Cảm động bức tâm thư sinh viên gửi thầy sau 30 năm gặp lại

0
884

30 năm – quãng thời gian đủ dài để làm nên một đời người, làm nên ký ức thanh xuân tươi đẹp và cũng đủ để vỡ oà mọi xúc cảm khi vô tình gặp lại nhau sau ngày rộng tháng dài xa cách. Và cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa chị Việt Thu với người thầy của mình cũng chất chứa nhiều cảm xúc như thế.

Từng là cựu sinh viên xuất sắc của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chị Việt Thu may mắn bén duyên với kinh doanh. Trong lần tình cờ đọc được thông tin trên báo, chị đã mạnh dạn đăng ký lớp học do Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng đứng lớp.

Chị Việt Thu cùng Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng 

Khoảng thời gian gắn bó với lớp, với sự chỉ dạy tận tình của thầy đã giúp chị tạo được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này. Và giờ đây, trong cuộc hội ngộ đầy xúc động này; khi cả thầy và trò gương mặt đều đã pha nét thời gian, họ vẫn trao nhau những cái ôm ấm áp, những lời tâm tình chân thành như ngày nào…

Xin phép được chia sẻ bài viết của chị Việt Thu dành tặng Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng nhân ngày sinh nhật tuổi 70 của thầy.

“Bài học quản trị kinh doanh đầu tiên của tôi.”

“Người Nhật khi va chạm nhau, không cần biết nguyên nhân từ đâu, họ luôn nhận lỗi về mình; luôn sẵn sàng giúp đỡ đối phương khi cần hoặc gọi công ty bảo hiểm giải quyết, rồi cúi chào nhau rất lễ phép và ai đi đường nấy.

Người Việt chúng ta, nếu có ai đó nói:” Cái xe ô tô này màu đỏ đẹp quá”, thì luôn có người thứ hai nhận xét:” Màu nâu đỏ chứ”  người thứ ba phản bác:” Đúng là màu mận chín .”….và chỉ có thế thôi cũng có thể tranh luận vài giờ đồng hồ.”

Câu chuyện này in sâu trong tâm trí tôi hơn 30 năm qua; và luôn là tiếng chuông cảnh tỉnh mỗi khi tôi định lao vào một cuộc tranh luận nào đó theo quán tính. Không chỉ chuyện kể này, mà còn rất nhiều kiến thức mới mẻ tôi đã học được từ chương trình và thầy giáo đó.

Khoảng cuối năm 1986, đầu năm 1987, những từ ngữ lạ lẫm” kế toán Mỹ, quản trị doanh nghiệp, kỹ năng mềm”…đã lôi cuốn tôi khi đọc mấy dòng đăng tuyển sinh trên báo Sài Gòn Giải Phóng. Và tôi là một trong những học sinh của khoá đầu tiên chương trình lạ lẫm này. Lớp mở vào các buổi tối ba ngày trong tuần, gần đại học Khoa học Xã Hội và Nhân Văn bây giờ. Học sinh đa số là người đang đi làm, có nhu cầu hiểu biết những kiến thức chưa từng được giảng dạy trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng… thời đó.

Những buổi học, là thời gian chúng tôi được tiếp thu kiến thức quản trị kinh doanh hoàn toàn mới mẻ từ người thầy rất trí thức, thông  minh và tinh tế. Mọi lời giảng đều chứa đựng một tình yêu Tổ quốc sâu sắc của một người Việt xa xứ lâu năm. Mọi bài học luôn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ và nhất quán, của một tâm hồn khao khát đóng góp xây dựng đất nước, từ nền tảng cơ bản nhất của mọi quốc gia “Giáo dục”.

Thời gian đó là một trong những giai đoạn xã hội rất khó khăn: sản xuất đình trệ do thiếu điện triền miên, mọi nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm đều rất hạn chế, giao thông vận tải không thông suốt…và thủ tục để mở một trường tư nhân dạy về doanh thương vẫn “hành là chính”.

