Sao đỏ và điểm thi đua: Mục đích giáo dục đã thay đổi?

0
574

Cách đây 2 năm xã hội bức xúc vì 23 đứa trẻ bị buộc phải tát thật mạnh vào mặt bạn mình chỉ vì điểm thi đua của lớp. Hôm qua, một em nhỏ phải đứng ngoài trời nắng trên 40 độ vì sao đỏ không cho vào lớp do đến sớm.

Ảnh: Facebook.

Câu chuyện đang làm dậy sóng cộng đồng mạng lần này cũng liên quan đến việc các em nhỏ thi hành quyền lực đối với bạn học của mình, nhưng cụ thể hơn nữa, nó có liên quan đến một lực lượng đang bị xã hội đòi tẩy chay, đội sao đỏ (được ví như “hồng vệ binh” trong các trường học).

Quyền lực và nạn nhân

Một bé gái ở Hải Phòng do đi học sớm quá mà bị hội cờ đỏ bắt ra đứng ngoài cổng trường. Cô giáo cũng phê bình các bạn đi học sớm nên càng khiến câu chuyện trở nên đáng buồn hơn. Cả cô giáo, nhà trường và hội cờ đỏ đều bị xã hội lên án, nhưng liệu họ có phải đều là những nạn nhân? Nạn nhân bởi áp lực vô hình của “bệnh thành tích”, của việc trao quyền lực vào tay những đứa trẻ non nớt. Cả hai nguyên nhân này đều là biểu hiện của một thứ văn hóa kinh khủng trong giáo dục: văn hóa “đấu”.

Trường học từ lúc nào đã trở thành một chiến trường đầy ám ảnh, ám ảnh đến mức có thể khiến người ta không phân biệt được phải trái, đúng sai. Thậm chí, rất nhiều người còn không nhận ra mình đã đi quá xa so với những giá trị phổ quát nhất về lòng Nhân của con người.

Những giá trị hình thức về học lực, chỉ tiêu tốt nghiệp, lên lớp… đã khiến cái “chất lượng” mà nhà trường cho là thành tích, là “danh dự” của mình trở nên sáo rỗng, bề mặt và phản tác dụng.

“Văn hóa đấu” trong giáo dục

Những chỉ tiêu hình thức đang đưa mục tiêu giảng dạy trong các nhà trường đi ngày một xa so với sứ mệnh định hình những con người tử tế cho xã hội. Những mô hình như hội Cờ đỏ, Sao đỏ… mà thành phần là chính các em học sinh cũng đang cho thấy một sự lệch lạc của giáo dục đấu tranh. Đó là một kiểu giáo dục tiếp tay cho thứ ‘văn hóa đấu’ đầy đố kỵ, khuyến khích bới móc, phán xét, tìm lỗi của nhau giữa những đứa trẻ non nớt còn chưa kịp phát triển lòng vị tha vốn có sẵn trong mình.

Khi những đứa trẻ được giáo dục ý thức phân loại, chấm điểm thành viên trong cộng đồng nhỏ của mình, chúng sẽ hình thành tư duy công kích những người khác với mình và số đông. Bên cạnh đó, chúng sẽ dần có sự ham thích và lưu luyến thứ quyền lực dù là nhỏ bé như một “chức vụ” nào đó trong hội Cờ đỏ.

Hậu quả của thứ văn hóa đấu tranh và trọng quyền lực đó là sự áp đặt, cưỡng chế người khác theo ý muốn của mình, bôi nhọ, đả kích danh dự và nhân cách đối phương, ưa đấu đá, thích dùng quyền lực. Trong khi giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, người ta cũng rất ít khi nghĩ tới người khác. Những việc họ làm không xuất phát từ mục đích làm tốt công việc, mà thường là dùng thủ đoạn thấp hèn mang tính phá hoại.

Vừa hay, đó cũng chính là những gì đang xảy ra trên các trang mạng xã hội ngày nay ở Việt Nam. Rất nhiều người trẻ bất chấp đạo lý mà phóng tay trên bàn phím với những lý lẽ và ngôn từ không thể bất hảo và ác độc hơn. Trong những mối quan hệ xã hội, giữa người với người ngăn cách nhau bởi đầy sự cảnh giác và thù hận, dù chỉ là từ những điều hết sức nhỏ nhặt như va quệt trên đường, mua bán ngoài chợ hay xếp hàng vào rạp chiếu phim.

Văn hóa đấu là thứ văn hóa đi ngược lại với Thiện, vốn là giá trị tinh thần chính yếu của nhân loại hàng ngàn năm qua. Vậy mà nó lại được hình thành và nuôi dưỡng một cách tinh vi ngay từ những cấp học thấp nhất của học trò thời nay.

Tại sao trong giáo dục lại cần phải có thi đua thành tích, khi mà mục tiêu của giáo dục là trước tiên dạy con trẻ làm người tốt? Để khiến người khác muốn trở thành người tốt chứ không phải bị buộc phải trở thành người tốt, người thầy phải truyền cảm hứng, dựa trên sự bao dung vô hạn và biết chấp nhận sự khác biệt giữa các cá nhân.

