Dạy trẻ từ bỏ thói đố kỵ

0
821

Thói đố kỵ nếu không được cha mẹ phát hiện và rèn giũa sớm, sẽ khiến bé ngày càng lâm vào trạng thái khủng hoảng. Khi lớn lên bé sẽ nhỏ nhen, ích kỷ, đôi khi đố kỵ đến mức hành động tiêu cực.

Lòng đố kỵ là bản năng

Bất kì ai cũng không thể phủ nhận rằng mình đã từng ghen tỵ với một ai đó trong quá khứ. Bởi theo các nhà khoa học, cạnh tranh và lòng đố kỵ là bản năng sinh tồn của con người. Con người thường vô thức so sánh mình với người khác để ý thức rằng họ vẫn tồn tại. Ghen tỵ đôi khi trở thành động lực do nỗi xấu hổ vì thua kém.

Vì là bản năng, nên từ lúc “chưa biết gì” trẻ em đã có cảm giác ghen tỵ. Theo bác sĩ nhi khoa Tanya Remer Altmann (Tạp chí dành cho cha mẹ The Wonder Years), bắt đầu từ 9 tháng tuổi, trẻ đã biết biểu lộ cảm xúc ghen tỵ khi thấy cha mẹ ông bà ôm ấp, yêu thương một “đối thủ” khác mình.

Bé thường xuyên thèm muốn đồ chơi của bạn bè là một biểu hiện của thói đố kỵ

Khi lên 3 – 4 tuổi, được đến lớp, tiếp xúc bạn bè cùng trang lứa bản tính này càng bộc lộ rõ ràng hơn. Điển hình là khi bé thường xuyên thèm muốn đồ chơi, quần áo của bạn bè. Tỏ ra bất an, hậm hực khi bạn bè, anh chị em được ai đó yêu thương cưng chìu hơn. Một số trẻ còn có hành vi tiêu cực như thù ghét, đố kỵ đến mức đánh đập, cố tình làm bị thương “đối phương”, dùng mọi cách để có được thứ mình muốn “cho bằng bạn bè”…

Nếu cha mẹ không tinh ý nhận ra, kịp thời rèn giũa, thói đố kỵ sẽ lớn dần lên và ảnh hưởng xấu đến việc hình thành nhân cách của trẻ. Người có thói đố kỵ nặng nề, thường rất nhỏ nhen, khó cảm thấy hạnh phúc vì lo lắng mình thua kém, cũng như thường xuyên buồn bực do luôn thù ghét những người hơn mình.

Dạy trẻ về giá trị của bản thân

Theo giảng viên tâm lý Lê Phạm Phương Lan, trẻ đố kỵ do rất nhiều yếu tố bên ngoài tác động, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất xuất phát từ sự tự ti về những điểm hạn chế của bản thân. Vì thế, để trẻ có thể kiểm soát được tính ganh tỵ, cha mẹ cần dạy trẻ về giá trị của bản thân. Điều này cũng đồng thời giúp bé ý thức rõ ràng về lòng tự trọng và cách cân bằng cuộc sống về sau này.

Khi phát hiện ra trẻ bắt đầu đố kỵ với bạn khác, cha mẹ dù không hài lòng nhưng tuyệt đối đừng quở mắng, trách phạt nặng tay. Điều này chỉ làm bé gia tăng sự thù ghét với những người hơn mình. Cha mẹ nên nhớ một điều rất quan trọng, kiểm soát thói đố kỵ là cả một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai.

Mỗi người đều khác nhau, nên nhận lại những kết quả khác nhau là điều bình thường

Trước tiên, cha mẹ cần phải nhẹ nhàng phân tích những lý do vì sao bạn khác có được điều đó, mà con lại không thể có. Cha mẹ cần cho con sớm tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa để bé nhận ra rằng mình không phải là duy nhất, tài giỏi nhất, mà xã hội và môi trường xung quanh có rất nhiều người hơn mình về một khả năng nào đó. Mỗi người đều khác nhau về tính cách, điều kiện sống, hoàn cảnh, nên nhận lại những kết quả khác nhau là điều rất bình thường. Hiểu được điều này, bé sẽ tự kiểm soát được phần nào thói đố kỵ.

Sau đó, giúp trẻ tạo dựng niềm tin vào bản thân. Ví dụ, bạn được phần thưởng do giỏi toán, con chưa được không phải vì con thua kém bạn mà vì con làm việc khác tốt hơn, như vẽ, viết chữ… Tìm ra điểm mạnh của bé, và giúp bé cảm nhận được mình có một giá trị riêng.

Hiểu được giá trị của bản thân, thế mạnh của mình là bước đệm cực kì vững chắc mà cha mẹ có thể chuẩn bị cho con. Không những giúp bé thoát khỏi bóng đen của sự đố kị, điều này còn khiến bé có những định hướng rõ ràng trong tương lai, trở thành người chính trực và tự trọng.

Kiên trì hướng dẫn trẻ kiểm soát thói đố kỵ là tạo bước đệm vững chắc cho tương lai

Khi bé cảm thấy buồn bã, bực dọc vì thua kém, hãy hướng dẫn bé biến sự đố kỵ thành động lực để vươn lên. Nhìn những người giỏi hơn như một tấm gương để học hỏi và tự mình tiến đến những điều con muốn.

Lòng đố kỵ, như trên đã nói, là một loại bản năng sinh tồn, không có gì đáng lo ngại. Việc của phụ huynh là giúp bé kiểm soát, hướng dẫn bé vượt qua và dần hoàn thiện nhân cách của mình.

VŨ HẠ