Thế nhưng, mỗi buổi học, thầy luôn truyền cho chúng tôi niềm tin vững chắc về một tương lai xã hội Việt Nam tươi sáng hơn. Tôi vẫn nhớ thầy kể :” Hai muơi lăm năm trước,nước Nhật còn nghèo khó hơn Việt Nam bây giờ; nhưng mọi người dân Nhật luôn miệt mài lao động, sáng tạo, để xây dựng nên một nước Nhật mạnh mẽ như hiện nay. Và tôi tin chắc 20 năm sau Việt Nam chúng ta cũng sẽ như vậy”.

Đã hơn 30 năm qua, tình cờ tôi gặp lại thầy ở buổi  lễ bế mạc khoá học kỹ năng mềm tại Vườn Minh Trân- 51 đường Cống Lở, Tân Bình. Vẫn người thầy dáng người tầm thước, nhanh nhẹn; vẫn một tâm trí khắc khoải về thực trạng giáo dục của nước nhà.

Niềm đam mê truyền bá kiến thức cho lớp trẻ người Việt năm nào, vẫn được thầy duy trì đều đặn và phát triển bền vững. Hơn 30 năm qua, trường của thầy đã mở hàng nghìn lớp học, đào tạo hàng chục nghìn sinh viên những kiến thức hiện đại của thế giới, đáp ứng nhu cầu  nhân sự nòng cốt cho các công ty nước ngoài, công ty tư nhân … trên đất Việt.

Không những thế, người trí thức Việt kiều đó còn là cầu nối giao thương cho sản phẩm nông sản Việt Nam đặt chân vào thị trường nội địa Nhật Bản.

Không chỉ vậy, các buổi giao lưu văn hoá Việt Nhật cũng thường xuyên được thầy tổ chức tại địa điểm trên, giúp cho người Việt hiểu thêm nền văn hoá lâu đời của Nhật Bản; hiểu được lý do vì sao Nhật Bản trở thành một quốc gia hùng cường về kinh tế như ngày nay.

Các buổi giao lưu về giáo dục với chủ đề  “Tư duy phát triển bền vững trong thời đại công nghệ 5.0” mà diễn giả là hiệu trưởng của các trường đại học nổi tiếng Nhật Bản , đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự tụt hậu của nền giáo dục Việt Nam. Như một con ong chăm chỉ cần cù, hơn 30 năm qua, người trí thức Việt kiều đó không ngừng nghỉ đóng góp cho nền giáo dục của nước nhà dưới mọi hình thức, ở mọi cấp độ, trực tiếp hay gián tiếp.


Tuy ánh mắt thầy có nhiều ưu tư hơn, nhưng vẫn luôn ánh lên một quyết tâm nhất quán: truyền bá những tri thức tinh hoa  góp phần xây dựng nên một xã hội văn minh và bền vững. Hơn 30 năm gắn bó không ngừng nghỉ với sự nghiệp giáo dục, doanh thương, trao đổi văn hoá Việt Nhật, thầy đã và đang tạo nên một thương hiệu giáo dục hiện đại trong tâm trí các nhà khoa học, nhà giáo dục và học sinh sinh viên Việt Nam.

Trường doanh thương Trí Dũng do người trí thức Việt kiều Nguyễn Trí Dũng thành lập chính là thương hiệu nổi tiếng đó. Kính chúc thầy Nguyễn Trí Dũng luôn dồi dào sức khoẻ, an lạc từng giây phút. Chúc trường doanh thương Trí Dũng luôn phát triển không ngừng. Mong mọi ước mơ cống hiến cho quê hương Việt Nam của thầy luôn trở thành hiện thực bền vững. Em tự hào đã là học sinh của thầy, của trường doanh thương Trí Dũng năm xưa. Thời gian rồi sẽ trôi nhanh và kỷ niệm sẽ là mái nhà yên ấm của thời gian. Còn gì may mắn hơn khi thanh xuân được ghép bằng những mảng màu tươi đẹp bởi người thầy đáng kính – người không chỉ dạy bài học sách vở mà còn cả bài học về cuộc đời, về giá trị nhân sinh sâu sắc.

Lê My