liêng dòng sữa sinh thành.

Sừng sững tầng mây

Gió xanh áng thơ huyền thoại,

Đá Bia

Hiên ngang dáng cha

Thách thức đại dương

Thách thức những cơn giông lịch sử.

Mênh mang đôi bờ cát dài độ lượng

Gió say bầu rượu dân ca,

Sông Ba

Bao dung tấm lòng của mẹ

Nuôi cây lúa nghĩa tình

Nuôi cả lũ kiến chòm ong.

– Gió ơi, đất trời cao rộng bốn phương,

Bay đường nào con người bớt khổ đau?

Bay đường nào con người bớt nghèo đói?

Bay đường nào con người bớt phản trắc?

Bay đường nào con người tin được nhau?

Bình thản trước nỗi lòng ta

Gió biển tuổi thơ dang rộng vòng tay từ mẫu,

Tiếp sức ước mơ con tàu nóng bỏng trái tim thiên di,

Bay về phía biên cương mãnh thú gầm gừ sấm chớp mưa giăng

Bay về phía biển khơi kình ngư ầm ào áp thấp dậy sóng

Bay đến vùng trời thi ca âm nhạc đang cứu rỗi những nòng súng lên đạn bắn vào mầm xanh mở mắt tự do cất tiếng nói tương lai

                                               Bìa trường ca Bước gió truyền kỳ của Phan Hoàng

Phần II

BƯỚC GIÓ TRUYỀN KỲ

I. Bước gió truyền kỳ

II. Gió khẩn hoang

III. Gió xuôi chín khúc sông rồng

IV. Tây Nam mùa gió chướng.

I.

Bước gió truyền kỳ

1.

Thức dậy trong ta bước chân huyền thoại

Thức dậy trong ta ngọn gió trăng rằm

Thức dậy trong ta nỗi buồn cổ tích

Thức dậy ước mơ khí phách cha ông.

Ước mơ bao dung tình sông

Ước mơ hiên ngang dáng núi

Ước mơ ủ mầm khí thiêng

Bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên

Âm vang bước gió truyền kỳ

Lớp lớp người người

Tay kiếm tay cờ

Lớp lớp người người

Tay rìu tay giáo

Mắt chớp lửa mặt trời phương nam

Lẹ hơn sóc

Mạnh hơn hổ báo

Nhanh hơn tiếng hú rừng hoang

Lẫm liệt lao mình

Máu

Máu

Máu

Mở cõi

Máu

Máu

Máu

Giữ nước

Ước mơ ủ mầm hạt lúa ca dao

Bật từ đất đai ngàn xưa trấn biên

Âm vang bước gió truyền kỳ

Lớp lớp người người

Tay cuốc tay cày

Lớp lớp người người

Chém cá tràng kình

Mắt xua mây xám Biển Đông

Lưng bóng nắng

Mồ hôi lạnh

Ngực dằn từng cơn ho cơn sốt gió bấc gió nam cồ

Chân ngăn từng dòng nước khách nước lũ

Vật vã

Kiên trì

Tự lực

Khẩn hoang.

2.

Ơi lớp lớp người người

Hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt

Đôi cánh Lạc Long Quân

Đôi cánh Âu Cơ

Bay từ đất thiêng trung thành voi phục Phong Châu

Bay từ khí thiêng oai hùng rồng lượn Thăng Long.

Ơi lớp lớp người người

Hiên ngang đôi cánh ước mơ chim Việt

Đôi cánh ngàn năm

Ước mơ ngàn năm

Âm vang bước gió truyền kỳ

Bước gió dịu dàng kiệu hoa Huyền Trân

Tay gạt nước mắt tay cầm nhan sắc

Không tướng không quân

Xông pha đắp bồi hình hài đất nước.

Bước gió vó ngựa uy phong Lê Thánh Tôn

lưng kiếm túi thơ

rừng nghinh biển đón

phất cờ mở rộng biên cương Tổ quốc.

Bước gió Nguyễn Hoàng

Bước gió Lương Văn Chánh

Bước gió Nguyễn Hữu Cảnh

Bước gió những đoàn quân vô danh

Bước gió những lưu dân vô danh

Bước gió những nghệ sĩ vô danh

Bước gió những mỹ nữ vô danh

Bước gió…

Nhập hồn xóm làng

Nhập hồn sông suối

Nhập hồn núi rừng

Nhập hồn biển đảo.

3.

Ơi lớp lớp người người

Hiên ngang đôi cánh ước mơ chim thần Lạc Việt

Âm vang bước gió truyền kỳ

Âm vang đường bay đất nước cong cong hình dấu hỏi.

Dấu hỏi nội lực kháng thể độc lập sinh tồn

Dấu hỏi kiên trì tự chủ tự do tự lực

Tự tin trống đồng vọng vang ngàn năm trước.

Dấu hỏi hoà bình hoà giải hoà khí yêu thương

Dấu hỏi hoả tốc dân quyền dân sinh dân trí

Dân chủ từng cái nhấp chuột hội nhập thế giới hôm nay

Và dấu hỏi

Như tiếng sấm rền suy tư ngày giông bão:

Bước gió minh triết đường bay vàng tương lai đàn chim Việt

Giữa cuồn cuộn chuyển động sắc màu vũ trụ hấp lực những hố đen?.

II.

Gió khẩn hoang

1.

Những ngọn gió mang hương hồn đất đai

Tự vạch cho mình những con đường xuyên nam xuyên tây

Dọc ngang miền sông rạch.

Những ngọn gió chưa bao giờ ngừng thổi

Tiếp sức cánh buồm mang đầy hy vọng

Như chuyến tàu không ngừng chuyển bánh

Và cánh đồng xanh đến hạt phù sa cuối cùng

Chuyển vụ

Lại lên xanh.

