Mạng ảo nhưng doanh nghiệp bị ảnh hưởng thật

0
424

Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp (DN) bị bêu xấu trên mạng khiến uy tín suy giảm, thiệt hại về doanh thu nhưng vẫn không được bảo vệ dù Luật An ninh mạng đã có hiệu lực. 

Mạng ảo nhưng doanh nghiệp bị ảnh hưởng thật

Doanh nghiệp bị bêu xấu

Công ty TNHH Sakura Việt Nam mới đây cho biết bị ảnh hưởng nghiêm trọng về uy tín thương hiệu, sụt giảm kinh doanh vì bị bêu xấu vô cớ trên mạng. Cụ thể, tháng 2/2019, tài khoản Facebook có tên Diệp Xuân Hạ đăng tải thông tin cho rằng kem Sakura bán tại siêu thị Aeon TP.HCM là kem trộn, không được sản xuất tại Nhật Bản. Trong bài viết, Facebooker này không đưa ra được chứng cứ xác thực nào mà chỉ dựa trên quan điểm cá nhân.

Ngay khi xảy ra sự việc, Công ty Sakura Việt Nam đã xác minh Facebooker nêu trên, tuy nhiên, DN không đủ thông tin để truy tìm chủ trang thông tin này. Để bảo vệ thương hiệu, Công ty đã mời cơ quan chức năng lập vi bằng đối với các hành vi sai phạm nêu trên, có đơn tố cáo, trình báo gửi các cơ quan chức năng. Song song đó, công ty gửi phản hồi bằng văn bản đến Facebook Singapore.

Công ty Sakura Beauty Việt Nam khẳng định tất cả sản phẩm của Sakura khi cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn cầu và tại Việt Nam đều đảm bảo an toàn và được chứng nhận của các cơ quan chức năng có uy tín trên thế giới. “Chúng tôi có đầy đủ tài liệu và bằng chứng chứng minh các sản phẩm Sakura được sản xuất tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, và được chứng nhận bởi Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, Hiệp hội Mỹ phẩm phía Tây Nhật Bản và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ”, bà Trương Thị Nguyệt – Giám đốc công ty Sakura Beauty Việt Nam khẳng định.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2013, đến nay, Sakura đã xây dựng được hệ thống phân phối với 27 cửa hàng, 300 đại lý và 4 điểm trưng bày, bán sản phẩm tại Aeon Mall. Hiện Sakura có ba dòng sản phẩm chính gồm sản phẩm chăm sóc da mặt, chăm sóc cơ thể và viên uống bổ sung. Công ty đã có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối ra toàn quốc nhưng vì việc đã nêu trên mà kế hoạch phát triển thị trường tại các tỉnh phải ngừng lại.

Cũng như Sakura, cuối năm 2017, Công ty TNHH Happy Secret – đơn vị sở hữu thương hiệu mỹ phẩm Top White đã phải gửi đơn đến các cơ quan chức năng khi bị một số cá nhân đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ uy tín thương hiệu trên Facebook và YouTube, gây thiệt hại lớn bởi DN đứng trước nguy cơ tẩy chay của người dùng.

Trước đó, giữa năm 2015, Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Việt Úc, chủ các nhãn hiệu khăn ướt Baby Care, Teen Care là nạn nhân của nạn làm hàng giả nhiều năm cũng bị tin đồn nhập hàng Trung Quốc về bán, nhập nhèm mã vạch, không có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Chính sự vu khống này dẫn đến hàng loạt siêu thị như Big C, Co.opmart tạm ngừng phân phối các sản phẩm này một thời gian khiến doanh thu của Việt Úc sụt giảm đến 70%.

Cơ quan chức năng lúng túng?

Mặc dù Luật An ninh mạng đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019, nhưng DN vẫn chưa được bảo vệ. Bà Trương Thị Nguyệt cho biết, dù đã gửi đơn đến nhiều nơi nhưng cơ quan chức năng cho rằng, việc nói xấu trên mạng khá nhiều nhưng đây là lần đầu tiên một DN tố Facebooker nói xấu mình. Và mặc dù Luật An ninh mạng đã có nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý nói xấu trên mạng xã hội.

Theo ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, khi bị bêu xấu trên mạng, DN phải nhanh chóng cung cấp thông tin cho các đơn vị xử lý khủng hoảng thông tin để họ nắm được nguồn thông tin phát tán từ đâu và sẽ có giải pháp xử lý, hạn chế kịp thời thông tin xấu lan truyền.

Với gần 50 triệu người dùng tại Việt Nam, sự phát triển mạnh và tốc độ lan truyền như vũ bão của mạng xã hội hiện nay, việc tung tin thất thiệt, thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật, bôi nhọ người khác đã và đang gây ra những hiệu quả nghiêm trọng cho nhiều cá nhân, tổ chức. Thế nhưng, việc xử lý lại rất khó khăn khiến DN bị ảnh hưởng không nhỏ. Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn, ông Lê Quang Được – Giám đốc Công ty CP Thương mại – Dịch vụ Việt Úc cho biết, Việt Úc phải “tự bơi” để chứng minh hàng hóa của mình là hàng thật, hàng tốt chứ không như những thông tin đưa trên mạng. Và phải mất hơn một tháng để chứng thực được khăn ướt nhãn hàng Babycare, Teen Care đạt chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh, các sản phẩm của Việt Úc mới được đưa lên kệ hàng của các siêu thị trở lại.

Hồng Nga