Năm 2019 kỷ niệm 100 năm sinh và 20 năm ngày mất Thiếu tướng – Anh hùng Lực lượng vũ trang Tô Ký, người con lừng danh của quê hương cách mạng Mười tám thôn vườn trầu, vào tù ra khám, lãnh đạo nhân dân Sài Gòn – Gia Định đứng lên cướp chính quyền, trở thành một thủ lĩnh quân sự thu phục nhiều hảo hán giang hồ yêu nước vào thời kỳ “hỗn quân hỗn quan” để đương đầu với giặc ngoại xâm.
Năm 1954, đất nước bị chia cắt, Tô Ký đã góp phần quan trọng ổn định và nâng cao tinh thần cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc đang nóng lòng quay về giải phóng quê hương. Ông là Đại biểu Quốc hội khoá II, được giao các nhiệm vụ trong quân đội: Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 338, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiêm Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3, Chính ủy Quân khu 7,… Và một điều ít ai biết, tướng Tô Ký còn là người góp công không nhỏ cùng tướng Đinh Đức Thiện xây dựng ngành dầu khí buổi đầu đầy khó khăn để ngày nay thành một ngành kinh tế mũi nhọn cho đất nước. Danh tướng Tô Ký còn là con người nhân hậu, yêu văn hóa, nhất là văn học…
Thiếu tướng Tô Ký (1919-2019)
“Hùm xám” của Mười tám thôn vườn trầu
Tô Ký là nhân vật được mệnh danh “Hùm xám” của Mười tám thôn vườn trầu từ thời đánh Pháp. Ông cũng là vị tướng được người Nam Bộ, đặc biệt là vùng Hóc Môn – Bà Điểm hết sức thương yêu quý trọng.
Sinh thời, có hai người cầm bút mà tướng Tô Ký hay gọi mời cùng mình “giang hồ” khắp nơi. Đó là lão nhà văn Nguyên Hùng và tôi, một già một trẻ. Lần đầu gặp phỏng vấn ông, tôi vừa “Thưa Thiếu tướng…” thì ông đã cắt ngang và đùa “Mình… Thừa tướng chứ không… Thiếu tướng”! Tô Ký được Nhà nước phong Đại tá năm 1958, nhưng liền ngay sau đó đã thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1961.
Tô Ký là một Nho tướng thấm nhuần triết lý sống nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, luôn lấy tình nghĩa làm trọng, lo cho người nhiều hơn lo cho mình, không chú tâm vào chuyện danh lợi. Hễ rảnh rỗi là ông lên xe đi thăm người xưa cảnh cũ, các tướng lĩnh, lính thuộc quyền, và cả những con người và vùng đất mà ông từng gắn bó, đang có đời sống gặp khó khăn. Ông mang tới nụ cười hào sảng, ánh mắt cảm thông và cả vật chất hỗ trợ.
Cuộc đời tướng Tô Ký gắn liền với Mười tám thôn vườn trầu lừng danh sử sách của Gia Định xưa. Ông sinh ngày 5-9-1919, lớn lên vừa làm ruộng vừa đi học chữ Hán thầy Mười Lời mong theo nghề thầy thuốc. Vốn liếng Nho học ấy là nguồn tri thức có ảnh hưởng nhiều tới cách sống và ứng xử của ông, nhất là trong những thời điểm chông gai thử thách. Đồng thời ông cũng học võ thuật và trở thành một người giỏi võ có hạng, giúp ông tự tin hành xử trong nhiều tình huống éo le, khuất phục nhiều tay giang hồ hảo hán.
Khi phong trào cách mạng bùng lên ở quê hương, Tô Ký tham gia Thanh niên Dân chủ, được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, bị mật thám Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Tòa tiểu hình kết án ông một năm tù ở và ba năm đày biệt xứ. Bấy giờ khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, thân sinh của ông là cụ Tô Nếp cùng gần 800 đồng chí cách mạng bị kẻ thù bắt xỏ dây kẽm vào lòng bàn tay, đẩy xuống bốn chiếc xà lan, bí mật nhấn chìm lúc nửa đêm trên sông Sài Gòn khúc Xóm Chiếu.
Điều làm Tô Ký hết sức đau lòng là trước khi thân phụ bị thủ tiêu, chính ông đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị mật thám Pháp tra tấn dã man ở Poste Catinat. Dù bị kẻ thù hành hạ bao nhiêu ông cũng không sờn chí, nhưng khi nhìn thấy cha bị nhục hình lòng ông đau đớn khôn cùng. Ông đã cố nén những giọt nước mắt xót thương và thề trả thù cho đấng sinh thành, nhất là khi hay tin cha bị bức hại.
Những năm tháng trong tù ngục, Tô Ký cũng để lại dấu ấn bằng nhiều huyền thoại. Gan lì, dũng cảm ông không những khuất phục được đám “anh chị” giang hồ trong tù, mà còn luôn đứng ra hứng chịu đòn khảo tra thay cho đồng chí của mình trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Bằng tài võ nghệ và sự khéo léo ông đã chinh phục “Ngưu ma vương” khi xỏ vàm con trâu cổ, gây được cảm tình đồng bào dân tộc thiểu số người Mạ ở núi rừng Đồng Nai, giúp đoàn tù vượt ngục Tà Lài thành công. Và bằng tài kể chuyện văn học cổ Trung Hoa như Thuyết Đường, Tam Quốc diễn nghĩa,… ông đã thu phục được lính ngục từ bỏ vũ khí, cùng trốn thoát nhà tù Tây Ninh, trở về tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.
