Trang chủ Giáo dục Học sinh lớp 1 ở Việt Nam và Nhật Bản khác nhau...

Học sinh lớp 1 ở Việt Nam và Nhật Bản khác nhau như thế nào?

0
728
Nếu ở Việt Nam, mỗi khi con đi học về cha mẹ thường hỏi: “Hôm nay con được mấy điểm?” thì ở Nhật, các phụ huynh sẽ hỏi: “Hôm nay con đi học có vui không?”
Ảnh dẫn từ urbanfamily.

Chương trình học lớp 1 ở Việt Nam và Nhật Bản

Thời gian gần đây, chuyện về sách giáo khoa lớp 1 cải cách đang gây tranh cãi lớn trong xã hội. Những thắc mắc xoay quanh sách giáo khoa tiểu học dường như chưa bao giờ nhiều đến thế. Không ít phụ huynh, giáo viên lo lắng về nội dung của những câu chuyện dân gian, ngụ ngôn trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 không thể hiện rõ tính giáo dục.

Không chỉ phàn nàn về những từ ngữ đưa vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 chưa phù hợp, các phụ huynh còn lo lắng về nội dung của những câu chuyện dân gian, ngụ ngôn trong sách có thể hình thành những tính cách không tốt cho trẻ như mưu mẹo, nói dối, trốn việc…

Một bài tập đọc trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh Diều).

 

Trong khi đó, chương trình học lớp 1 ở Nhật hoàn toàn ngược lại. Mọi người dường như rất khó nhận ra sự chuyển tiếp giữa cấp mầm non và tiểu học ở Nhật khi mà chương trình năm cuối ở mẫu giáo và lớp 1 không khác nhau quá nhiều.

Học ngôn ngữ mẹ đẻ không phải là mối quan tâm lớn trong lớp 1 ở Nhật Bản. Trẻ con Nhật sẽ học tiếp những nội dung ở cấp mầm non với mức độ cao hơn như: sức khoẻ thể chất; tương tác xã hội (sức khoẻ tinh thần); hiểu biết thế giới; yêu thích thiên nhiên, khoa học và nghệ thuật… Vậy nên, sách giáo khoa Nhật Bản chưa bao giờ trở thành chủ đề nóng trên các mặt báo như ở Việt Nam.

Trẻ em Nhật học chữ và tiếng mẹ đẻ như thế nào?

Việc học tiếng Nhật diễn ra rất nhẹ nhàng. Trẻ em được tiếp cận với sách từ rất sớm, có thể nói là ngay khi lọt lòng mẹ đã được người lớn đọc sách cho nghe. Chính vì vậy, trẻ em Nhật rất gần gũi với sách và chữ nghĩa.

Không quá ngạc nhiên nếu bạn nghe nói chuyện trẻ em 3 tuổi ở Nhật có thể đọc được những ký tự cơ bản trong bảng chữ cái Hiragana trong tiếng Nhật. Lớn hơn một chút nữa thì các em đã có thể nhận ra mặt chữ được in lớn trong sách dạng tranh ảnh mà người Nhật gọi là “ehon”.

Việc dạy chữ cái không phải là yêu cầu bắt buộc trước 6 tuổi, nhưng hầu như các em đều nắm bắt được chữ nghĩa từ rất sớm. Tuy nhiên, nếu các em không thể viết được chữ cái khi vào lớp 1 cũng không đáng lo vì các em sẽ được học lại từ đầu khi bắt đầu tiểu học.

Ảnh dẫn qua Facebook.

Chương trình tiểu học ở Nhật bao gồm cả buổi sáng và buổi chiều (giống kiểu bán trú ở Việt Nam). Buổi sáng các em thường học 4 tiết, buổi chiều học 2 tiết và thời gian còn lại là thời gian tự học. Do đó các em có khá nhiều thời gian để từ từ học chữ.

Ngoài ra, cấp học tiểu học không có đánh giá xếp hạng, không có thi học kì nên các em không phải lo chuyện thi cử cũng như các áp lực không đáng có.

Mặc dù tiếng Nhật được xem là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới nhưng chính trương trình học được tính toán hợp lý nên trẻ em Nhật Bản không hề thấy quá khó khăn khi tiếp cận.

Cha mẹ quan tâm điều gì nhất khi con vào lớp 1?

Thường thì ở Việt Nam, các bậc phụ huynh sẽ chú ý nhiều tới việc học chữ của con trong lớp 1, bởi nếu không con sẽ rất khó theo kịp những chương trình học sau này. Tất nhiên cha mẹ Nhật cũng qua tâm tới kiến thức và kỹ năng con mình học được ở trường, nhưng trong năm đầu tiên ở tiểu học thì họ mong con yêu trường, yêu lớp hơn là một kết quả học tập xuất sắc nào đó.

Chính quyền địa phương và trường học cũng rất tâm lý trong việc xếp trường và xếp lớp cho các em. Họ cố gắng đảm bảo mỗi em đều có ít nhất một người bạn từng chung trường ở cấp học mầm non.

Cũng như ở Việt Nam, cha mẹ Nhật vẫn dạy chữ cho con ở nhà. Nhưng họ thường chỉ hỏi xem con họ gặp khó khăn gì hay không. Họ sẽ động viên để con tự hoàn thành bài tập, và đôi khi chỉ bảo thêm một chút.

Phải nói thêm là sách tự học (hay sách bài tập) của học trò ở Nhật rất dễ học vì các kiến thức thường được mô phỏng qua hình ảnh và được chuyển tiếp nhẹ nhàng giữa các bài học và không hề có đánh đố. Các em hầu như tự biết làm khi mở ra bài học kế tiếp.

Học sinh lớp 1 ở Nhật Bản dường như cảm thấy rất nhẹ nhõm và thoải mái hơn nhiều so với trẻ em Việt Nam.

                                                                                                               Trần Phong