2.

Những ngọn gió mở đường trĩu nặng ước mơ

Khởi từ tình yêu bùn lầy sỏi đá dựng ruộng dựng nương

Từ câu hát then ới la đằm thắm váy hoa núi đồi đất Tổ

Từ câu quan họ liền anh liền chị hẹn hò Kinh Bắc cởi áo trao nhau

Từ câu bài chòi hò khoan đối đáp duyên hải miền Trung sóng vỗ

Sông nước nhớ thương đọng lại nỗi buồn nông sâu thành câu vọng cổ

Nỗi buồn ngọt ngào gió chướng phương Nam se se cay đắng

Nỗi buồn ly hương dựng mới quê hương.

Những ngọn gió mở đường in dấu bao linh hồn

Bộ hành xuôi về hướng nam

Căng buồm ngược về hướng tây

Gió hoá thân những chàng trai vạm vỡ lưu dân

Gánh trên vai ánh mắt hy vọng người già

Giấu kín trong tim mùi hương vợ trẻ tiếng khóc con thơ

Vượt lam sơn chướng khí

Vượt thác lòng trắc ẩn

Vượt lên số phận thiên di như con thuyền độc mộc vượt trùng dương.

3.

Những ngọn gió mở ra vùng đất mới

Từng giọt mồ hôi nhỏ xuống

Từng giọt máu đào đổ xuống

Từng sinh mạng ngã xuống

Từng lớp người nằm xuống

Gió dâng lên dòng sông chín khúc hoá rồng cuồn cuộn ước mơ

Gió dâng lên bao cánh đồng mênh mông cò bay mỏi cánh

Gió dâng lên những thành phố trẻ lớn nhanh Phù Đổng

Gió dâng lên những cái tên gần gũi quê mùa

Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… đẹp như ca dao

Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, Bến Lức, Mỹ Tho, Gò Công, Ô Môn,

Cái Mơn, Cái Bè, Cái Răng, Cái Nước, Cái Vồn,… quyến rũ như cổ tích

Những cái tên dân dã dựng nên văn hoá chân lấm tay bùn

Dựng nên phương Nam huyền thoại gió mới

Những cái tên nôm na cổ truyền không chủ nghĩa hiện sinh, hậu hiện đại nào có thể xoá nhoà.

4.

Những ngọn gió mở đường

Mang linh hồn đất đai

Mang giấc mơ chinh phục

Mang tinh thần bất khuất

Chưa bao giờ ngừng thổi

Như những chuyến tàu không ngừng chuyển bánh

Và những cánh đồng xanh đến hạt phù sa cuối cùng

Chuyển vụ

Lại lên xanh.

Những ngọn gió tiên phong mở đường

Những con đường mang hình ngọn gió

Bắc những chiếc cầu tre cầu đước lắt lẻo

Bắc những cây cầu dây văng phượng múa rồng bay

Nối những chuyến tàu thống nhất xuyên bắc xuyên tây

Tạc nên tượng đài nhân hậu và quả cảm

Tạc nên tượng đài trù phú và hào phóng

Tượng đài người phương Nam

Tượng đài đất phương Nam.

III.

Gió xuôi chín khúc sông rồng

1.

Để lại phía sau nỗi đau trận mạc

tình yêu lứa đôi không còn bão lửa cắt chia

gió nối những ngả đường xuân thì mỏi mòn chờ đợi

dựng những chiếc cầu lãng mạn như mắt môi thôn nữ hát dân ca.

Gió ngược phương ta năm eo duyên hải

Gió xuôi chiều em chín khúc sông rồng

Đường gió minh mang tình tang đồng bằng

Rực đỏ vùng vùng phù sa

Nóng chảy dòng dòng xích đạo

Giàn lửa hoa em mông muội đồng nội Cửu Long

Hoả thiêu từng tế bào ta ngựa hoang đại ngàn Trường Sơn

Hoả thiêu cả giấc mơ bí mật giống đực

Giấc mơ sinh trưởng

Giấc mơ không trọng lực.

2.

Gió xuôi chiều em sông rạch êm đềm

Gió ngược phương ta đại dương ầm ào sóng vỗ

Sông em đã rạch

Biển ta khó lường

Thuyền em neo đá

Ngựa ta buông cương

Thịt da nhiệt đới

Hừng hực ngực lửa

Hực hừng đùi hương

Bềnh bồng suối tóc

Bồng bềnh môi trầm

Bềnh bồng mông núi

Bồng bềnh lạch hoa

Bồng em lốc xoáy

Bềnh ta bão rung

Ta bồng em đắm

Em bềnh ta say…

Sông rồng chín khúc mây bay

Sông tình chín lúc gió ngây hương nồng

Em làm vợ ta làm chồng

Yêu nhau thì cứ bềnh bồng bập bênh

IV.

Tây Nam mùa gió chướng

1.

Nhớ ơn lấp biển vá trời

Sinh thành non nước muôn đời nước non

Phận ta tiên cháu rồng con

Hẹn em biên giới khấn hồn người xưa.

Tây Nam gắt nắng dầm mưa

Ta về gió chướng cũng vừa dọc ngang

Mây thênh thang nước mênh mang

Không em mây nước bẽ bàng buồn trôi.

2.

Ông bà khai rạch khẩn đồi

Sinh ra làng mạc để rồi sinh em

Cảm thương cô bé lọ lem

Bơi trong gió chướng giặc đêm cướp ngày.

Ta về ước hẹn mây bay

Nghênh ngang gió chướng quắt quay gió lòng

Tình sương khói nỗi bão giông

Không em biên giới như không biên thuỳ.

PHAN HOÀNG