Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nghe danh Richard Branson, ông trùm kinh doanh, nhà đầu tư, người sáng lập của tập đoàn Virgin Group (Anh) với hơn 400 công ty, một trong bốn doanh nhân có sức ảnh hưởng lớn trên thế giới, bên cạnh những tỷ phú Bill Gates, Steve Jobs và Warren Buffet, nhưng có lẽ không mấy ai biết được tuổi thơ dữ dội của ông.
Tỷ phú người Anh Richard Branson là một trong 4 doanh nhân có sức ảnh hưởng nhất thế giới.
Richard Branson mắc chứng khó đọc bẩm sinh (dyslexia), nên từ nhỏ, ở trường thành tích học tập của ông luôn ở dưới mức trung bình, nếu không nói là khá kém. Do hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, cùng với mặc cảm về khiếm khuyết của mình, ông đã bỏ học về nhà giúp mẹ kiếm sống khi chưa học hết trung học. Mẹ của ông – bà Eve Branson kể lại: “Khi đó chúng tôi nghĩ rằng có tới 99% xác suất là con mình là kẻ ngốc, và chỉ có 1% xác suất là nó có khả năng tiềm ẩn kiệt xuất gì đấy. Chúng tôi quyết định đặt cược vào 1% đó”.
Cách giáo dục của bà đối với một cậu bé chỉ có 1% hy vọng quả thật sẽ làm cho nhiều ông bố bà mẹ phải suy ngẫm
Ước chế những xúc cảm tiêu cực
Richard Branson thường tiếc cho những người chỉ biết đắm chìm vào những xúc cảm tiêu cực, bất mãn, tự ti… khi gặp thất bại, thay vì tập trung năng lượng cho những kế hoạch mới. Ông học được điều đó từ mẹ. Richard kể lại rằng khi ông còn nhỏ, thu nhập của gia đình ông khá eo hẹp và vì thế mẹ ông luôn phải thường xuyên nghĩ ra những phương án kiếm tiền khác nhau để trang trải, thường là những công việc thủ công như dựng và bán những hộp gỗ và thùng rác. Nếu món đồ nào không bán được, bà sẽ cố gắng thử ngay sang cái khác.
Những hoạt động của mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến những ý tưởng đầu tiên của Richard, ví dụ như nuôi giống vẹt đuôi dài hay trồng và bán cây thông vào Giáng sinh. Cả hai hoạt động kinh doanh ấy đều thất bại vì ông đi học trường nội trú nên không thể chăm sóc cho những con vẹt đó và lũ thỏ thì ăn hết những cây giống con. Noi theo những bài học từ mẹ, ông không nản chí hay hối tiếc mà nhanh chóng chuyển sang những dự án khác.
Bà Eve luôn rèn luyện con trai mình vừa biết cam chịu, kiên cường khi đối mặt với thách thức. “Những gì tôi làm đều suy nghĩ cho con. Nó không được phép tức giận, không được phép ghen tị, sợ hãi lại càng không. Tất cả những điều đó đều phải bị đè bẹp” – bà chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu tâm lý cũng chỉ ra rằng, khi con người không biết ước chế những xúc cảm tiêu cực như thất vọng, sợ hãi, bất lực, họ dễ có xu hướng không thể thoát ra khỏi nó và sẽ bị tê liệt như trúng độc. Khi đó những xúc cảm tích cực như tin tưởng, hy vọng, hứng khởi, bao dung… không thể có chỗ đứng trong đại não của con người.
Bà Eve – mẹ của Richard chính là người có đóng góp rất nhiều cho sự thành công của ông.
Học cách trở thành một con người độc lập, tự chủ
Richard kể, bài học đầu tiên ông được thực hành là lúc 4 tuổi. Hôm đó trên đường về nhà, vì quá nghịch ngợm, bà Eve đã phạt ông bằng cách thả ông xuống xe, khi cách nhà còn đến vài cây số, và bắt ông phải tự tìm đường về. Ông thực sự đã bị lạc, may thay có một người làm vườn đã giúp đưa ông về tận nhà. Mỗi lần nhớ lại trải nghiệm này, mọi cản trở trong cuộc sống đối với ông đều trở nên vô nghĩa.
Bài học thứ hai về tính tự lập được mẹ dạy khi ông vừa mới 12 tuổi. Vào một buổi sáng, sau khi ăn sáng xong, mẹ đưa cho ông hộp cơm và một quả táo cho bữa trưa. “Chắc con sẽ tìm được nước uống trên đường”, mẹ vẫy tay tạm biệt khi ông khởi hành chuyến đi 24 cây số bằng xe đạp tới bờ biển phía nam. Mẹ không quên đưa ông tấm bản đồ phòng khi bị lạc. Ông phải ngủ qua đêm tại nhà một người họ hàng và về nhà vào ngày hôm sau.
