Trang chủ Giáo dục Cổ nhân chỉ ra 3 sự bại của cá nhân, sự nghiệp...

Cổ nhân chỉ ra 3 sự bại của cá nhân, sự nghiệp và gia đình, càng đọc càng tâm đắc

0
261
Ảnh: unsplash.com.

Cổ nhân thường giảng “Tam bất hủ” (3 điều bất hủ), tức một người có thể lập đức, lập công, lập ngôn. Quan điểm “Tam bất hủ” đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa truyền thống, nó có ảnh hưởng rất lớn đến việc giáo dục người đời sau. Lập đức là dựng lập đức hạnh, trở thành tấm gương mẫu mực cho muôn đời sau; lập công là gây dựng công lao sự nghiệp, làm lợi cho muôn đời sau, hai là làm chữ là để lưu danh cho muôn đời sau; lập ngôn là  đưa ra học thuyết đúng đắn, soi sáng và làm lợi cho người đời sau. Trong lịch sử Trung Quốc, từ cổ chí kim, có thể làm được 3 điều trên chỉ có 3 người là Khổng Tử, Vương Dương Minh và Tăng Quốc Phiên.

Tăng Quốc Phiên đã tổng kết kinh nghiệm cả một đời của mình viết thành gia thư khuyên răn con cháu, một câu quan trọng nhất trong đó chính là: “Con người ta thất bại đều do lười biếng, sự nghiệp thất bại đều bởi kiêu ngạo, gia đình lụn bại đều bởi hoang phí”. Đây là then chốt của một người có thể thành tài hay không, và cũng là nền móng cho sự hưng suy của một gia đình.

1, Con người thất bại do lười biếng

Tục ngữ nói rất hay: “Cần kiệm thì thành công, phung phí thì hỏng việc”. Dẫu là tu thân, hay là tề gia trị quốc, thì chữ “Cần” (siêng năng) đều là con đường duy nhất.

Tăng Quốc Phiên lúc nhỏ vốn không được thông minh, tham gia các kỳ thi nhưng đều không đỗ, trong kỳ thi hương đầu tiên, thậm chí ông còn bị quan Học chính Hồ Nam mắng là ngu xuẩn ngay trước mặt mọi người. Không từ bỏ, Tăng Quốc Phiên quyết tâm thi lại đến lần thứ 7 mới đỗ tú tài, có thể nói là con đường công danh của ông rất lận đận.

Tăng Quốc Phiên còn là con trưởng và cháu đích tôn của dòng họ, sinh ra đã phải chịu áp lực rất lớn của gia tộc. Biết bản thân không được thông minh như những người khác, nên ông chỉ có thể dựa vào sự chăm chỉ cần cù, tiến bộ dần dần, ông thường tự phản tỉnh mình, tay không rời sách, chuyên cần việc học, kiên trì như thế suốt mấy chục năm liền.

Tăng Quốc Phiên cũng thường dặn con cháu: “Trong khó khăn, cần cù chịu khó, đi từng bước từng bước, chầm chậm vượt qua, tự nhiên sẽ không ngừng cải thiện bản thân”.  Không chỉ đối với bản thân như vậy, Tăng Quốc Phiên dạy dỗ con cháu đời sau cũng là như vậy. Tất cả con cháu của ông hàng ngày đều phải quét dọn sân vườn, kiên quyết nhổ tận gốc thói xấu siêng ăn biếng làm ngay khi còn nhỏ.

Tục ngữ có câu: “Thêm một phần gieo trồng, mới có thêm một phần thu hoạch”, bỏ ra công sức mới có thu hoạch, có chăm chỉ thì mới có được thành quả. Nếu chỉ nghĩ đến việc đến đi đường tắt, giở thói khôn lanh, có thể sẽ đắc ý nhất thời, nhưng đến một lúc nào đó cũng sẽ bị lật tẩy. Cơ hội chỉ dành cho người có sự chuẩn bị từ trước, chăm chỉ cần cù, mới có thể nắm bắt thời cơ, mới có ngày “bay vọt một cái lên đến tận trời”.

2, Sự nghiệp thất bại do kiêu ngạo

Trong “Kinh Dịch” có giảng: “Khiêm khiêm quân tử, ti dĩ tự mục dã”, ý nói người quân tử lấy thái độ khiêm tốn để giữ mình, tu dưỡng mình, cho mình là thấp hơn người khác. Trong quẻ thứ 64 trong “Kinh Dịch”, duy chỉ có quẻ Khiêm là may mắn đủ cả, “không có gì mà chẳng lợi”. Nếu trong mắt chẳng có ai, lòng kiêu ngạo một khi khởi lên, tự nhiên sẽ mất đi thận trọng, từ sai lầm nhỏ dễ tạo thành sai lầm lớn, dần dần đi đến thất bại.

