Trang chủ Tin tức Tin Thế giới Điểm tin thế giới 18/2: Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái...

Điểm tin thế giới 18/2: Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép tại Trường Sa

0
354
Mục Điểm tin thế giới, thứ Năm (18/2), gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ảnh minh họa từ video của BBC và CNN.

Mỹ buộc tội 3 tin tặc Triều Tiên. Hôm thứ Tư (17/2), Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết những tin tặc này đã thực hiện các vụ tấn công lớn đánh cắp 1,3 tỷ đô la, gây thiệt hại cho nhiều thực thể, từ các công ty, ngân hàng cho tới các hãng phim Hollywood. Bản cáo trạng cáo buộc rằng Jon Chang Hyok, 31 tuổi, Kim Il, 27 tuổi và Park Jin Hyok, 36 tuổi, đã ăn cắp tiền khi làm việc cho các cơ quan tình báo quân sự của Triều Tiên [Reuters].

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép tại Trường Sa. Ảnh vệ tinh cho thấy chính quyền Trung Quốc tạo ra những thay đổi cấu trúc trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hình ảnh được Simularity cung cấp thể hiện rằng tại một vị trí được đặt tên là Khu 1 luôn là một bãi trống tính đến 7/5/2020. Nhưng một bức ảnh khác chụp khu vực này ngày 4/2/2021 cho thấy “một cấu trúc hình trụ kiên cố đường kính 16 m đã được thi công”. Simularity đánh giá đây có thể là tháp ăng ten. Những thay đổi cũng được phát hiện tại Khu 2, 4-7 [News].

Mexico kêu gọi các nước giàu ngừng tích trữ vắc xin Covid. Lời kêu gọi được quốc gia này đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hôm thứ Tư (17/2) với lý do rằng các quốc gia nghèo đang bị tụt lại phía sau trong cuộc đua tiêm chủng cho công dân của mình. Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard lưu ý, hiện có tới 3/4 liều vắc xin đầu tiên chỉ được áp dụng cho công dân ở 10 quốc gia chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu [Reuters].

Biden gọi nạn diệt chủng của ĐCSTQ là ‘chuẩn mực văn hóa’. Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 16/2, ông Biden cho biết sẽ không lên tiếng phản đối những gì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang làm ở Hồng Kông, Tân Cương, Đài Loan, và sẽ không cố gắng chấm dứt chính sách Một Trung Quốc. Tổng thống Mỹ đương nhiệm nói rằng, sở dĩ ông quết định như vậy là vì, về mặt văn hóa, “có những chuẩn mực khác nhau mà mỗi quốc gia và những nhà lãnh đạo của nó phải tuân theo”. Nhiều quan chức, tổ chức ở các nước phương Tây nói rằng chiến dịch đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện ở Tân Cương là hành vi diệt chủng [WhitehouseTwitterFoxbusiness].

Chính quyền Biden sẽ giúp WHO 200 triệu USD. Hôm thứ Tư (17/2), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra thông báo này. Ông cho biết khoản tiền sẽ được đóng góp vào cuối tháng 2. Cựu Tổng thống Trump tuyên bố vào tháng 5/2020 rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức chấm dứt mối quan hệ với WHO bằng việc rút khỏi tổ chức này vào tháng 7/2021. Tuy nhiên, Biden đã đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm khi coi việc ưu tiên tái nhập WHO là một trong những hành động đầu tiên của ông sau khi nhậm chức [Epoch Times].

Mỹ hối thúc Trung Quốc lên án đảo chính Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 16/2 nói: “Chúng tôi đã nói rõ ràng rằng chúng tôi muốn thấy Trung Quốc đóng vai trò xây dựng trong việc này. Và đó là thông điệp chúng tôi đã gửi cả công khai và riêng tư tới Bắc Kinh, cũng là thông điệp chúng tôi sẽ tiếp tục gửi cho đến khi Trung Quốc dứt khoát lên án cuộc đảo chính này”. Tuyên bố được ông Price đưa ra khi Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar bác bỏ cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ cuộc đảo chính quân sự ở nước này [State].

Nga tiếp tục nhận được yêu cầu trả tự do cho Navalny. Tòa án nhân quyền châu Âu là thực thể đưa ra yêu cầu này. Trong một phán quyết được công bố hôm thứ Tư (17/2), tòa án có trụ sở tại Strasbourg, Pháp, đã tuyên ông Navalny tạm thời được ra tù vì cho rằng chính phủ Nga “không thể cung cấp đầy đủ các biện pháp bảo vệ cho tính mạng và sức khỏe của ông ta”. Phản ứng lại, Moscow nói rằng quyết định của tòa án nhân quyền châu Âu là “sự can thiệp trắng trợn và thô bạo vào các vấn đề tư pháp của một quốc gia có chủ quyền” [The Guardian].

Ba Lan ra luật hạn chế quyền của Big Tech. Các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt người dùng hoặc xóa bài đăng vì lý do chính trị có thể sẽ bị phạt 13,5 triệu đô la Mỹ ở Ba Lan. Thứ trưởng Tư pháp Ba Lan, Sebastian Kaleta, cho biết các công ty truyền thông xã hội từ lâu đã nhắm mục tiêu vào nhóm người Cơ đốc giáo và những người ủng hộ các giá trị truyền thống qua việc chặn sử dụng dịch vụ và gỡ bỏ các bài đăng trên nền tảng của họ. Ông nói: “Chúng tôi thấy rằng khi Big Tech quyết định xóa nội dung vì mục đích chính trị, thì đó chủ yếu là nội dung ca ngợi các giá trị truyền thống hoặc ca ngợi chủ nghĩa bảo thủ” [Foxnews].

Tỷ phú Hồng Kông Jimmy Lai lại bị bắt. Vị tỷ phủ hơn 70 tuổi hoạt động tích cực cho phong trào dân chủ Hồng Kông bị bắt hôm 16/2 với cáo buộc giúp một người đào tẩu khỏi hòn đảo. Vụ bắt giữ này được cảnh sát Hồng Kông thực hiện căn cứ theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh cho thông qua vào năm ngoái. Cụ thể, ông Lai bị gán tội “âm mưu hỗ trợ kẻ phạm tội” và “âm mưu cấu kết với nước ngoài hoặc với thế lực bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” [SCMP].