Bên trong tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, một cụ già ngồi tại một góc bàn nhận dịch và viết thư thuê.
Ông Dương Văn Ngộ được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người viết thư lâu năm nhất Việt nam |
Bên trong tòa nhà Bưu điện Trung tâm Sài Gòn (quận 1, TP.HCM), giữa nườm nượp du khách nước ngoài, có một cụ già ngồi tại một góc bàn nhận dịch và viết thư thuê. Đó là ông Dương Văn Ngộ (87 tuổi), người được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam. Ông cũng là người viết thư thuê duy nhất còn sót lại ở TP.HCM.
“Kỷ lục gia” viết thư thuê
Chiều trung tuần tháng 4, lọt thỏm ở một góc Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, một cụ ông có dáng vẻ gầy gò mặc áo sơ-mi trắng trong đôi kính cận dường như quá nhỏ bé trong bưu điện rộng lớn với hàng nghìn lượt khách đến gửi bưu phẩm và tham quan. Bên chiếc bàn dành cho khách ngồi với biển hiệu “Nơi chỉ dẫn và viết giúp” được dán cả bằng tiếng Việt và tiếng Anh với dụng cụ đồ nghề là giấy bút, tem thư, kính lúp, cụ Dương Văn Ngộ vẫn tận tình nhận dịch và viết thư thuê với những dòng chữ nắn lót đầy tâm huyết.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Ngộ kể lại: “Hồi nhỏ tôi học tại trường Trưng Vương, sau đó tiếp tục thi đỗ vào trường Petrus Ký (nay là trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Sau đó, do ảnh hưởng chiến tranh, trường này bị người Nhật chiếm. Theo học được 3 năm, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên 16 tuổi tôi phải nghỉ học xin vào Bưu điện Trung tâm Sài Gòn làm việc. Đến năm 18 tuổi tôi đã thi đỗ và chính thức được nhận vào làm việc ở đây”. Dù nay đã ở “tuổi xế chiều” nhưng cụ Ngộ vẫn rất minh mẫn kể lại rành mạch từng chi tiết về công việc của mình đã gắn bó hàng mấy chục năm qua. Cụ kể tiếp: “Nhờ vốn kiến thức tiếng Anh, Pháp được học từ trước nên sau đó bưu điện tiếp tục cử cho đi học bồi dưỡng thêm nên tôi đã thông thạo cả hai thứ tiếng để phục vụ cho công việc. Trong quá trình làm việc, tôi có dịp giới thiệu cho nhiều du khách nước ngoài về đất nước, con người Việt Nam, con người, địa danh TP.HCM…
Sau hàng chục năm làm việc tại bưu điện, không thể đếm được bao nhiêu cánh thư đã qua tay cụ để “bay” ra thế giới. Năm 1990, cụ nghỉ hưu. Nhưng đối với cụ Ngộ, việc “truyền tin”, gặp và trò chuyện, phục vụ những vị khách khắp nơi trên thế giới không còn là công việc đơn thuần mà đã trở thành niềm vui trong cuộc sống. “Do quá nhớ nghề nên sau khi nghỉ hưu tôi xin phép bưu điện vào nhận viết thư thuê bằng tay cho khách. Sau này tôi có bán thêm bưu thiếp in hình Bưu điện Sài Gòn, Nhà thờ Đức Bà để người nước ngoài mang về làm kỷ niệm khi đi du lịch Việt Nam. Hàng chục năm qua, với sự phát triển của kỹ thuật số, internet, nhiều người có thể gửi thư qua mail, điện thoại rất nhanh. Nhưng tôi cũng rất bất ngờ vì vẫn còn nhiều khách đến thuê làm thông dịch viên viết thư thuê, điền phiếu gửi hàng, viết bưu thiếp bằng tiếng Anh, Pháp”, cụ Ngộ vừa nói vừa giơ tấm hình bưu thiếp in hình Nhà thờ Đức Bà chuẩn bị giao cho khách.
Ông Dương Văn Ngộ vẫn đi làm bằng xe đạp dù đã 87 tuổi |
Gần 90 tuổi vẫn “cưỡi” xe đạp đi làm
Mỗi ngày cụ Dương Văn Ngộ viết ít nhất từ 3-5 lá thư, có những lá thư ngắn một trang giấy, cũng có những lá thư dài đến mấy trang giấy, bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp theo nội dung của người gửi. Số tiền mà ông nhận từ những người đến nhờ viết giúp mỗi ngày chỉ dao động từ 120.000 – 150.000 đồng. Chia sẻ thêm về công việc độc đáo này, cụ Ngộ móm mém cười và nói: “Tôi chỉ làm cho vui, không vì tiền. Mỗi bức thư tay tôi chỉ lấy 15.000 đồng nhưng nhiều khách trả rất hậu. Nay ở cái tuổi “gần đất xa trời”, mắt đã mờ dần, đôi lúc phải dùng kính lúp phóng to con chữ nhưng cụ Ngộ bảo sẽ tiếp tục hành nghề cho đến lúc không thể viết được. Nói rồi cụ Ngộ rút ra tấm giấy chứng nhận kỷ lục với danh hiệu “Người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam” do Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Nói về gia đình mình, cụ Dương Văn Ngộ hào hứng kể và khoe con cháu đều ngoan và học giỏi. “Tôi và bà xã sinh 6 đứa con, 2 trai, 4 gái. Mỗi ngày cứ vào khoảng 8h sáng tôi đều đạp xe từ nhà ở quận Bình Thạnh ra bưu điện làm việc. Thấy tôi tuổi cao, con cháu muốn đưa rước tôi đi làm hàng ngày nhưng tôi không chịu, muốn tự đạp xe để rèn luyện sức khỏe”, cụ Ngộ nói rồi kể rành mạch lộ trình từ cầu Thị Nghè qua đường Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Bỉnh Khiêm (vòng qua Thảo Cầm viên Sài Gòn) – Lê Duẩn – Bưu điện Trung tâm Sài Gòn. Với hành trình khoảng 2km, cụ Ngộ đã cùng “chiến hữu” là chiếc xe đạp của mình song hành suốt 27 năm qua vượt qua nhiều thăng trầm và những đổi thay nhanh đến chóng mặt của vùng đất Sài Gòn.
Vĩnh Phú/baogiaothong.vn