Trang chủ Tin tức Tin trong nước sáng 28/4: Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm...

Tin trong nước sáng 28/4: Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

0
389

Có văn bản tuyệt mật của Bộ Công an về ứng viên đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn

 

Ông Phùng Xuân Nhạ (phải) nhận quyết định làm Phó Ban Tuyên giáo Trung ương (ảnh tổng hợp).

Theo Người lao Động, chiều hôm qua (27/4), Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức họp báo về việc công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 15.

Một trong những vấn đề đáng chú ý là trường hợp ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nguyên Giám đốc Viện Tim Hà Nội, tiếp tục tái cử đại biểu Quốc hội, người đang bị công an điều tra vì liên quan đến những sai sót khi ông còn công tác ở Viện Tim Hà Nội.

Trả lời báo chí việc này, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Tiểu Ban nhân sự Hội đồng bầu cử quốc gia đã nhận văn bản tuyệt mật của Bộ Công an về người ứng cử đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn.

Bà Thanh nói: “Hiện Bộ Công an đang quá trình điều tra vụ việc ở Viện Tim Hà Nội và thông tin ban đầu ông Nguyễn Quang Tuấn có ký một số văn bản liên quan khi còn làm lãnh đạo cơ quan này. Tuy nhiên, kết luận như thế nào, Cơ quan của Bộ Công an vẫn đang tiến hành làm rõ”.

Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Truyền thông nhà nước hôm 27/4 loan tin, Bộ Chính trị Việt Nam đã bổ nhiệm ông Phùng Xuân Nhạ, cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Ông Phùng Xuân Nhạ 57 tuổi, quê Hưng Yên, là giáo sư, tiến sĩ Kinh tế. Ông giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo từ tháng 4/2016 đến 4/2021.

Trong thời gian ông Nhạ đương chức, nền giáo dục Việt Nam đã xảy ra hàng loạt các vụ “bê bối” từ lớn đến nhỏ, có thể kể đến như: Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 với gần 400 bài thi được nâng khống điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình. Trong các bài thi được nâng điểm, có 44 thí sinh là con em cán bộ tỉnh, 7 thí sinh đỗ học viện An ninh Nhân dân, 16 thí sinh thi học viện Cảnh sát Nhân dân.

Tháng 8/2019, Bộ Công an Việt Nam xác định Đại học Đông Đô đã cấp văn bằng 2 Cử nhân ngôn ngữ Anh cấp tốc cho khoảng 600-700 người, với giá từ 28-35 triệu đồng, trong đó có nhiều người là cán bộ, công chức nhà nước.

Bên cạnh đó, một loạt các vụ bạo lực học đường xảy ra như: Cô giáo bắt học sinh lớp Ba uống nước giặt giẻ lau bảng ở Hải Phòng; Cô giáo yêu cầu cả lớp tát một nam sinh lớp 6 tổng cộng 231 cái, khiến em này nhập viện; Nữ sinh lớp 10 tự tử vì uất ức với hình thức kỷ luật “bêu” tên trước toàn trường…

Ngoài ra, dư luận còn bức xúc trước các vụ việc như: sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 nhiều lỗi hay quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học…

Chiều 27/4: Việt Nam thêm 5 ca COVID-19, 1 ca lây nhiễm tại nơi cách ly

Trến báo Tuổi Trẻ, Bộ Y tế chiều 27/4 cho biết, cả nước có 5 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 4 ca cách ly sau nhập cảnh tại Thái Nguyên (1 ca), Hà Nội (1 ca), Khánh Hòa (2 ca) và 1 ca lây nhiễm tại nơi cách ly ở Yên Bái.

Ca bệnh Tại Yên Bái là bệnh nhân 2857 (BN2857) lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly. Bệnh nhân là nam, 63 tuổi, lễ tân khách sạn có địa chỉ tại Yên Bái (nơi phục vụ cách ly cho các chuyên gia) là F1 của bệnh nhân COVID-19 người Ấn Độ nhập cảnh Việt Nam hôm 18-4. Hiện bệnh nhân được đưa về cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội).

Như vậy sau hơn 1 tháng chỉ với các ca bệnh “du nhập” đến ngày 27/4, Việt Nam chính thức có một ca nhiễm COVID-19 trong khu cách ly.

Trước nguy cơ có thể xuất hiện “đợt dịch thứ 4” ở Việt Nam, nhiều tỉnh thành chủ động có các giải pháp đề phòng dịch bệnh du nhập vào cộng đồng. TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh đồng loạt ngưng bắn pháo hoa dịp lễ 30/4.

Hà Nội tạm dừng tổ chức các lễ hội, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; Nghệ An ngưng các lễ hội biển; Hải Dương dừng hoạt động karaoke, bar, massage, rạp chiếu phim…

Yên Bái tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin trước diễn biến dịch phức tạp

Theo TTXVN, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại tỉnh Yên Bái. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuất hiện 4 trường hợp nhập cảnh bị nhiễm COVID-19 và 1 trường hợp lây nhiễm từ ca nhập cảnh tại nơi cách ly ở Yên Bái.

