Trang chủ Tin tức Dự thảo luật mới, bằng A1 không được lái SH, B1 không...

Dự thảo luật mới, bằng A1 không được lái SH, B1 không được lái ô tô

0
563
Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, bằng lái xe máy A1 không được lái SH, B1 không được lái ô tô.
Ảnh minh họa: chụp màn hình Thanh Niên.
Theo bản tin trên Nhịp Sống Việt, mới đây, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi thông tin sẽ có tổng cộng 17 hạng giấy phép lái xe, trong đó 4 hạng được quy định không thời hạn và 13 hạng có thời hạn.Đặc biệt, bằng lái xe máy  thông dụng nhất, hạng A1 và B1 đã được dự thảo thay đổi và ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, đối với xe gắn máy bằng lái xe được chia làm 3 hạng.

– Hạng A0 cấp cho người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xy lanh dưới 50 cm 3  hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 04 kw.

– Hạng A1 cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh từ 50 cm 3  đến 125 cm 3  hoặc có công suất động cơ điện trên 04 kw đến 11 kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0.

– Hạng A cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xy lanh trên 125 cm 3  hoặc có công suất động cơ điện trên 11 kw và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.

Như vậy, theo dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, các mẫu xe phổ thông có dung tích dưới 175 cc đang được điều khiển sử dụng bằng A1 hiện nay sẽ bị ảnh hưởng.

Cụ thể gồm các loại xe như Honda SH 150, Airblade 150, Honda Winner, Yamaha Exciter 135 hay 150 cc và Yamaha NVX sẽ phải cần cấp bằng lái mới. Tuy nhiên, giấy phép lái xe hạng A sẽ có thể được điều khiển cả những xe phân khối lớn dung tích trên 175 cc như hạng A2 trước đây.

Bên cạnh đó, bằng lái xe ô tô  cũng có những thay đổi đáng kể. Điều đáng chú ý nhất là bằng lái xe hạng B1 theo dự thảo sẽ không được phép điều khiển ô tô nữa.

Theo đó, hạng B1 được cấp cho người lái xe mô tô 3 bánh và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A0, A1.

Chuyên gia trong ngành cũng thấy “rối mù”

Nhận xét về đề xuất trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, ông là người công tác lâu năm trong ngành, đọc các loại bằng theo dự thảo Luật thấy “rối mù”, như vậy người dân sẽ càng thấy phức tạp, cơ quan chức năng cũng quản lý khó khăn hơn trước. “Đơn cử, loại bằng B1 cấp cho người lái ôtô đã quen thuộc với người dân, nay chỉ cấp cho xe ba bánh”, ông Thanh nói trên VnExpress.

Theo ông Thanh, sau khi thay đổi loại bằng lái, người dân có thể phải đổi bằng gây lãng phí vì đến lúc nào đó nhà nước cần có sự quản lý thống nhất. Ngoài ra, tâm lý người dân muốn đổi bằng mới hơn là sử dụng bằng cũ, nên sẽ phải bỏ thời gian và chi phí đi đổi.

Ông Thanh cũng cho biết, không đồng tình với việc cấp bằng lái A0 cho xe dưới 50cc và xe điện, vì quy định này bắt buộc học sinh phải học và thi lấy bằng lái xe, sẽ gây phiền hà và tốn kém cho nhiều gia đình, có thể nảy sinh tiêu cực. Thay vào đó, cần đưa các nội dung giáo dục an toàn giao thông vào chương trình học để nâng cao kiến thức cho học sinh.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, cũng cho rằng, việc chia nhỏ các loại bằng lái xe là không cần thiết, vì gây khó nhận biết cho người dân và dẫn đến nhiều thắc mắc không đáng có.

“Luật cần dễ hiểu với số đông người dân thì mới dễ thực thi”, ông Liên nói.

