Trang chủ Giáo dục Phương pháp dạy trẻ nghịch ngợm hiệu quả mà không dùng đòn...

Phương pháp dạy trẻ nghịch ngợm hiệu quả mà không dùng đòn roi

0
489
Mỗi khi kết thúc một học kỳ, tôi sẽ đến dự cuộc họp phụ huynh ở trường mẫu giáo cho con trai. Các phụ huynh thường thảo luận về cách nuôi dạy con và chúng tôi học hỏi lẫn nhau khá nhiều. Lần này cô giáo chia sẻ một cách giao tiếp hiệu quả với các bạn nhỏ, nhất là những đứa trẻ phá phách, nghịch ngợm.
dạy con
Ảnh minh họa: Shutterstock.

Các cậu bé, cô bé lên 4 tuổi đã bắt đầu phát triển ý thức độc lập, hình thành “cái tôi” và có thể không muốn nghe lời cha mẹ. Cô giáo nói: Mỗi lớp thường có một số trẻ hiếu động, càn quấy. Khi cả lớp cùng tham gia một hoạt động thì các con lại bướng bỉnh không tuân theo. Ví như buổi sáng khi các bé uống sữa đậu nành, có mấy bé cá biệt không thích uống liền nhổ nước bọt vào cốc, còn làm đổ sữa vung vãi trên bàn. Trong trường hợp này, cô giáo phải xử lý thế nào?

Phương pháp trải nghiệm hậu quả

Đầu tiên cô sẽ cảnh báo bằng lời: “Nếu con nghịch như vậy, cô sẽ tịch thu cốc của con”. Lần đầu cảnh báo, tất nhiên là một đứa trẻ, chúng nghịch ngợm và cũng hay quên nên được một lát chúng lại nhổ vào ly nước. Cô giáo tiếp tục cảnh báo một lần nữa và bé vẫn nghịch ngợm không nghe. Bởi vậy cô giáo đã lấy ly nước đặt lên chỗ đứa trẻ không thể với tới.

Cô giáo không khiển trách, cũng không trừng phạt đứa trẻ mà chỉ cho con biết: Sẽ có hình phạt nếu con vi phạm quy tắc. Hình phạt này là để giáo huấn cho đứa trẻ nghịch ngợm: Làm việc không tốt sẽ mang tới hậu quả xấu. Vậy nên dọa nạt không phải hoàn toàn tốt, khi trẻ trải nghiệm “hậu quả” vài lần, bé sẽ hiểu được nguyên tắc của cô.

Khi sắp tan học, những cậu bé nghịch ngợm lại tỏ ra lười biếng, không giúp các bạn cùng cất đồ chơi. Cô chỉ nói nhẹ nhàng và nghiêm túc: “Nếu con không cất đồ chơi của mình, giờ ra chơi ngày mai có thể con sẽ không được tham gia cùng các bạn”.

trẻ nghịch ngợm
Ảnh minh họa: Pixabay.

Lúc này cậu bé đã hiểu cô giáo sẽ “nói là làm”, đó là nguyên tắc của cô. Vậy thì bé biết rằng nếu không dọn đồ chơi thì lần sau sẽ có thể không được chơi, bé cũng sẽ nhanh chóng đi dọn đồ.

Quy tắc cần phải nhất quán

Vậy thì có người nói rằng “Tôi cũng đã làm như vậy rất nhiều lần, tuy nhiên không có hiệu quả”. Mặc dù bố mẹ đã lập ra rất nhiều quy tắc nhưng lại không thực hiện rõ ràng và nghiêm túc.

Ví dụ mẹ thấy trẻ lãng phí đồ ăn, liền dọa lấy bát cơm lần sau không cho ăn nữa, nhưng bà đi tới và lại dỗ dành đứa bé “Xin lỗi mẹ đi, không sao không sao, lần sau con sẽ không thế nữa”. Kết quả là đứa trẻ không nhận thức được “hậu quả”, lần sau bé biết rằng chỉ cần xin lỗi mẹ, mẹ hết giận là sẽ bỏ qua. Bởi vậy mặc dù bé biết quy tắc “sẽ bị lấy bát cơm đi” nhưng không xảy ra hậu quả, vậy nên nó cũng không sợ.

