Trang chủ Tin tức Điểm tin trong nước sáng 4/11: Bộ trưởng nêu thành tích giữ...

Điểm tin trong nước sáng 4/11: Bộ trưởng nêu thành tích giữ rừng, đại biểu Quốc hội dẫn chứng phá rừng

0
329
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ tư (4/11) gửi đến quý độc giả những tin sau:
Bộ trưởng nêu thành tích giữ rừng, đại biểu Quốc hội dẫn chứng phá rừng
Ảnh minh hoạ.

10 ca nhiễm virus cúm Vũ Hán mới là các ca nhập cảnh từ Nga và Angola

Bộ Y tế hôm qua cho biết, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm 10 ca mắc virus cúm Vũ Hán mới, là (BN 1193-1202), đều là các ca nhập cảnh từ Nga và Angola. Hai bệnh nhân đã được đưa đi cách ly ngay sau khi phát hiện.

Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, hiện 14.775 người tiếp xúc gần ca bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe.

Trong ngày hôm qua, có 4 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong số 1.122 bệnh nhân ghi nhận tại Việt Nam, đến nay đã có 1.069 ca được điều trị khỏi; 35 ca tử vong.

Việt Nam thử nghiệm vắc xin virus cúm Vũ Hán đầu tiên trên người

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo thuộc Bộ Y tế ngày 3/11 thông báo vắc xin virus cúm Vũ Hán do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu dự kiến sẽ được tiêm thử nghiệm lần đầu tiên trên người trong tháng 11 này.

Theo đó, vắc xin của đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 là vắc xin do Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Khu công nghệ cao, quận 9, TP.HCM) nghiên cứu phát triển.

Theo kế hoạch, giai đoạn 1 vắc xin sẽ tiêm thử nghiệm trên nhóm 60 người tình nguyện.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình bị đề nghị kỷ luật

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đã bị đề nghị kỷ luật do các vi phạm trong giai đoạn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra thông cáo nói họ đã xem xét trường hợp của ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ủy Ban đã kết luận rằng, khi ở cương vị Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư ban cán sự đảng, Thống đốc Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Tình trạng này dẫn đến nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc ban hành, tổ chức thực hiện một số nghị quyết, quy định, quyết định về hoạt động tín dụng, ngân hàng… Hậu quả rất nghiêm trọng, khó khắc phục.

Bão số 10 giật cấp 11 áp sát, miền Trung mưa lớn tới 350 mm từ đêm nay 4/11

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 4-11, vị trí tâm bão số 10 (tên quốc tế bão Goni) ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320 km về phía Nam Đông Nam.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 10 mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 4 giờ ngày 5/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 230 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão số 10 trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đến 4 giờ ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Tước quân tịch trung úy công an ‘thử súng’ khiến nam sinh tử vong

Theo tờ Người Lao Động, nghi phạm trong vụ nam sinh N.Đ.A. (21 tuổi, quê Quảng Ninh), sinh viên năm thứ 4 Đại học Giao thông Vận tải tử vong khi đứng trước ngôi nhà ở đường Võ Văn Dũng (quận Đống Đa, TP Hà Nội) là Nguyễn Xuân T. (SN 1991, hộ khẩu tại quận Đống Đa).

Người này là trung uý, cán bộ Công an huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, có sở thích sưu tầm súng nên đã đặt mua 1 khẩu súng hơi tự chế trên mạng xã hội, rồi mang ra quán nước khoe với bạn bè.

Kết quả điều tra ban đầu xác định đây là hành vi “vô ý làm chết người”. Khẩu súng được T. sử dụng là kiểu súng hơi, được mua trên mạng, chuyên để bắn chim.

Công an Hà Nội đã ra quyết định tước quân tịch đối với Nguyễn Xuân T., sau đó chỉ đạo các đơn vị liên quan củng cố, thu thập chứng cứ để tiến hành các bước tố tụng tiếp theo.

Bộ trưởng nêu thành tích giữ rừng, đại biểu Quốc hội dẫn chứng phá rừng

Dân Trí đưa tin, phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về hậu quả của việc các thuỷ điện nhỏ tràn lan nhiều nơi, hiệu quả phát điện chưa thấy đâu nhưng hệ luỵ về việc phá rừng, gây thảm hoạ khi có lũ lụt thì đã “nhãn tiền”.

Nhiều đại biểu cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiên tai nặng nề, hoành hành tại miền Trung vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sinh mạng cũng như tài sản của người dân. Liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vùi lấp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân. Những sự cố khủng khiếp đó xảy ra ở khu vực tập trung nhiều thuỷ điện nhỏ, nơi mất nhiều diện tích rừng cho việc làm hồ chứa, đập dâng.

Trao đổi nhanh về những vấn đề các đại biểu đề ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường không đi sâu vào vấn đề thuỷ điện nhỏ huỷ hoại rừng nhưng ông khẳng định, kết quả trồng rừng, giữ rừng đã đạt những thành tích lớn, thể hiện sự cố gắng vượt bậc trong thời gian 30 năm qua. Điều đó khiến tỷ lệ che phủ rừng tăng lên đáng kể.

Chưa thấy thuyết phục, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp về việc khẳng định kết quả trồng rừng, giữ rừng như trên. Theo đại biểu, những thông tin Bộ trưởng Cường dẫn chứng đối lập với thực tế đang diễn ra, khi thiên tai, bão lụt ngày càng nghiêm trọng vừa qua.

Ông Hiếu băn khoăn, nhà nước hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép triển khai những đại dự án trong lõi rừng, khiến nhiều cánh rừng, nhiều quả núi bị “bạt trắng”, hết thuỷ hiện này tới thuỷ điện khác tiếp tục được cấp phép dày đặc trên cùng một dòng sông, con suối…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu vấn đề, thực tiễn thiên tai bão lụt vừa qua, an ninh nguồn nước phải gắn với phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng, vấn đề xây dựng hồ, đập thuỷ điện nhỏ và vừa.

Có nhiều ý kiến cho rằng, mục đích chính của thủy điện nhỏ chính là khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Vậy nên nhiều chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thuỷ điện nhỏ là bán lại dự án ngay sau đó. Đó chính là lúc đã khai thác xong tài nguyên.

Từ đó, đại biểu đề nghị đánh giá lại vấn đề cấp phép làm thuỷ điện nhỏ và vừa, kiểm đếm những dự án đã bán lại, sang nhượng để xác minh nghi vấn các dự án thuỷ điện này là “bình phong” cho việc phá rừng. Đại biểu cho rằng, cần cân nhắc loại bỏ các dự án thuỷ điện nhỏ và vừa ra khỏi quy hoạch điện lực đến 2030.

Tổng hợp