Bà Phan Thị Thu Hiền – Phó tổng cục trưởng Đường bộ, đại diện Ban soạn thảo, lý giải đề xuất phân chia nhiều loại bằng là học tập theo công ước quốc tế. “Việc phân chia thành nhiều loại giấy phép lái xe để phù hợp tổ chức giao thông và tập huấn cho tài xế”, bà HIền nói.

Để đảm bảo quyền lợi của người dân, bà Hiền cho biết, những loại giấy phép lái xe cũ trước khi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) ban hành vẫn có hiệu lực, người dân không phải đi đổi giấy phép mới nếu không có nhu cầu. Khi giấy phép lái xe được cấp mới hoặc đổi thì được tuân theo Luật mới, không phát sinh thêm thủ tục cho người dân.

“Không có chuyện người đang có bằng B1 không được lái ôtô hay bằng A1 không được lái xe SH. Người dân đã được cấp giấy phép lái xe thì cứ sử dụng bình thường”, bà Hiền nói.

Nhiều ý kiến về dự thảo bằng A1 không được lái SH, B1 không được lái ô tô

Theo báo Lao động, bình luận về việc này, bạn Hải Yến thắc mắc: “Muốn lái xe SH150 cần phải thi bằng A, tức là từ 125cc trở lên. Vậy khi có bằng A là được lái luôn xe phân khối lớn 1000cc hay sao?. Theo tôi như vậy sẽ rất nguy hiểm. Tôi hiện nay lái xe 1000cc nhưng phải dùng bằng A2. Phải có bằng riêng với xe phân khối lớn mới tránh tình trạng đi xe phân khối lớn bừa bãi, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông”.

Bạn Hoàng Linh nói: “Về lý thuyết, khi đã học luật lái xe ô tô dĩ nhiên phải biết luật lái xe mô tô (xe máy) nên một logic tất yếu là có bằng lái xe ô tô, hiển nhiên phải được phép lái xe máy tất cả các hạng. Tương tự, tôi thấy chẳng có sự khác nhau về xe 125 – 250cc trong điều khiển và chấp hành luật. Vậy tại sao phải phân ra nhiều.

Phân cấp thế này thì xe 3 bánh (B1) ngang hàng B với xe ô tô, trong khi thật sự xe 3 bánh chỉ nên xem là xe gắn máy vì tốc độ giới hạn thấp. Xe 3 bánh chỉ nên là A3. Trong mỗi phân hạng (A,B,C,D) chỉ nên là một chữ và một số (A1, A2) chứ không nên là vừa có số vừa không số (A, A1) nhìn rất rối. Phân cấp thế này, dù là tài xế chuyên nghiệp lái xe hết đời vẫn không thể nhớ hết hệ thống phân hạng bằng lái xe Việt Nam”.

Bạn Hoài Thanh cho hay: “Bằng lái xe máy hạng A1 đang được phép lái xe dưới 150cm3. Thực tế xe từ 150cm3 trở xuống tới 110cm3 chẳng khác biệt bao nhiêu, vậy tại sao lại phải thay đổi bằng lái hạng A1 lên A trong khi đại đa số người dân đang sử dụng bằng A1”.

“Thay vì A1 không được lái xe 175cc sao không quy định khi đào tạo A1 bắt buộc phải có chương trình học và thi lái xe 175cc. Như vậy vừa áp dụng cho người học mới vừa không gây xáo trộn cho người đã có bằng. Đối với ô tô cũng vậy, thay vì B2 không được lái số sàn nên quy định học và thi B2 bằng số sàn” – bạn Nguyễn Trường Giang đề xuất.

Bạn Khoa Phạm nêu: “Chỉ cần bổ sung A0 cho 50cc và xe máy xe đạp điện còn đâu giữ nguyên là được, nếu tôi có bằng A1 mà đang đi xe 150cc tôi lại phải thi lại nữa hay sao, trong khi bằng lái xe A1 của tôi trước kia được đi xe 50cc đến 175cc, nếu vậy hàng triệu người sẽ phải học lại, điều này vừa mất thời gian lại tốn kém”.

Hiểu Minh