Như vậy khi thiết lập quy tắc dạy trẻ cần thống nhất giữa cha mẹ và ông bà. Nếu thường xuyên nói mà không làm, không nghiêm khắc thì đối với giáo dục con trẻ lại không phải chuyện tốt.

Trải nghiệm sai lầm là cách giáo dục rất tốt

Một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành, làm sao không phạm sai lầm đây? Ngay cả các bậc thánh hiền chẳng phải cũng đều có sai lầm của họ?

Vậy phạm sai lầm rồi, liệu đánh mắng có phải biện pháp giải quyết? Thật ra cha mẹ thông thái sẽ để cho đứa trẻ phạm sai lầm, cũng sẽ cho con trải nghiệm hậu quả. Hậu quả do chính hành vi của mình gây ra sẽ khiến đứa trẻ nhớ và rút kinh nghiệm, rằng “đó là lỗi tại mình”. “Hậu quả” chính là “người thầy” tốt nhất, chẳng phải người lớn chúng ta cũng học hỏi từ sai lầm sao, vậy thì trẻ con tại sao không thể?

Tại sao không nên đánh hoặc quát nạt con?

Một số bằng chứng khoa học đã chỉ ra giáo dục con bằng roi vọt không chỉ làm tổn hại đến sức khỏe thể chất mà còn gây ảnh hưởng đến cả tinh thần của trẻ.

Ví dụ như khi đánh con, bạn vô tình đã “giáo dục” con rằng người lớn hơn có quyền đánh người nhỏ hơn, vậy bạn nghĩ thế nào khi con cũng đánh một em nhỏ hơn khi thấy em đã sai hoặc không nghe lời? Ngoài ra trẻ sẽ bị tổn thương, gây ra sự oán hận và thậm chí nếu bị đánh quá đau đớn sẽ để lại cho trẻ những ký ức tồi tệ.

Ảnh minh họa: Shutter stock.

 

Còn đối với việc sử dụng những từ ngữ tiêu cực khi dạy dỗ con như “đồ vô dụng”, “phá hoại”, xưng mày-tao thì lại càng không nên. Làm sao bố mẹ có thể nuôi dạy một đứa trẻ tự tin và cảm thấy mình có giá trị trong khi chính bố mẹ lại thường xuyên gieo vào đầu con những suy nghĩ như trên?

Hãy để cho con “được sai”, thể nghiệm những hậu quả, như vậy lâu dần, lặp đi lặp lại, sai lầm sẽ càng ngày càng ít hơn. Điều này so với trừng phạt trách mắng hiệu quả hơn rất nhiều.

Điều này không có nghĩa chúng ta không thể trừng phạt con, nhưng trừng phạt cũng cần sự tôn trọng với con cái. Chúng ta là những bậc cha mẹ, dùng sự trừng phạt để giáo huấn con, để con tốt hơn chứ không phải khiến con sợ hãi, làm gì cũng phải để ý xem cha mẹ có vừa lòng không? Điều này sẽ hình thành tính cách không tốt ở trẻ. Một là con trẻ dễ đổ lỗi cho người khác hoặc bất cứ cái gì khác vì chúng sợ bị đánh, bị mắng. Hai là chúng sẽ hình thành quan niệm luôn phải làm vừa lòng người khác.

Hãy nhìn nhận sai lầm của con một cách bình tĩnh và khách quan, ngay cả khi chúng quá nghịch ngợm. Khi bạn nóng giận, hỏa khí bốc lên thì không còn giữ được lý trí để dạy con. Tại sao bạn không thử phương pháp trải nghiệm hậu quả này?

Bài viết tham khảo thông tin từ Cmoney, psychcentral/Ngọc Mai (tổng hợp)