Những bài học kiểu như vậy rèn giũa nên một bản lĩnh kiên cường trong kinh doanh của một Richard Branson sau này.
Đừng bao giờ tự cao
Richard Branson đã có lần chia sẻ: “Khi bạn trở nên khá nổi tiếng, điều này có thể dễ dàng cuốn đi luôn sự thành công của bạn. Bạn thực sự khó có thể giữ cho đầu bạn khỏi lâng lâng ở chín tầng mây khi bạn đang sở hữu cho mình cả một hãng hàng không và luôn lơ lửng ở trên trời như một chiếc khinh khí cầu. Nhưng mẹ tôi đã luôn giữ cho tôi đứng vững trên mặt đất, theo cả nghĩa đen, một phần bởi vì bà ấy đã hiểu tôi quá rõ và chẳng thể tin hết tất cả những gì báo chí viết ra.”
“…mẹ tôi đã luôn giữ cho tôi đứng vững trên mặt đất, theo cả nghĩa đen…” – Richard Branson.
Bà rất ít khi ca ngợi ông ở nơi công chúng. Richard đã rất ngạc nhiên khi bà thú nhận trong một chương trình phỏng vấn của CNBC vào năm ngoái rằng bà rất tự hào về con trai mình, đặc biệt là những công việc từ thiện của ông. Nhưng bà luôn lặng lẽ động viên ông không ngừng, đồng thời không tâng bốc hay khiến con quá tự cao về những thành công của bản thân. Mọi người trong gia đình đều thể hiện với nhau tình cảm của mình, điều đó còn quan trọng hơn bất cứ điều gì khác.
Giá trị của làm việc nhóm (Teamwork)
Cách giáo dục tập trung vào các thành tích cá nhân không mang lại hiệu quả, nếu không nói sẽ đưa đến các tác dụng phụ trong giáo dục các phẩm chất đạo đức cho con trẻ.
Bà Eve luôn khuyến khích các con mình lao động. Họ sẽ cùng nhau làm mọi công việc trong gia đình, từ làm vườn, chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa… “Nếu chúng tôi tìm mọi cách để trốn việc, bà ấy sẽ cho chúng tôi thấy sự ích kỷ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người khác trong gia đình. Chúng tôi luôn ý thức được những đóng góp của từng cá nhân, và đặc biệt tin tưởng lẫn nhau. Điều này đã tạo nên triết lý kinh doanh của tôi: Con người luôn là yếu tố quyết định sự thành bại của một công ty” – vị tỷ phú này nói.
Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, như ở Việt nam, bạn chắc sẽ không dám thả cậu con 4 tuổi của mình xuống giữa đường cho tự về nhà như mẹ của Richard hơn 50 năm về trước, nhưng đảm bảo sẽ có nhiều cách khác nhau để bạn giúp con mình trở nên bản lĩnh ngay từ nhỏ.
Đọc xong bài viết này, các ông bố bà mẹ hoàn toàn có thể tin tưởng vào con mình dù cho điểm số của cháu ở trường không rực rỡ. Trao cho các con kiến thức tuy là quan trọng, nhưng cách mà chúng ta giáo dục các con Trí tuệ xúc cảm như lòng vị tha, nhân hậu, biết yêu lao động, tự lập, khiêm nhường, không sợ hãi, hy vọng, tin tưởng, lạc quan… mới là yếu tố quyết định tạo nên sự thành công của các con trong cuộc sống sau này, khi đã trưởng thành. Điều này chỉ có thể thực hiện được, khi bố mẹ luôn đồng hành cùng con, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ với con, và… tất nhiên, bố mẹ cần hiểu, con không chỉ nghe những gì bố mẹ nói, con sẽ học theo cách mà bố mẹ làm.
Bên cạnh những mặt tích cực, như nâng cao chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ… tốc độ phát triển chóng mặt của khoa học kỹ thuật ngày nay cũng đồng thời mang đến cho đời sống con người nhiều tác dụng phụ: các hiện tượng tiêu cực gia tăng, chuẩn mực đạo đức xuống dốc… Và thật đáng buồn, trẻ em là những nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Các nhà nghiên cứu tâm lý học cảnh báo, khắp nơi trên thế giới, trẻ em bị nhiễu loạn về tâm lý nhiều hơn, cô đơn và suy sụp hơn, vô kỷ luật và dễ nổi giận hơn, cáu kỉnh và lo lắng hơn, bốc đồng và gây gổ nhiều hơn. Bên cạnh giáo dục tri thức và kỹ năng, chúng ta cần phải coi trọng việc giáo dục trí tuệ xúc cảm, bởi nhờ đó, con em của chúng ta mới trở thành những con người trí đức vẹn toàn, và thực sự có ích cho xã hội.
Siêu Tầm