Trang chủ Tin tức Bị nợ lương, công nhân môi trường phải vay nợ, lượm ve...

Bị nợ lương, công nhân môi trường phải vay nợ, lượm ve chai sống qua ngày

0
543
Nguồn ảnh: Tuổi trẻ.

Những người công nhân môi trường phải làm việc không ngày nghỉ, tết cũng phải trực, nay lại bị nợ lương. Nhiều người phải vay lãi, lượm ve chai kiếm sống. Có ngày kiếm được vài chục, ngày nào may mắn thì gần 100.000 đồng, theo Tuổi trẻ.

Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là Công ty Minh Quân) hiện đã được đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội (có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội). Từ đầu năm 2021, Công ty Minh Quân không còn trúng thầu ở quận Nam Từ Liêm nên những công nhân môi trường bị nợ lương, sống rất vất vả.

Ông Nguyễn Văn Đoàn (60 tuổi, quê Nam Định) lên Hà Nội làm nhân viên công ty môi trường từ năm 2010. Ông cho biết từ tháng 7-2020 đến nay công ty cứ hứa rồi khất lần không thanh toán tiền lương của ông và vợ. Ông cho biết, không chỉ ông mà nhiều công nhân khác phải vay lãi, nhặt giấy vụn ở các khu chung cư để bán kiếm sống.

Cũng như ông Đoàn, chị Nguyễn Thị Đào thu gom rác ở khu vực đường Hồ Tùng Mậu (quận Nam Từ Liêm) thông tin công ty nợ lương khiến gia đình phải vay mượn trang trải qua những ngày dịch bệnh COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Phương, tổ trưởng tổ môi trường phụ trách trả lương cho công nhân ở 2 phường Cầu Diễn và Tây Mỗ, cho biết chỉ riêng địa bàn bà quản lý đã có khoảng 80 công nhân chưa được trả lương. Ngoài ra, theo bà Phương, nếu tính cả địa bàn quận Nam Từ Liêm thì có đến hàng trăm công nhân môi trường cũng đang “chung một cảnh ngộ”.

Lương công nhân làm 30 ngày khoảng 5 triệu đồng trong khi lao động rất cực nhọc. Đến nay bình quân mỗi một công nhân ở tổ chưa được trả 5 tháng lương. Họ đang rất bức xúc và muốn nghỉ việc, tuy nhiên nếu nghỉ như vậy, e rằng họ sẽ mất trắng số lương và cũng rất khó tìm việc khi tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay.

Không chỉ những người làm công nhân môi trường, số phận của những công nhân trong các khu công nghiệp cũng chẳng khá khẩm hơn.

Báo lao động ghi lại câu chuyện của Bùi Đinh Phương (20 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội), làm việc cho một công ty trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội). Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, tới hôm 8/3, Phương mới được đi làm trở lại. Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đợt thứ 3, Phương không còn được tăng ca, chỉ làm 8 tiếng/ngày, thu nhập hiện tại chỉ còn khoảng 4,8 triệu đồng/tháng.

Lương thấp, Phương phải hết sức tiết kiệm. Với số tiền lương nhận được, hằng tháng, Phương gửi về cho gia đình 3 triệu đồng phụ giúp bố mẹ trả nợ, còn chỉ giữ lại cho mình một ít để trả tiền nhà trọ cùng tiền ăn hằng ngày.

Hiện, Phương làm ca tối từ 20 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Với thời gian làm việc như vậy, bữa sáng, Phương ăn qua loa chiếc bánh mì, bữa trưa cắm nồi cơm, hấp thêm vài quả trứng rồi để dành cho bữa tối ăn trước khi đi làm. Nếu làm ca đêm, đúng 12 giờ, Phương sẽ được cung cấp suất cơm gồm món xào, cơm, canh, thịt. Đinh Phương xem đây như bữa chính của mình.

Dịch khiến nhiều nhân sự trong công ty bị mất việc, Phương may mắn được giữ lại vì đã được ký hợp đồng. Nhưng Phương vẫn trong tình trạng thấp thỏm vì sợ không biết bao giờ đến lượt mình. Nhiều tháng nay, thức ăn của cô chỉ đơn giản có cơm và trứng. Nếu mất việc, Phương không biết sẽ phải cắt giảm chi phí ở mức nào.

Tổng hợp