Tiến sĩ – Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng: Người truyền lửa cho thế hệ trẻ Việt Nam

0
1027

Chúng tôi đến thăm ông, Tiến sĩ – Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng vào những ngày cuối năm 2019 khi tiết trời Sài Gòn se se lạnh. Trong khu vườn Minh Trân – Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam, ông tiếp chúng tôi bằng ly cà phê đậm chất Nhật. Nhiều thập kỷ gắn bó với Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam, ông đã mải miết đi trên dặm đường dài nhiều chông gai nhưng cũng thật vinh quang…

* Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng: Cánh chim không mỏi cho sự phát triển Việt Nam

* Vườn ươm giấc mơ Việt Nam: Nơi hội tụ những nét truyền thống Việt

Tiến sĩ – Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng.

Bao giờ cũng vậy, ông luôn xuất hiện với chiếc áo sơ mi trắng tươm tất, nụ cười ấm, cười nói với mọi người và làm sống lại những tình cảm đẹp đẽ nào đó về quê hương đất nước con người Việt Nam mà cứ ngỡ đã bị lãng quên…

Nặng lòng với quê hương

Tiến sĩ – Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng sinh năm 1948 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi ngành Quản lý công học Ban Phó Tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban Tiến sĩ.

Cuối năm 1975, ông là một trong số những Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương, bàn tìm giải pháp giúp đất nước khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trở về quê hương trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, ông Dũng đã khởi động phong trào vận động máy may cho phụ nữ Việt Nam thông qua Hội Thị dân TP. Nagoya. Phong trào được dấy lên và nhanh chóng lan tỏa khắp nước Nhật. Hơn 1000 chiếc máy may đã được trao cho hơn 30 trung tâm dạy nghề may mặc của Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh, thành. Đây là việc làm thiết thực và có ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho chị em phụ nữ Việt Nam tham gia vào hoạt động phát triển kinh tế của đất nước.

16 năm làm việc với Liên hiệp quốc với vai trò là chuyên gia phát triển kinh tế, ông nhận ra rằng dù đóng góp cho cơ quan quốc tế lớn như thế nào đi nữa thì vẫn thiếu niềm hãnh diện khi không đóng góp cho Tổ quốc. Chính suy nghĩ đó, ông đã quyết tâm thành lập trường Doanh thương Trí Dũng (trường tư thục đầu tiên đào tạo thực vụ về quản lý kinh doanh tại Việt Nam) với mục tiêu xây dựng “tư duy phát triển” để góp phần thực hiện chính sách đổi mới cho cán bộ kỹ thuật, quản lý, sinh viên,… tham khảo kinh nghiệm, cách tư duy, quản lý, văn hóa kinh doanh, văn hóa sản xuất công nghiệp của Nhật Bản.

Ông luôn trầm tĩnh, thân mật khi trao đổi kinh nghiệm với học viên nhưng lại rất tỉnh táo, quyết đoán khi giải quyết công việc. Và khi thoát khỏi công việc, ông lại nở nụ cười ôn hòa, chinh phục trái tim mọi người bằng sự uyên bác, dí dỏm. Trong tất cả cuộc trò chuyện, ông không diễn đạt dài dòng, không kiểu cách mà bằng sự chân thành, giản dị, ông kéo mọi người gần lại với nhau, cùng nhau chia sẻ những mẫu chuyện, những bài học lớn nhỏ trong một không gian xanh do ông thiết kế mà ông gọi đó là Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam.

Giấc mơ Việt Nam sáng tạo để phát triển

Hơn 50 năm sống và làm việc tại đất nước mặt trời mọc, hơn ai hết, ông hiểu sâu sắc nền tảng của sự phát triển thần kỳ ở đất nước Nhật Bản. Đó là sự đóng góp của tập thể những con người rất trách nhiệm, rất trật tự, rất cầu tiến, chịu khó học hỏi và có ý thức cộng đồng rất cao.

Khi trở về Việt Nam, hành trang của ông Dũng không chỉ là những kiến thức sách vở ông đã được học ở nước ngoài mà còn là thái độ, quan niệm lao động của một đất nước có nền kinh tế phát triển. Và ông luôn tin rằng nếu quyết tâm làm và làm đến cùng thì Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai cùng Nhật Bản.

“Phát triển đất nước phải xuất phát từ chuyện mỗi người Việt Nam chúng ta phải có một giấc mơ. Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam là cuộc vận động mà mỗi người dân Việt Nam ta phải tự ươm cho bản thân ít nhất một giấc mơ. Từ đó, chúng ta kiên trì, theo đuổi đến cùng để thực hiện nó. Tổng hợp những giấc mơ đó sẽ là nền tảng của tư duy phát triển bền vững cho tương lai”.

“Bám lấy truyền thống mà tiến lên hiện đại” là phương châm sống, phương châm kinh doanh của ông. Phải có môi trường truyền thống vững chắc mới có thể phát triển tiếp thu kỹ thuật hiện đại, mà không mất đi bản sắc của chính mình.

Minh Trân – Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam được thiết kế như một làng quê ba miền Bắc – Trung – Nam thu nhỏ, yên bình. Những chiếc lu nước xếp dưới hàng cây cổ thụ, ngôi nhà cổ Huế, nhà sàn Tây Nguyên, hài hòa với những bộ bàn ghế tre đẹp đến ngỡ ngàng. Mái lá đơn sơ nhìn ra những hàng cây râm mát, bãi cỏ xanh ngắt, hoa sen mộc mạc như một bức tranh quê. Cảnh vật nơi đây làm sống dậy bao ký ức đẹp đẽ như bị lãng quên.

Ít ai biết rằng trung tâm “sáng tạo để phát triển” này đã là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất xuất khẩu linh kiện điện tử công nghệ cao gần 30 năm qua.

Phát triển nguồn nhân lực – nâng cao chất lượng sản xuất

Với ý nghĩa phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp của TP. HCM tạo tiền đề cho sự hợp tác phát triển, thúc đẩy cơ hội chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, cũng như đáp ứng nhu cầu thực tế nâng cao trình độ kỹ thuật, cải tiến phương pháp quản lý, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp. Tiến sĩ – Doanh nhân Nguyễn Trí Dũng đã vận động những người bạn là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực tuy cao tuổi nhưng rất năng động, viếng thăm tìm hiểu Việt Nam và thành lập tổ chức phi lợi nhuận Mạng lưới Kết nối Hợp tác Kỹ thuật châu Á (ATCN) và ông là Chủ tịch danh dự.

Từ năm 2008 Trường Doanh thương Trí Dũng đã cùng với tổ chức ATCN thực hiện chương trình đào tạo “Phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp”; năm 2012 được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM ITPC (2012 – 2015), Ban Quản lý Các khu Chế xuất và Công nghiệp TP. HCM HEPZA (2016 – 2019) tổ chức đào tạo chuyển giao kinh nghiệm Nhật Bản để thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đó, góp phần xây dựng tư duy phát triển bền vững doanh nghiệp trong nước qua trao đổi kiến thức, kỹ năng, ý tưởng, kinh nghiệm giữa học viên từ TP. HCM và các tỉnh lân cận với các nhà quản lý doanh nghiệp Nhật Bản nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố.

Đặc biệt trong tuần lễ cuối năm 2019, ông Dũng đã bắt đầu chương trình “Vận dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh doanh qua kinh nghiệm thực tiễn Nhật Bản” với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu Nhật Bản và lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp tại vườn Minh Trân.

Theo Thụy Hậu/vlr.vn