Điểm tin trong nước sáng 21/5: Phát tán tài liệu có bản đồ ‘đường lưỡi bò’, Bayer Việt Nam xin lỗi

0
380

Mục điểm tin trong nước sáng ngày 21/5 gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ TP. HCM.

Phát tán tài liệu có bản đồ “đường lưỡi bò”, Bayer Việt Nam xin lỗi

Sở Thông tin và Truyền thông TP. HCM (TT&TT) đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lynette Moey Yu Lin – Tổng Giám đốc Công ty Bayer Việt Nam về hành vi “sử dụng thư điện tử cá nhân để cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm chủ quyền quốc gia Việt Nam”.

Tài liệu “Covid-19 – Lessons from China” chia sẻ kinh nghiệm chống dịch của Trung Quốc, có đính kèm bản đồ ‘đường lưỡi bò’, đã được bà Lynette Moey Yu Lin email cho 9 trưởng bộ phận của công ty vào cuối tháng 4, tài liệu này sau đó được chuyển tới toàn bộ nhân viên của Bayer Vietnam.

Bản tin của Bloomberg cập nhật ngày 20/5 nói Bayer Vietnam đã xin lỗi về điều mà công ty này cho là một ‘tai nạn’ không có chủ ý. Bayer nói bản đồ Biển Đông gây tranh cãi nằm trong một tài liệu nội bộ, và công ty Bayer đã lập tức ngưng phát tán, đồng thời tìm cách thu hồi các email về tài liệu này.

Trang mạng của Vietnam Business Insider dẫn lời Đại diện truyền thông của Bayer Việt nam nói rằng đây chỉ là một ‘sơ xuất không đáng có’.

Cảnh báo nguy cơ virus mới từ tôm Trung Quốc vào Việt Nam

Ngày 20/5, Bộ NN&PTNT dẫn thông tin từ mạng lưới các Trung tâm nuôi trồng thủy sản vùng châu Á-Thái Bình Dương (NACA) cho biết: Từ tháng 2/2020 đến nay, tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xuất hiện loài virus mới có tên Decapod iridescent virus 1 (DIV1). Đã có khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm của Quảng Đông bị ảnh hưởng từ virus DIV1.

Các nhà nghiên cứu cho biết loài virus này lây nhiễm cho tôm ở tất cả giai đoạn sinh trưởng, có thể gây bệnh cho cả một số loài tôm biển, tôm nước lợ, tôm nước ngọt.

Một số loại tôm đã phát hiện bị lây nhiễm như tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm đất, tôm càng sông, tôm gai, tôm sú hoang dã ở vùng biển Ấn Độ Dương, cua cà ra, cua bờ sọc.

Theo báo Pháp Luật, loài virus DIV1 được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 2014 trên mẫu tôm càng đỏ, tôm thẻ chân trắng và tôm càng xanh.

Hiện vẫn chưa xác định được chính xác đường lây truyền của virus DIV1, nhưng có khả năng nguồn lây được truyền từ loài giun nhiều tơ được sử dụng làm thức ăn cho tôm bố mẹ, tôm hoang dã.

Tại Việt Nam, hiện chưa có thông tin về bệnh do virus DIV1 xâm nhập. Nhưng Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản gửi Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; UBND các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên đề nghị ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép tôm giống, tôm thương phẩm, thức ăn tươi sống cho thủy sản.

Mục đích để kịp thời phòng chống, ngăn chặn virus DIV1 xâm nhập vào nước ta, gây thiệt hại cho ngành tôm trong nước.

Thanh tra xác nhận có đường dây “chống trượt” tại Đại học Điện lực

Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã phát hiện ra những sự thật gây sốc ở Đại học Điện lực. Một lãnh đạo khoa ngang nhiên đứng ra tổ chức rồi nhận tiền “chống trượt” của sinh viên – hành vi được đánh giá là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nhà giáo.

Theo báo Lao động, Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương đã phát hiện Khoa Điều khiển và Tự động hoá thu lệ phí tốt nghiệp 200.000 đồng/sinh viên và được thực hiện từ lâu. Đây là khoản thu sai quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Thanh tra còn phát hiện Khoa Điều khiển và Tự động hoá thu tiền “chống trượt” của sinh viên Cao đẳng khoá 16. Qua xác minh, làm việc với sinh viên là đầu mối thực hiện thu tiền “chống trượt” của lớp C16, sinh viên này xác nhận có 22 sinh viên lớp C16 nộp tiền “chống trượt” tốt nghiệp với tổng số tiền 70 triệu đồng.

Những vấn đề tiêu cực tại Khoa Điều khiển và Tự động hoá không phải bây giờ mới bị phanh phui. Trước đó, tháng 7/2019, Báo Lao Động có đăng tải bài viết “Hàng trăm sinh viên Đại học Điện lực bị nghi được nâng điểm, cấp khống bằng tốt nghiệp”, phản ánh về tình trạng tiêu cực một cách có hệ thống trong công tác đào tạo tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa, đây là khoa lớn và nổi tiếng bậc nhất của Đại học Điện Lực.

Yêu cầu báo cáo tình trạng cá nhân, DN Trung Quốc đang nắm các khu đất ‘trọng yếu’ ở Việt Nam

Bộ Tài nguyên – Môi trường vừa có công văn gửi TP. Đà Nẵng yêu cầu TP này chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh từng trường hợp, xử lý theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng về việc cá nhân, DN Trung Quốc đang nắm các khu đất trọng yếu mà Bộ Quốc phòng đưa ra vài ngày trước. Đồng thời gửi Bộ trước ngày 25/5, theo Thanh Niên.

Trước đó, Bộ Quốc phòng có thống kê chi tiết về việc người Trung Quốc sở hữu đất vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Từ năm 2011-2015, tại khu vực biên giới biển TP. Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của TP.

Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp (thuộc P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn); khu đô thị các phường Phước Mỹ, Thọ Quang (Q. Sơn Trà).

12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, đa số không trả được nợ đúng hạn

Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, theo Dân trí.

Tại dự án Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam – một trong 12 dự án nghìn tỷ yếu kém – Ngân hàng PVcomBank đã khởi kiện Vinapaco, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Vinapaco phải trả cho PVcomBank tổng số tiền là 592,3 tỷ đồng.

Chính phủ cho biết, dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Nguy cơ mất trắng vốn thời gian tới rất cao khi nhiều dự án không thể vận hành hiệu quả, càng vận hành càng lỗ nặng hơn và có nguy cơ phải phá sản.

Tổng hợp