Ngày 27/4, tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Yên Bái, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái tiếp tục tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt I cho 430 người thuộc đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao. Thời gian tiêm phòng đợt I từ ngày 27/4 đến hết ngày 7/5.

Đối tượng tiêm phòng lần này là cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc trong 8 cơ sở y tế tuyến tỉnh, gồm: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Tâm thần tỉnh, Bệnh viện Nội tiết tỉnh; Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm tỉnh, Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh, Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc – Mỹ phẩm – Thực phẩm tỉnh, Trung tâm Pháp Y tỉnh Yên Bái.

Trước đó, từ ngày 22/4 đến ngày 26/4, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành việc tiêm phòng COVID-19 cho trên 700 trường hợp là cán bộ, nhân viên y tế, người lao động làm việc trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Dự kiến trước ngày 12/5, tỉnh Yên Bái sẽ kết thúc tiêm phòng đợt I năm 2021. Sau đợt tiêm phòng lần này ở tuyến tỉnh, Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Dân Hà Nội khá chủ quan, lơ là trong phòng dịch

Theo báo Tuổi Trẻ, bất chấp cảnh báo về nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19, nhiều người ở Hà Nội vẫn chủ quan, không thực hiện tốt các quy định phòng bệnh như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách khi tới những địa điểm cộng đồng.

Tại nước láng giềng Campuchia, dịch COVID-19 đang diễn ra rất phức tạp, ghi nhận hàng trăm ca nhiễm mới trong một ngày.

Ở Ấn Độ, số người nhiễm COVID-19 tính tới trưa 27/4 đã lên tới 17,64 triệu người, số người tử vong đã lên gần con số 200.000 người. Nhà xác tại đây đã rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng, việc hoả táng thông thường được thực hiện trong nhà, nay được tiến hành ngay ngoài trời.

Ở Việt Nam, dịch COVID-19 ở Việt Nam hiện nay cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên, nguy cơ bùng dịch lần thứ 4 vẫn còn hiện hữu. Đặc biệt trong bối cảnh lượng người từ biên giới nhập cảnh trái phép vào Việt Nam vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Tuy nhiên, ở Hà Nội, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh, quán cà phê, trà đá… người dân đã bắt đầu lơ là, chủ quan trong cuộc chiến chống lại dịch COVID-19.

Tại 1 siêu thị lớn trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) trong chiều 27/4, khách tới siêu thị không đeo khẩu trang, hoặc đeo mang tính hình thức, sai cách. Tại các quầy thanh toán của siêu thị, việc đảm bảo giãn cách cũng chưa được thực hiện nghiêm.

Tại một trung tâm thương mại đối diện siêu thị kể trên cũng rơi vào tình trạng tương tự, các biện pháp phòng COVID-19 tại đây lơ là, chủ quan. Không ít người dân đi lại, vui chơi không đeo khẩu trang.

Tại các quán cà phê, trà đá trên các quận như Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân…. theo ghi nhận, tình trạng tụ tập đông người diễn ra phổ biến, khuyến cáo 5K không được áp dụng.

Tại một khu chợ dân sinh trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), dù hàng ngày các tiểu thương ở đây tiếp xúc gần với hàng trăm lượt khách, đa số họ đều không đeo khẩu trang.

Một tiểu thương nói: “Dạo này Hà Nội sắp vào mùa hè rồi, ở trong chợ có bao nhiêu thứ mùi, đeo khẩu trang bí bách, nóng, khó chịu lắm”.

Chiều 27/4, Hà Nội ra công văn khẩn về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Công văn nên rõ, Hà Nội sẽ tạm dừng tổ chức các lễ hội và các tuyến phố đi bộ, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Ngoài ra, Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch.

Hà Nội yêu cầu phải kiểm soát, ngăn chặn triệt để, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đi về từ vùng dịch mà không khai báo y tế và các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch.

Chiêu lừa phạt ‘nguội’ vi phạm giao thông

Theo VnExpress đưa tin, tự xưng là cảnh sát giao thông, kẻ lừa đảo gọi điện cho người bị phạt nguội do vi phạm rồi yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Đây là một trong những chiêu thức của kẻ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản xảy ra ở TP. Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh thành thời gian gần đây.

Riêng tháng 4, cả chục người dân trình báo bị người tự xưng là cảnh sát, gọi điện đến từ tổng đài thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội, TP.HCM thông báo về việc họ vi phạm giao thông, bị hệ thống camera giám sát ghi lại, nay quá thời hạn xử lý, yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản.

Kẻ lừa đảo thường hỏi: ‘Anh/chị đã nhận được biên bản xử phạt chưa?’ ‘Anh/chị gây tai nạn giao thông… đến nay đã quá thời hạn xử lý, đề nghị cung cấp số biên bản?’…

Trường hợp nạn nhân trả lời chưa nhận được biên bản, chúng yêu cầu cung cấp tên, tuổi, địa chỉ, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để cung cấp biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt, nộp tiền theo hướng dẫn của chúng để xác minh, xử phạt nguội.