Trong vụ việc 231 cái tát vào mặt một đứa trẻ năm nào, khi muốn uốn nắn, trừng phạt em học sinh chửi bậy, cô chủ nhiệm đã không khơi gợi được cảm giác hối lỗi và muốn trở thành người tốt của học trò. Ngược lại, cô lại tấn công, sỉ nhục công khai cậu bé, để chính cậu lại tiếp tục văng tục vì bị tát quá đau và tức giận. Đó là cách người ta muốn dạy những đứa trẻ thành người tốt ư?

Và trong câu chuyện sao đỏ hôm qua, thay vì nói với các em sao đỏ rằng dù bạn đến chưa đúng giờ nhưng cũng không được đuổi bạn ra ngoài đứng giữa trời nắng nóng như vậy, cô lại như tiếp tay cho việc làm bất Thiện của sao đỏ bằng cách phê bình các bạn đi học sớm. Chưa nói tới việc đúng sai của lý lẽ đi học sớm cũng bị phạt, phê bình, chỉ riêng việc để cho những đứa trẻ có được quyền lực để trừng phạt bạn mình, đã là một việc lớn cần xem xét.

Đội quân hồng vệ binh của Mao Trạch Đông năm xưa, hay những sát thủ dưới thời kẻ sát nhân độc tài Pol pot ngày nào, cũng là những đứa trẻ có trong tay quyền sinh quyền sát. Chúng sẵn sàng đấu tố cha mẹ mình, ra tay ác độc với những người lớn hơn chúng rất nhiều. Đó chẳng phải là hình ảnh sống động cho hậu quả của việc trao quyền trừng phạt cho trẻ nhỏ hay sao.

Vậy mà giờ đây, nó đang tái diễn dù ở mức độ nhẹ nhàng hơn trong môi trường giáo dục. Nhưng dù là nhẹ nhàng, thì đó cũng là mầm mống nguy hiểm.

Những biểu hiện như bệnh thành tích (thi đua, xếp hạng lớp trong tuần theo chấm điểm của sao đỏ) và quyền lực phán xét của học sinh cũng là vì mục đích của giáo dục đã ngày càng khác rồi. Nhưng rốt cục nó là cái gì thì có khi đến ngay chính cô giáo chủ nhiệm nọ cũng chẳng hiểu nổi. Bởi cô cũng bị đặt trong guồng máy đấu tranh, phấn đấu, thi đua… của một tập thể lớn hơn mà thôi! Cô chỉ cần biết đến miếng cơm, đến sự sinh tồn của mình. Trường cô thì nghĩ đến danh hiệu thi đua, tiêu chuẩn quốc gia. Vậy là bọn trẻ sẽ phải phục vụ cái lý tưởng, mục đích đó của cô, của nhà trường chứ không phải là chủ thể mà đáng lẽ toàn bộ nền giáo dục phải xoay quanh và phục vụ chúng.

Thời xưa đi học, mới cách đây khoảng 60 – 70 năm thôi, những em bé cấp 1 đã được dạy rằng:


“Bổn phận người ta đối với xã hội, thường chia làm hai mối là: công bình và nhân ái. ‘Không hại người’ tức là công bình, ‘làm hay cho người tức là nhân ái. Câu ‘Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân’ (cái gì mình không muốn, chớ làm cho người) trong sách Luận ngữ, tức là công bình. Còn nhân ái thì ta có thể nói được rằng: ‘Kỷ sở dục giả, khả thi ư nhân’ (cái gì mình muốn, nên làm cho người)”.

                                                   (Trích: Luân lý Giáo khoa thư)


Thế nên dạy một đứa trẻ tát bạn chẳng phải cũng chính là dạy rằng: “Cái gì mình không muốn thì hãy làm cho người khác” đó ư? Đó chẳng phải là bất Thiện sao? Sự ích kỷ, chỉ muốn bảo vệ bản thân là con đường tắt dẫn tới cái ác và những hành vi phạm tội trong tương lai.

Tôi không muốn con em mình phải học thứ văn hóa đấu tranh, phán xét, cưỡng chế và tự hào vì những thứ hình thức phù phiếm trong nhà trường. Tôi muốn chúng học cách chấp nhận sự khác biệt của người khác, học cách vị tha, biết đặt người khác lên trên bản thân mình. Tôi muốn chúng học được cách khiêm nhường và biết ơn với mỗi một người xuất hiện trong đời chúng. Tôi muốn chúng học được cách tự nhìn lại mình, luôn biết sửa sai và tiết chế bản thân. Tôi cũng muốn chúng luôn có niềm tin vào sự thiện lương của con người.

Có như vậy chúng mới có thể trở thành người tốt thực sự. Mà phàm làm người thì phải là người tốt trước khi muốn là người tài giỏi!

Thuần Dương