Trang chủ Giải trí Đố kỵ Khổng Minh, Chu Du chết – Ghét ghen Tôn Tẫn,...

Đố kỵ Khổng Minh, Chu Du chết – Ghét ghen Tôn Tẫn, Bàng Quyên vong

0
602
Quá phiền não vì lòng đố kỵ, Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn hóa giải theo cách này
Ảnh ghép minh họa.

Đố kỵ và ghen ghét dễ khiến một người trở nên vô cùng hung ác và tàn độc. Khi bị sự đố kỵ ghét ghen điều khiển, con người không còn lý trí nữa, dễ nổi giận và có những suy nghĩ ác độc, thậm chí còn thực hiện những hành động tàn bạo, kết cục chính là hại người mà thành ra hại mình vậy…

Trong lịch sử cũng có một số nhân vật rất nổi tiếng về đố kỵ và ghen ghét như Chu Du đố kỵ với Gia Cát Lượng và Bàng Quyên ghen ghét với Tôn Tẫn. Lòng đố kỵ của họ khiến cho Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn mấy lần lâm vào thảm cảnh cận kề cái chết. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng và Tôn Tẫn đã làm gì để hóa giải lòng đố kỵ của người khác, tự bảo vệ mình thoát khỏi nguy hiểm tính mạng?

Gia Cát Lượng hóa giải lòng đố kỵ của Chu Du

Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Gia Cát Lượng “Tam khí Chu Du” có lẽ là câu chuyện được nhiều người biết đến nhất. Chu Du là một tài năng trẻ tuổi, trong tâm nuôi nhiều hoài bão, văn võ toàn tài, được phong tước Trung Lang Quân ở tuổi 24. Năm 34 tuổi, ông đã dẫn quân đánh bại Tào Tháo, lấy ít địch nhiều, giành chiến thắng huy hoàng trong trận Xích Bích lưu truyền thiên cổ. Tuy nhiên, Chu Du lại có một nhược điểm chí mạng, chính là tính quá khích, háo thắng, lòng dạ hẹp hòi, kiêu căng lỗ mãng, ghen ghét bậc hiền tài, dễ bị kích động (Bài viết nói về nhân vật Chu Du trong tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, có chút khác biệt với nhân vật Chu Du trong lịch sử). Đối với Khổng Minh tài giỏi hơn mình, Chu Du luôn ôm giữ sự đố kỵ trong lòng, chẳng những không khiêm tốn học hỏi mà lại còn tận dụng cơ hội để hãm hại Khổng Minh.

Sau đại chiến Xích Bích, hai nhà Tôn, Lưu tranh giành vùng đất chiến lược Kinh Châu. Khi đó, Chu Du cho rằng việc lấy được Kinh Châu đã nằm trong tầm tay, liền hứa với Lưu Bị nếu không chiếm được vùng đất này thì sẽ cho Lưu Bị đi lấy. Không ngờ, khi trận chiến diễn ra ác liệt, Chu Du bị trúng tên, sau đó lại phải trải qua mấy trận chiến nữa mới đánh bại được Tào Nhân. Tuy nhiên, Kinh Châu lại bị Khổng Minh dùng binh phù của quân Tào gạt mất và phái Trương Phi tấn công bất ngờ chiếm mất. Chu Du vô cùng tức giận hét to lên, vết thương do tên bắn trúng bất ngờ vỡ ra. Đây là “nhất khí”.

Lần thứ 2, Chu Du sắp đặt kế dưới danh nghĩa chọn rể, Ông gọi Lưu Bị đến Giang Đông kết hôn với em gái của Tôn Quyền, sau đó thực hiện ám sát. Không ngờ, Khổng Minh lại dùng kế “Biến giả thành thật” để khiến em gái của Tôn Quyền phải thật sự gả cho Lưu Bị. Lúc Chu Du đuổi theo Lưu Bị về đất Thục, lại bị tướng Thục đánh bại. Nhìn thuyền của Lưu Bị ra đi, Chu Du vô cùng tức giận. Lúc này, Khổng Minh lệnh cho binh lính đồng thanh hô to: “Chu lang diệu kế an bang, tiền mất tật mang”, khiến Chu Du càng thêm chua xót, vừa gào thét vừa ngã xuống thuyền. Đây là “Nhị khí Chu Du”.

Lần thứ ba, Chu Du muốn lấy Kinh Châu dưới danh nghĩa thu phục Tây Thục, nhưng đã bị Khổng Minh nhìn thấu, vạch trần thủ đoạn, còn sỉ nhục Chu Du một hồi. Lần này Chu Du tức giận đến mức gào lớn một tiếng, không lâu sau đó thì qua đời. Trước khi chết, ông vẫn còn ngửa mặt lên trời than rằng: “Trời sinh Du, sao còn sinh Lượng”. Qua những tình tiết trên, có thể nói, lòng đố kỵ và ghen ghét với Khổng Minh của Chu Du đứng hàng đầu thiên hạ, xem ra cũng là không quá vậy.

Tâm tính của Khổng Minh lại tốt hơn Chu Du rất nhiều. Ông đối với người khác rất khoan hồng độ lượng, khiêm tốn cẩn trọng, chăm chỉ hiếu học, nhìn xa trông rộng. Ông luôn lấy đại cục làm trọng, giúp Chu Du thắng lợi huy hoàng trong trận chiến Xích Bích, tuy nhiên Chu Du lại chèn ép người quá đáng, hết lần này đến lần khác mưu tính giết hại Khổng Minh. Do vậy, Khổng Minh mới tương kế tựu kế khiến những mưu kế của Chu Du lần lượt thất bại.