Gia đình Thiếu tướng Tô Ký đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm ở Hà Nội-1970
Giúp Trung tướng Nguyễn Bình thống nhất các lực lượng vũ trang Nam Bộ và đám cưới giữa chiến khu
Vào tháng 10-1945, sau khi quân Pháp tái xâm lược nước ta, tình hình quân sự Nam Bộ đầy phức tạp, tướng Nguyễn Bình được tin tưởng điều động vào đất phương Nam tìm cách thống nhất các lực lượng vũ trang đang do các nhóm quân phiệt đang cát cứ.
Lúc tướng Nguyễn Bình mới xuất hiện ở Nam Bộ không phải ai cũng tâm phục, thậm chí chống đối, nhất là khi biết ông vốn xuất thân Việt Nam Quốc dân đảng. Với tư cách Chỉ huy trưởng Giải phóng quân liên quận Hóc Môn – Bà Điểm – Đức Hòa, Tô Ký và Chính trị viên Trần Văn Trà cùng một số chỉ huy quân sự khác đã tận tình giúp Nguyễn Bình. Thiếu tướng Tô Ký nhớ lại: “Anh Nguyễn Bình đúng là con người của tình thế. Nhờ danh nghĩa Đặc phái viên Trung ương do Bác Hồ cử vào, bằng uy tín và kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy quân đội của tư lệnh Đệ tứ chiến khu, tức chiến khu Đông Triều ở Hải Phòng, Nguyễn Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình”.
Có thể nói việc Trung tướng Nguyễn Bình được những nhân vật như Trần Văn Trà, Tô Ký, Dương Văn Dương, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Trí,… ủng hộ là điều hết sức quan trọng. Tuy đã tổ chức thành các Chi đội Vệ quốc đoàn và củng cố các quân khu, nhưng tình hình quân sự bấy giờ vẫn rất còn hỗn loạn, nhất là lực lượng Bình Xuyên “giang hồ” chẳng muốn phục tùng ai. Tô Ký đã đích thân đến các đơn vị, gặp từng chỉ huy để tìm cách thuyết phục, dàn xếp nhằm ổn định lực lượng. Và việc thống nhất được các lực lượng vũ trang Nam Bộ có một ý nghĩa to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi…
Từ năm 1947 đến 1950, Tô Ký được đề bạt làm Phó Tư lệnh Khu 7 kiêm Tư lệnh Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1951, ông lại về làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Tỉnh đội trưởng Gia Định. Những hình ảnh ghi lại về tướng Tô Ký thời gian này rất oai phong, trong đó có bức ảnh chụp năm 1949 mặc quân phục, đội calô. Trong đơn vị do Tô Ký chỉ huy đánh Pháp, có nhiều cô gái đã dấn thân vào con đường chinh chiến cứu nước. Tài chỉ huy, sự hùng biện và tấm lòng nghĩa hiệp của người chỉ huy trẻ tuổi đã làm cho nhiều người đẹp cảm tình thầm thương trộm nhớ. Bận rộn với công tác chỉ huy chiến trường, nhưng cuối cùng lòng ông cũng rung động trước một bông hoa hương sắc.
Đó là Trần Thị Tân người Hóc Môn, một cô gái xinh đẹp, đảm đang nổi bật trong Giải phóng quân liên quận. Vốn sinh ra trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống yêu nước, Trần Thị Tân được học hết tiểu học, say mê những trang sử chống ngoại xâm của dân tộc. Phía mẹ bà Trần Thị Tân có người bà con là vợ của ông Đặng Công Bỉnh, thường gọi Chín Bỉnh, vốn là tay giang hồ hảo hán về sau tham gia cách mạng, làm tổng chỉ huy các cánh quân ở Hóc Môn trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940.
Thiếu tướng Tô Ký và vợ Trần Thị Tân lúc còn trẻ
Mối tình giữa tướng Tô Ký và nữ chiến sĩ Trần Thị Tân nảy nở trên chiến khu. Bà bảo lúc ấy có nhiều chàng trai trong và ngoài đơn vị thích mình, nhưng tài năng và tấm lòng nghĩa hiệp của ông Tô Ký chinh phục bà lúc nào chẳng hay. Không chỉ riêng bà, mà ông luôn quan tâm chăm sóc từng người lính, thu phục cả nhiều tay anh chị “cứng đầu” vào đội ngũ kháng chiến.
Đám cưới trên chiến trường giữa Tô Ký và Trần Thị Tân diễn ra giản dị, tươi vui. Có một vị khách đặc biệt cưỡi ngựa đến tham dự là tướng Nguyễn Bình. Kể từ đó mối tình Tô Ký – Trần Thị Tân ngày càng bền chặt. Những lúc khó khăn nhất của đời ông luôn có bà bên cạnh chia sẻ, động viên. Với bà, ông chẳng những là vị chỉ huy bản lĩnh, kiên cường mà còn là người anh lớn thân thiết, người yêu, người chồng thuỷ chung, chu đáo và suốt đời ông luôn lo lắng cho người khác hơn bản thân mình.
Thiếu tướng Tô Ký đột ngột qua đời vào mùng 2 Tết Kỷ Mão – 1999, hưởng thọ 81 tuổi, được đưa về an nghỉ tại khu vườn riêng ở quê hương Mười tám thôn vườn trầu. Với những công lao của mình, Tô Ký được Nhà nước truy tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bút ký của PHAN HOÀNG