Làm sao giúp con hết nói tục?

0
657

Trẻ văng tục, chửi bậy như một cách để thể hiện bản thân, có khi để giải tỏa cảm xúc tiêu cực như đau đớn, bực bội… hoặc cũng có thể do học từ người lớn và nhiễm từ môi trường xung quanh. Nếu thấy con như vậy, cha mẹ không thể khoanh tay đứng nhìn, bởi vì muốn con trở thành người tốt thì lời nói cũng cần phải hay.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Nguyên nhân khiến trẻ nói bậy

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân tác động, hình thành thói quen nói bậy cho trẻ, nhất là ở độ tuổi tập nói từ 1 đến 3 và lớn hơn từ 4 đến 7 tuổi. Dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu tác động chính đến cách sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của trẻ ở giai đoạn này:

– Do tâm lý bắt chước khi lên 3: Độ tuổi này trẻ đang tập nói, nên rất dễ bắt chước những ngôn ngữ mới lạ. Môi trường xung quanh nhiều người thường nói tục, chửi bậy thì rất khó để trẻ tránh được việc nói bậy.

– Do môi trường sống: Một gia đình có những người lớn nói bậy, dùng những từ ngữ không trong sáng lâu dần tạo thành ảnh hưởng xấu đến việc dùng từ ở trẻ. Nếu bố mẹ, ông bà hay người giúp việc dùng các từ bậy, trẻ nghe nhiều sẽ thành quen, cảm thấy đó là ngôn ngữ bình thường và thoải mái sử dụng.

– Do trẻ không được giáo dục nghiêm khắc, sửa lỗi từ bé: Khi nghe thấy trẻ nói bậy từ nhỏ mà phụ huynh không giải thích, không điều chỉnh ngay thì từ hành vi sẽ trở thành thói quen khó thay đổi.

– Do tâm lý muốn bằng bạn, bằng bè tính phô trương: Trẻ nhỏ không thích thua kém bạn bè và cực kỳ hiếu động. Khi thấy bạn ở trường nói bậy thì cũng dùng từ tương tự. Tâm lý này thường thấy ở trẻ đã đến trường.

– Do tiếp thu từ phim ảnh, mạng internet, các thiết bị công nghệ: Trẻ dùng điện thoại, xem ti vi nhiều trong ngày. Nhất là các chương trình sử dụng từ lóng, từ bậy thì trẻ cũng bị nhiễm rất nhanh. Chính vì thế, bố mẹ nên hạn chế cho trẻ dùng thiết bị kỹ thuật số. Nếu trẻ dùng thì phải quản lý, kiểm soát các chương trình, trò chơi trẻ xem.

– Trẻ muốn gây sự chú ý, quan tâm của người khác: Với những gia đình mà trẻ ít được quan tâm trò chuyện cũng dẫn đến trẻ hay nói bậy để gây sự chú ý và tìm người chơi cùng. Chính vì thế, bố mẹ cần dành thời gian cho con, chơi cùng con để trẻ tránh được cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Nếu thấy con nói bậy dù chỉ là lần đầu, bạn không nên xem đó là chuyện bình thường. Bởi nói bậy không chỉ là cách sử dụng ngôn ngữ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức, nhân cách và cách sống của trẻ.

Phát hiện con nói tục nói bậy, cha mẹ xử lý thế nào?

Giữ thái độ bình tĩnh và tìm hiểu nguyên nhân

Trẻ nói bậy là không nên nhưng khi xử lý bạn cần bình tĩnh. Phân tích tình huống, nhìn trẻ hành động, nghe lời trẻ nói. Hỏi trẻ xem tại sao con nói bậy như thế? Trước đó nên cho trẻ biết nói bậy là gì và những từ ngữ như thế nào gọi là bậy, tuyệt đối không được dùng. Trước khi xử lý, phụ huynh cần tìm hiểu nguyên nhân làm cho trẻ có hành động như vậy để giải quyết triệt để nguồn cơn gây ra.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Như trường hợp của “ông bố bỉm sữa” Nguyễn Ngọc Khánh (Q. Tân Bình – Tp.HCM) – chia sẻ trên trang Em đẹp, lúc đầu phát hiện cậu con trai 4 tuổi vừa cãi lại vừa văng tục với bố mẹ, anh vô cùng “choáng” và rất tức giận nên đã dùng chiếc móc áo sắt đánh con một trận để răn đe. Mặc dù cậu bé vừa khóc vì đau đớn, vừa luôn mồm nói xin lỗi bố, nhưng chỉ được vài ngày ngoan ngoãn, tật nói tục chửi bậy của cậu bé lại đâu vào đấy.

Bất lực vì cậu con trai, anh Khánh “đẩy” sang cho vợ tìm biện pháp xử lý. Lúc đầu cũng giống như chồng mình, chị Lan (mẹ của bé) cũng cáu giận không kém khi chứng kiến con trai chưa ngoan. Tuy nhiên, thay vì đánh mắng con, chị Lan tìm hiểu lý do vì sao con mắc tật xấu này.

Sau vài ngày tìm hiểu, chị Lan mới biết lý do, hàng ngày sau khi được người giúp việc đón từ trường mầm non về, vì bận dọn dẹp nhà cửa và nấu bữa tối, chị giúp việc thường mở video trên máy tính hoặc phim hoạt hình cho bé xem trong lúc đợi bố mẹ đi làm về.

“Cũng vì không biết đâu là video hữu ích, nên chị giúp việc thấy cuốn phim nào dành cho trẻ con thì mở thôi, nên có nhiều cuốn phim hay video không văn hóa, có trẻ nói tục chửi bậy vô cùng chướng tai bé xem được nên bắt chước từ đó”.