Hình ảnh minh họa Chu Du thời nhà Thanh.

Tôn Tẫn tìm được đường sống khi bước qua cửa tử

So với Chu Du, lòng đố kỵ của Bàng Quyên thậm chí còn nặng nề hơn. Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, Tôn Tẫn và Bàng Quyên từng cùng học một thầy là Quỷ Cốc Tử. Sau khi xuống núi, Bàng Quyên trở thành tướng quân của nước Ngụy, nhưng bởi vì ghen ghét với Tôn Tẫn, sợ Tôn Tẫn tài giỏi hơn mình, ông ta sinh ra dã tâm ác độc, lừa Tôn Tẫn đến chỗ hẹn, cắt bỏ xương bánh chè của Tôn Tẫn, khuấy động thị phi, bắt Tôn Tẫn nhốt vào nhà lao. Kể từ đó, Tôn Tẫn tỏ ra “điên điên rồ rồ”, không đứng dậy được nữa, mất đi tương lai. Sau này có người giúp đỡ, Tôn Tẫn gặp được sứ thần nước Tề đến thăm và bí mật giải cứu ông về nước Tề.

Bước đi này đã dẫn đến chiến thắng cuối cùng của Tôn Tẫn. Sau khi sang Tề quốc, Tôn Tẫn đã cho vua Tề thấy được trí tuệ và tài thao lược của mình, cuối cùng nhận được sự tín nhiệm của Tề vương, được phong làm quân sư, bày mưu tính kế cho tướng quân Điền Kỵ. Lúc này, Tôn Tẫn ngồi trên cỗ xe có màn che phủ xung quanh, không để lộ ra hình dáng thật của mình. Tuy vậy, ông vẫn từng bước một tiếp cận mục tiêu.

Tại Mã Lăng, Tôn Tẫn và Bàng Quyên đã gặp nhau trong một trận chiến quyết định. Khi đó, Ngụy và Triệu hợp lực cùng nhau đánh nước Hàn, nước Hàn báo nguy với Tề quốc. Vì vậy, vua Tề phong cho Điền Kỵ làm đại tướng quân nhận lệnh dẫn binh đi giúp nước Hàn. Vì cứu nước Hàn, Điền Kỵ đã dẫn binh đến thẳng nước Ngụy, phá hủy hang ổ của Ngụy quốc. Nghe được tin này, Bàng Quyên buộc phải rút quân khỏi nước Hàn, tức tốc trở về. Về đến nơi thì binh lính nước Tề đã đi về hướng Tây, Bàng Quyên cho binh đuổi theo suốt 3 ngày 3 đêm, thấy bếp lửa dọc đường giảm dần, trong lòng vui mừng khôn xiết, cho rằng binh lực nước Tề ngày một yếu, đã bỏ trốn gần hết mà không biết rằng đó là mưu kế của Tôn Tẫn.

Hơn nữa Tôn Tẫn còn cho lính viết lên một thân cây đại thụ dòng chữ: “Bàng Quyên chết ở dưới gốc cây này”. Sau đó, Tôn Tẫn chờ và đợi thời khắc này đến… Bàng Quyên đuổi tới, đuổi theo vào khe núi hẹp, lúc đó trời vừa nhá nhem tối, lại nhìn thấy dòng chữ trên cây đại thụ kia. Bàng Quyên yêu cầu thắp đuốc để có ánh sáng nhìn cho rõ dòng chữ trên thân cây, ông hiểu rằng ngày tàn của mình đã tới. Đúng thế, ngày tàn của Bàng Quyên đã đến rồi… Vừa khi thấy ánh đuốc của Bàng Quyên thì hàng vạn mũi tên lập tức được bắn ra theo hiệu lệnh của Tôn Tẫn, binh lính mai phục của nước Tề cũng theo đó mà ồ ạt tấn công.

Bàng Quyên ngã xuống giữa hàng vạn mũi tên, rồi tự sát mà chết. Nhưng trước khi tự sát, ông ta đã để lại câu nói: “Một trận đã để cho tên tiểu tử này nổi danh rồi”. Tất nhiên, “tên tiểu tử” mà Bàng Quyên nhắc đến chính là Tôn Tẫn. Điều này cho thấy, lòng ghen ghét đố kỵ của Bàng Quyên đến chết vẫn không thay đổi vậy.

Thật đúng là, lòng đố kỵ ghen ghét giống như con dao hai lưỡi, đe dọa người khác và đầu độc chính mình. Khi bị nó điều khiển, người mang lòng đố kỵ không thể tự thoát ra được. Chu Du và Bàng Quyên, đến khi chết vẫn không thay đổi. Bởi vì lòng đố kỵ đã làm nên một Chu Du tự cao tự đại, lòng dạ hẹp hòi, ghen ăn tức ở rất nặng, khiến cơn đau tim liên tiếp phát tác, lần lượt gặp phải cú kích thích tâm lý mãnh liệt, cuối cùng bị nhồi máu cơ tim mà chết. Lòng đố kỵ của Bàng Quyên cũng đem đến cho ông ta kết cục thảm hại không kém, chính là bị vạn tiễn xuyên tâm, chết trong ô nhục vậy.

Tổng hợp