Cuối cuộc hội thoại, những người tự xưng là cảnh sát giao thông yêu cầu nạn nhân giữ bí mật với gia đình, kể cả nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền.

Ngoài hình thức này, đầu tháng 4, một số người dân ở Lạng Sơn nhận được thư điện tử mạo cơ quan chức năng, đề nghị truy cập vào trang thông tin giả mạo điền thông tin vi phạm giao thông, thông tin cá nhân. Từ đó kẻ lừa đảo đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân của nạn nhân.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định việc xử lý phạt “nguội” vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát trên toàn quốc chỉ được gửi bằng văn bản, thông báo tới chủ phương tiện theo địa chỉ trên đăng ký xe, hoặc người điều khiển phương tiện vi phạm để tới trụ sở cảnh sát xử lý.

Khi nhận được giấy thông báo vi phạm của cơ quan chức năng, đến ngày hẹn, chủ xe hoặc người điều khiển mang đầy đủ giấy tờ cần thiết lên trụ sở đơn vị cảnh sát giao thông ra thông báo để làm việc và hoàn tất thủ tục nộp phạt.

“Cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo vi phạm qua điện thoại, không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định và khuyến cáo người dân không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, địa chỉ email) cho những người lạ, những người phải cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Khoảng một năm trở lại đây các trường hợp vi phạm giao thông bị camera giám sát trên toàn quốc ghi lại được Cục Cảnh sát giao thông tích hợp vào trang web ‘csgt.vn’ để người dân tra cứu.

Người Sài Gòn bị phạt nặng vì không đeo khẩu trang

Theo VnExpress 12 người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị cơ quan chức năng quận 1 và Phú Nhuận, TP HCM lập biên bản xử phạt tổng cộng 24 triệu đồng.

Ngày 27/4, lực lượng chức năng phường 17, quận Phú Nhuận, khi đi kiểm tra, phát hiện 3 nhân viên và một khách ở quán trên đường Huỳnh Văn Bánh không đeo khẩu trang. Sau hơn nửa giờ giải thích, chủ quán ký vào biên bản chấp hành đóng phạt mỗi người 2 triệu đồng. Trước đó, phường cũng xử phạt 2 người không đeo khẩu trang khi có mặt nơi đông người.

Trong ngày, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, tổ chức đoàn liên ngành đi kiểm tra việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Tại công viên 23/9, nhóm 4 bạn trẻ ngồi nói chuyện bị đoàn liên ngành lập biên bản xử phạt tổng cộng 8 triệu đồng. Gần đó, 2 người đàn ông không đeo khẩu trang cũng bị phạt 4 triệu đồng.

Cũng trong sáng qua, phường Bến Nghé, quận 1, tổ chức đoàn kiểm tra với hơn 10 người, dùng ô tô cỡ nhỏ chạy dọc các tuyến đường Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn… phát loa nhắc nhở người dân tuân thủ nguyên tắc 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế). Những người không tuân thủ sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Tại một số nơi, khi thấy cơ quan chức năng đi tới người dân mới vội vàng lấy khẩu trang đeo vào. Những người không có được phường phát miễn phí.

Theo ông Tạ Hoàng Sự, Phó chủ tịch phường Bến Nghé, hôm nay phường chủ yếu nhắc nhở. Từ ngày mai, những người không đeo khẩu trang sẽ bị phạt.

Trước đó, TP đã nhiều lần yêu cầu xử nghiêm người không đeo khẩu trang. Đến tháng 10/2020, TP.HCM xử phạt hơn 4.000 trường hợp không đeo khẩu trang, với số tiền 816 triệu đồng.

Hà Nội: Cháy nhà hàng Nét Huế, phố Thái Hà ùn tắc trong giờ cao điểm

Dân Trí đưa tin, chiều qua (27/4), tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy nhà hàng Nét Huế ở số 36 phố Thái Hà (thuộc địa bàn phường Trung Liệt, quận Đống Đa). Khi thấy khói đen bốc lên ngùn ngụt, nhiều người vội hô hoán rồi cùng nhau tháo chạy ra khỏi nhà hàng.

Ngọn lửa bùng phát tại tầng 5 của nhà hàng, cột khói đen bốc cao hàng chục mét khiến nhiều người dân sợ hãi. Vụ cháy xảy ra vào giờ cao điểm buổi chiều với nhiều người tham gia giao thông nên đoạn đường Thái Hà nhanh chóng bị ùn tắc cục bộ.

Tiếp nhận thông tin, Công an quận Đống Đa đã huy động 2 xe cứu hỏa chuyên dụng cùng các cán bộ, chiến sĩ xuống hiện trường để dập lửa. Sau gần 1 giờ đồng hồ, ngọn lửa cơ bản được lực lượng chức năng khống chế.

Hiện lực lượng chức năng đang có mặt tại hiện trường xử lý triệt để đám cháy, tổ chức phân luồng giao thông tại khu vực.

Tổng hợp