Trang chủ Giáo dục Nếp cũ người Việt: Vì sao cha mẹ xưa lại muốn chọn...

Nếp cũ người Việt: Vì sao cha mẹ xưa lại muốn chọn bạn cho con?

0
253
Ảnh: Credit to Cao Vũ Thuỳ Trang. (Nguồn: Pinterest)

Giáo dục cho trẻ nhỏ là vấn đề mà người Việt Nam chúng ta rất coi trọng. Xưa kia, người mẹ thường dắt con bên mình trong khi đi lễ chùa hay đến đám giỗ, ngoài việc dạy cho con biết về tín ngưỡng, nghi lễ và cho con biết về mối liên hệ gia tộc, họ còn có ý muốn để cho con chơi cùng những đứa trẻ khác cũng theo mẹ của chúng đi.

Chọn bạn tốt cho con

Cha mẹ thường chọn bạn cho con, ngăn con không được giao du chơi bời với những đứa trẻ thiếu giáo dục, khuyên con nên gần gũi với bạn có lễ phép và chịu khó học hành.

Ông cha ta có câu: “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Đứa trẻ chơi với bạn tốt sẽ trở nên tốt, chơi với bạn xấu sẽ trở nên xấu. Trong cuốn ‘Liệt nữ truyện’ có lưu lại câu chuyện Lỗ Quý Kính Khương dạy con chọn bạn như sau:

Lỗ Quý Kính Khương, hiệu Đới Kỷ, là vợ của đại phu nước Lỗ Công Phụ Mục Bá, mẹ của Công Văn Bá. Bà hiểu nhiều biết rộng, tinh thông lễ nghĩa. Mục Bá mất sớm, bà ở vậy nuôi con thủ tiết thờ chồng.

Một lần, Văn Bá đi học về, Kính Khương liếc mắt nhìn, thấy bạn bè theo Văn Bá đi vào nhà, rồi từ bậc thềm đi giật lùi, tay cầm kiếm đứng thẳng, hầu hạ Văn Bá giống như đối với cha và anh vậy. Văn Bá tự cho rằng mình đã trưởng thành.

Kính Khương gọi Văn Bá lại mắng rằng: “Ngày xưa khi Chu Vũ Vương bãi triều, dây buộc dày trên chân bị đứt, nhìn xung quanh không thấy ai có thể sai khiến được bèn tự mình cúi xuống buộc lại, do đó có thể thành tựu Vương đạo. Tề Hoàn Công có ba người bạn có thể tranh biện với mình, có năm vị hạ thần có thể khuyên can mình, có 30 người hàng ngày vạch trần sự sai lầm của mình, do vậy mà có thể xây dựng bá nghiệp. Khi Chu Công Đán ăn cơm đã ba lần dừng lại, khi gội đầu dở cũng ba lần vén tóc để tiếp đãi người hiền, còn đem lễ vật đến hang cùng ngõ hẻm để viếng thăm hơn 70 người, do vậy mà có thể duy trì sự thống trị của vương thất nhà Chu. Hai Thánh một hiền ba người họ đều là những vị vua có tài năng bá vương mà chịu hạ mình trước người khác. Người mà họ giao du cũng đều giỏi hơn mình, cho nên bất giác họ cũng giỏi lên. Hiện nay con còn nhỏ, chức vị thấp. Người mà con giao lưu đều là người phục vụ con, rõ ràng là cứ như thế này thì con sẽ không có tiền đồ phát triển gì”. 

Văn Bá nhận sai, từ đó trở đi đều chọn thầy giỏi bạn hiền để phụng dưỡng, chọn những người tuổi cao đức trọng để giao du. Đối với họ, Văn Bá đều chỉnh trang mũ áo, đích thân biếu tặng đồ ăn. Kính Khương bảo: “Văn Bá đã khôn lớn thành người rồi”. Bậc quân tử khen ngợi Kính Khương là người chú ý giáo dục cảm hóa toàn diện”.

Chọn láng giềng cho con

Ngoài việc kén bạn cho con, người xưa còn chọn cả láng giềng, ví như mẹ của Mạnh tử đã dọn nhà 3 lần để tìm láng giềng tốt, tránh cho con mọi ảnh hưởng xấu. Truyện kể rằng:

Mạnh Tử mồ côi cha từ nhỏ, lớn lên nhờ sự nuôi dưỡng của mẹ, khi Mạnh Tử còn nhỏ, nhà ở gần nghĩa địa, bên cạnh nhà suốt ngày toàn là cảnh thê thảm như là đào huyệt, tiễn đưa, kẻ la người khóc.

Tuổi nhỏ hay bắt chước, Mạnh Tử cũng ra xem, khóc la như người lớn.

Mạnh Mẫu nghĩ: “Nếu cứ ở đây lâu ngày, con ta sẽ hư hỏng tính tình”.

Sau đó, bà dời nhà đến gần chợ.

Hằng ngày Mạnh Tử ra chợ, thấy thiên hạ mổ lợn, mua bán, điên đảo thị phi nên về nhà cũng bắt chước buôn bán với trẻ con hàng xóm. Bà lại suy nghĩ: “Ở đây lâu ngày, con ta khó thành người”.

Bà lại dời nhà đến gần trường học. Thấy đám trẻ con đến trường siêng năng học hành, ăn nói có lễ phép, Mạnh Tử cũng bắt chước theo chúng, đòi mẹ cho mình đi học.

Mạnh Mẫu rất đỗi vui mừng: “Chỗ này là chỗ tốt, ta nên ở”.

Câu chuyện Mạnh Mẫu ba lần chuyển nhà để lựa chọn nơi ở tốt cho con được truyền tụng đời này qua đời khác, được lấy làm ví dụ kinh điển trong giáo dục vì chứa đựng đạo lý: Cha mẹ muốn con cái trở thành người hiền đức thì cần để con có môi trường gần người hiền đức.

Vấn đề giáo dục của người Việt xưa rất cẩn thận, con nhỏ trưởng thành trong khuôn phép lễ độ, mọi việc đều tuân theo ý nguyện của cha mẹ. Đi ra ngoài phải xin phép, ở nhà phải trình diện, cha mẹ gọi thì con phải dạ, cha mẹ bảo thì con phải vâng. Người xưa cho rằng, con không vâng lời cha mẹ sẽ bị coi là đứa trẻ hư và không có được tương lai tốt đẹp.

Ông cha ta cũng để lại câu ca dao như thế này:

Bảo vâng gọi dạ con ơi
Vâng lời sau trước con thời chớ quên
Công cha nghĩa mẹ khôn đền
Vào thưa ra gửi mới nên thân người.