Tăng Quốc Phiên đã có công lớn trong việc dẹp loạn và được thăng làm quan nhị phẩm, nhưng ông vẫn không thay chiếc kiệu màu xanh lam của mình bằng chiếc kiệu màu xanh lục của một quan chức cấp cao, đồ nghi trượng mỗi khi ra ngoài đều rất đơn giản. Sau khi công hạ Nam Kinh và bình định Thái Bình Thiên Quốc, ông không dám kể công, trái lại còn bãi chức em trai mình, yêu cầu trở về quê nhà, còn ông thì chủ động bãi bỏ quân đội, một mực bảo trì thái độ khiêm tốn.

“Khiêm thụ ích, mãn chiêu tổn”, có nghĩa là: khiêm nhường sẽ nhận được lợi ích, được cho thêm, tự mãn thì bị mất đi, chuốc lấy tổn hại, chỉ có giữ được tấm lòng khiêm tốn mới có được phúc khí, cuộc sống mới có thể thuận buồm xuôi gió, đời người mới có thể không ngừng  tiến bộ.

Khi văn võ bá quan trong triều đình tự coi mình là “thiên triều thượng quốc”, Tăng Quốc Phiên lại không chút cao ngạo, khiêm tốn học hỏi toán học, vật lý và hóa học phương Tây, tích cực thực hiện các hoạt động đối ngoại và ông đã có những đóng góp to lớn cho sự hưng thịnh của nhà Thanh.

Vạn sự vạn vật đều đang không ngừng biến đổi, chỉ bằng cách không ngừng tự xét mình, và không ngừng hoàn thiện bản thân, bạn mới có thể trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.

3, Gia đình lụn bại là do hoang phí

Tư Mã Quang từng nói: “Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa”, ý nói con người ta mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà. Khi một cá nhân hay một gia đình tiêu xài hoang phí mà không biết tiết kiệm, thế thì tai họa không còn xa nữa.

Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên có  chép rằng, một lần, Trụ Vương nhận được đôi đũa ngà, rất lấy làm thích thú, phải dùng nó tận hưởng các món ngon vật lạ mới xứng tầm. Đại thần là Cơ Tử nhìn thấy, liền than thở rằng, Trụ Vương để cho dục vọng bành trướng như vậy, cuối cùng rồi thì sẽ đắm chìm trong tửu sắc, hoang dâm vô đạo, xã tắc lâm nguy. Cuối cùng, điều lo lắng của Cơ Tử đã trở thành hiện thực. Dục vọng của Trụ Vương quả nhiên càng ngày càng lớn. Ông xây lầu Trích Tinh và Lộc Đài, lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, thu thập đồ chơi trân quý của khắp nơi, khiến cho người dân oán than, dẫn đến việc Chu Vũ Vương khởi binh phạt Trụ. Sau khi Trụ Vương bại trận, ông đã tự thiêu mình trong ngọn lửa rừng rực tại Lộc Đài.

Dục vọng của con người là vô hạn, cánh cửa xa xỉ một khi mở ra thì sẽ khó có thể đóng lại, nó sẽ từ từ gặm nhấm, từ từ đẩy gia đình đó xuống vực sâu.

Tăng Quốc Phiên tuy là trọng thần của triều đình, nhưng ông vẫn lấy liêm khiết để lập thân, lấy cần kiệm để duy trì gia đình. Trong gia huấn của Tăng Quốc Phiên, “nghèo” là con đường để “tu thân”. Trong gia thư ông viết cho con trai cả là Tăng Kỷ Trạch, ông nói: Càng là con cháu nhà quyền quý thì càng cần tiết kiệm, càng cần nghiêm khắc yêu cầu bản thân, càng có thể chủ động về đời sống vật chất như những người nghèo khổ, những đứa trẻ như vậy rất có khả năng trở thành nhân tài lớn trong tương lai.

Gia Cát Lượng nói: “Tiết kiệm là để trau dồi đạo đức”. Trong cuộc sống vật chất sung túc ngày nay, tiết kiệm và giản dị chưa bao giờ lỗi thời. Một khi gia đình dưỡng thành thói hoang phí, con cái cũng sẽ học theo, cuối cùng gia đình sẽ suy bại. Vậy nên, đừng để con cái dưỡng thành thói xấu ăn chơi trác táng, cần kiệm một đời, mới có được cuộc sống sung túc, hạnh phúc cả một đời.

“Con người ta thất bại đều do lười biếng, sự nghiệp thất bại đều bởi kiêu ngạo, gia đình lụn bại đều bởi hoang phí”. Lười biếng, ngạo mạn, xa hoa là khởi đầu của tai họa cho một cá nhân và một gia đình. Nếu chúng ta có thể luôn cảnh giác, giữ gìn cần cù, tiết kiệm, khiêm tốn thì chẳng những bản thân ngày càng khá giả mà gia đình cũng sẽ dần dần sung túc hơn lên.

Chú giải: 

Lập đức: (Làm người) Dựng lập đức hạnh, trở thành tấm gương mẫu mực cho muôn đời sau.

Lập công: (Làm việc) Gây dựng công lao sự nghiệp, làm lợi cho muôn đời sau, hai là làm chữ là để lưu danh cho muôn đời sau.

Lập ngôn: (Học vấn) Đưa ra học thuyết đúng đắn, soi sáng và làm lợi cho người đời sau.