Trang chủ Kinh doanh Phí 150.000 đồng đổi sang biển số nền vàng

Phí 150.000 đồng đổi sang biển số nền vàng

0
479
 Thông tư 58 mới của Bộ Công an quy định toàn bộ xe kinh doanh vận tải phải đổi sang biển số nền vàng từ ngày 1/8, chi phí đổi mới biển mới từ trắng sang màu vàng là 150.000 đồng.

Ảnh minh họa: chụp màn hình SGGP.

Lo tốn tiền, mất thời gian

Quy định cấp đổi biển số đối với xe kinh doanh vận tải đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất trong Thông tư số 58 của Bộ Công an vừa được ban hành.

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch Liên hiệp HTX Liên minh Kinh tế điện tử 4.0 Nguyễn Xuân Tuấn bày tỏ, hiện Liên hiệp có hơn 20.000 đối tác thành viên là các tài xế taxi công nghệ, việc chuyển đổi biển số ban đầu sẽ gây khó khăn và phát sinh chi phí cho doanh nghiệp và tài xế.

“Theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính, phí đổi biển là 150.000 đồng, Như vậy, chúng tôi sẽ phải chi khoảng 3 tỷ đồng. Việc làm thủ tục cấp đổi biển sẽ ít nhiều bị gián đoạn đến hoạt động vận tải của doanh nghiệp và thu nhập của tài xế”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Dương Trung Kiên – Giám đốc một công ty chuyên về kinh doanh ô tô vận tải tại Hà Nội cho rằng, nếu chia màu biển số xe chỉ để phân biệt xe kinh doanh và xe thường thì sẽ gây ra lãng phí lớn về thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp, nhất là sau đợt “điêu đứng” bởi dịch Covid-19 vừa qua.

“Với 2 triệu xe phải đổi biển, cả nước hết khoảng 300 tỷ đồng. Chưa kể đến chi phí cơ hội khi lái xe phải mất nhiều thời gian để làm các thủ tục này”, ông Kiên nói.

Ông Kiên dẫn chứng thêm, đối với xe dịch vụ hay xe hợp đồng, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10 có hiệu lực từ 1/4, trong đó quy định bắt buộc các xe phải dán chữ “Xe hợp đồng” hoặc “Xe taxi” bằng chất liệu phản quang lên kính trước và sau để nhận diện.

“Sắp tới, những ô tô này có biển số màu vàng nhưng vẫn phải dán chữ lên kính thì liệu có gây chồng chéo, rối rắm hay không?”, ông Kiên nêu ý kiến.

Trên thực tế, đối với loại hình taxi công nghệ như Grab, Be, Fast Go, … chiếc xe là phương tiện cá nhân. Nhiều tài xế tham gia chạy dịch vụ chỉ là công việc làm thêm. Ngoài việc chở khách vào thời gian trống, các chủ xe còn sử dụng để phục vụ công việc chính và gia đình.

Anh Hoàng Văn Cường (35 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân – Hà Nội), chia sẻ, công việc chính của anh là một giáo viên nhưng lúc rảnh rỗi, anh sử dụng xe để chạy Grabcar. Anh tỏ ra ái ngại nếu chiếc xe được quy chặt vào loại “xe kinh doanh vận tải”.

“Ô tô cá nhân của mình giờ phải mang biển số màu vàng như taxi, đương nhiên tôi thấy không thoải mái lắm. Chiếc xe còn phục vụ cho đi về quê, đối ngoại hoặc giao dịch công việc khác…Mặt khác, biển số hiện tại của tôi là biển tam hoa (ba số cuối giống nhau – PV) đăng ký tại Hà Nội, giờ bỏ đi thay biển khác cũng tiếc. Tôi sẽ cân nhắc xem có nên tiếp tục chạy Grab nữa hay không”, anh Cường nói.

Liên quan đến việc cấp, đổi biển số màu vàng cho ôtô kinh doanh vận tải, thượng tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn đăng ký và kiểm định phương tiện (Cục CSGT), cho Zing biết, việc này giúp giảm thời gian cấp biển, đồng bộ hóa dữ liệu quản lý.

Theo thượng tá Công, chủ xe khi đi đổi biển số chỉ cần mang một trong những giấy tờ như chứng minh thư, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu, không cần mang xe đến trụ sở đăng ký, sau đó điền tờ khai (không phải cà số khung, số máy) và sẽ được cấp biển mới ngay khi đủ điều kiện.

“Chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an để có hướng dẫn cho chủ phương tiện kinh doanh vận tải trong thời gian sớm nhất. Việc các xe thay đổi biển số có thể làm xáo trộn công tác quản lý. Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu thêm phương án quản lý phương tiện qua số khung hoặc số máy”, vị này nói với Zing.

Theo Cục CSGT, số xe ô tô phải đổi từ biển trắng sang biển vàng ước có tới 2 triệu chiếc. Trong đó, hơn 1 triệu chiếc chỉ là con số thống kê đối với riêng xe tải, xe khách, rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc các loại. Gần 1 triệu chiếc còn lại là các loại xe taxi truyền thống, taxi công nghệ, xe hợp đồng.

Tổng hợp