Thiệt hại khoảng 4.000ha lúa tại Sóc Trăng vì xâm nhập mặn

0
448

Xâm nhập mặn gay gắt và lấn sâu trên cả 100km khiến khoảng 4.000ha lúa vụ 3 (Đông Xuân muộn) bị thiệt hại, chủ yếu nằm ở các huyện Long Phú, Trần Đề, Châu Thành, Kế Sách.

* Công ty TNHH Giải pháp Môi trường Hana: Giải cứu nguồn nước bằng công nghệ và cái tâm một thương hiệu môi trường

Mặn xâm nhập khiến lúa giảm năng suất và thiệt hại khoảng 80% (ảnh: Phương Nghi/Biên Phòng).

Theo báo VOV, hôm 13/3 là ngày thứ 3 của đợt xâm nhập mặn đạt đỉnh tại ĐBSCL. Độ mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào các cửa sông từ 100 – 110km. So với đợt xâm nhập mặn vào giữa tháng 2, đợt này gay gắt và lấn sâu hơn từ 30 – 40km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn trên sông Hậu và sông Mỹ Thanh đã ở cấp 2. Độ mặn cao nhất trên sông Hậu tại Trần Đề là 22,5 phần ngàn; tại Đại Ngãi cách sông Hậu 35km là 10,5 phần ngàn; tại An Lạc Tây 5,5 phần ngàn.

                                                       (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

“Chưa năm nào tình trạng xâm nhập mặn lại khủng khiếp như năm nay”, ông Nguyễn Thanh Liêm – một người dân ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thốt lên khi chia sẻ với báo Tuổi Trẻ.

Hiện nay, nhiều diện tích lúa đã bị chết do ngộ độc mặn và bị chết khô. Diện tích bị thiệt hại đang ngày càng tăng lên.

Trước đó, vào tháng 2/2020, theo số liệu mới nhất của Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng, tại các trạm đo trên sông Hậu ở Trần Đề 13,8 phần ngày, Long Phú 10,6 phần ngày, Đại Ngai 6,6 phần ngày; trên sông Mỹ Thanh tại Thạnh Thới Thuận 15,9 phần ngàn; Thạnh Phú (Nhu Gia) 6,8 phần ngàn; trên sông Đinh (TP Sóc Trăng) 5,0 phần ngàn…

Không chỉ Sóc Trăng, tính đến ngày 4/3, đã có 5 tỉnh miền tây gồm Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.

                                                   (Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ).

Không chỉ gây thiệt hại về hoa màu, nước sinh hoạt cũng là một vấn đề nan giải. Theo báo Tuổi Trẻ, tại Bến Tre, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt diễn ra từ sau tết nhưng đến nay đã quá sức chịu đựng của người dân.

Trong khi nước máy đã bị nhiễm mặn 4-5 phần ngàn, không thể tắm giặt thì người dân bắt buộc phải đi mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá cắt cổ, có nơi lên đến 300.000 đồng/m3, dù giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3.

Có những hộ dân chăn nuôi bò, heo sử dụng cả mét khối nước mỗi ngày như nhà anh Nguyễn Văn Hậu (ở Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) thì cho rằng không thể cầm cự được nữa bởi số tiền mua nước ngọt đã vượt quá sức chịu đựng. “Chắc đến hết mùa khô, tiền mua nước ngọt lên đến cả chục triệu đồng, đi đứt cả con bò” – anh Hậu nói.

Minh Quân Tổng hợp