Sau khi hiểu rõ nguyên nhân, chị Lan sưu tầm rồi lưu lại vào máy tính những cuốn phim hữu ích dành cho độ tuổi của con, hướng dẫn người giúp việc khi cần thì mở cho bé xem. Ngoài ra, chị Lan cũng giải thích cho con hiểu trẻ nói tục chửi bậy là chưa đúng và dạy con cần làm gì để được mọi người yêu quý.

Dạy con thể hiện cảm xúc bằng cách khác

Nếu con chửi bậy vì tức tối, buồn bã hay mệt mỏi, bạn thử hướng dẫn chúng sử dụng những từ ngữ khác tốt hơn mà vẫn giúp biểu hiện cảm xúc cá nhân và xử lý tình huống tiêu cực trong cuộc sống. Ví dụ “Con đang rất giận/rất bực tức”.

Bố mẹ cũng cần làm gương cho con và chú ý đến ngôn ngữ hàng ngày của mình. Nếu bạn dạy con không được chửi bậy mà bản thân lại vi phạm thì con sẽ không thể nào sửa đổi được. Khi con sửa đổi được thói quen xấu, bố mẹ có thể đưa ra phần thưởng nhỏ khen ngợi, khích lệ con.

Thể hiện sự quan tâm đến con

Để giúp trẻ tránh khỏi những chuyện tức giận hay bức bối, cha mẹ cần thể hiện sự ân cần với trẻ. Hãy nói chuyện dịu dàng với trẻ, giải thích cho trẻ hiểu rằng, nói tục, chửi bậy sẽ làm tổn thương người khác. Trẻ nhỏ thường sẵn sàng làm những điều được bố mẹ tán dương. Khi nhận được sự ân cần và khen ngợi, trẻ sẽ nỗ lực không chửi bậy nữa.

Dạy con cách gây ấn tượng khác với bạn bè

Nếu con bạn chửi thề để hòa nhập được với bạn bè thì hãy nói chuyện và hỏi vì sao con lại nghĩ rằng điều đó là cần thiết. Bạn có thể dạy con cách khác để gây ấn tượng với bạn bè như học thật giỏi, chơi xuất sắc một môn thể thao nào đó, hoặc đơn giản bằng sự thân thiện của bản thân.

Khi con lớn hơn, bạn có thể giải thích với mỗi nhóm đối tượng, chúng ta có thể sử dụng ngôn từ, cách nói chuyện khác nhau. Nhưng sẽ có những từ ngữ con tuyệt đối không được dùng.

Kiểm soát môi trường xung quanh con

Trẻ có thể học được từ chửi bậy từ nhiều nguồn, có thể là bạn bè, bố mẹ, hoặc từ tivi, tranh ảnh, youtube… Khi con nói bậy, bố mẹ hãy kiểm tra những thứ con xem hàng ngày, nếu phát hiện chúng có nội dung không tốt hoặc vượt giới hạn tuổi quy định thì cần giải thích cho con hiểu và không cho xem nữa.

Bố mẹ cũng nên lắp đặt các thiết bị truyền thông như tivi, máy tính tại các nơi dễ quan sát trong nhà để tiện theo dõi.

Trường hợp con bị lây nhiễm thói quen chửi bậy từ những người bạn xấu mà bạn biết những đứa trẻ đó sẽ không bao giờ sửa đổi thì cần có biện pháp cách ly con khỏi chúng. Hãy khuyến khích con chơi với những người bạn tốt tính và thường nói lời hay.

Làm gương cho con học theo

Trẻ nhỏ là tấm gương phản chiếu của bố mẹ, vậy nên để ngăn chặn con chửi bậy, chính bố mẹ cần làm tấm gương sáng. Nếu một đứa trẻ sống trong môi trường có giáo dục, bố mẹ cư xử hòa nhã và sử dụng những lời hay ý đẹp, không nói tục khi nóng giận thì chúng sẽ được hình thành nhân cách, lối ứng xử tốt về lâu dài.

Ngoài ra, cha mẹ nên dạy con không nói những lời làm tổn thương người khác. Nếu mỗi người đều nói lời tốt đẹp, chắc chắn cả xã hội chúng ta sẽ trường tồn trong yên ổn, thái bình. Cho trẻ hiểu bằng trái tim từ bi và khuyến thiện, những lời tốt đẹp sẽ đem đến thiện duyên cho mỗi người. Khi nhìn thấy tài năng, tri thức, phẩm đức và thiện hạnh của người khác, hãy dùng lòng chân thành để tán dương, học hỏi, đồng thời xóa bỏ lòng đố kỵ và ngạo mạn của bản thân để mở rộng tâm lượng của chính mình.

Đưa ra các hình phạt

Trẻ nói bậy một cách vô thức nên rất hay lặp lại. Vì thế, để hạn chế tối đa tần suất nói bậy ở trẻ, bạn cần có thái độ cứng rắn, dứt khoát trong những lần trẻ tái phạm hành động trên.

                                                                             Ảnh chụp màn hình báo Zing.

Nếu trẻ tiếp tục chửi bậy, bố mẹ cần đưa ra các hình phạt để răn đe, như cất đi các món đồ chơi yêu thích, không cho trẻ xem tivi, hoặc cắt giảm tiền tiêu vặt… Những hình phạt này sẽ khiến trẻ hiểu rằng chuyện này rất nghiêm túc và không dám ăn nói bừa bãi nữa. Có thể thời gian đầu trẻ sẽ phản ứng tức giận, nhưng dần dần chúng sẽ hiểu được quy tắc ứng xử.

Tâm Giao