Trang chủ Tin tức Tin COVID-19 sáng 23/6: Bộ Y tế nói gì về đề xuất...

Tin COVID-19 sáng 23/6: Bộ Y tế nói gì về đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nanocovax?

0
399
Ông Nguyễn Ngô Quang (phải), Phó cục trưởng Cục Khoa học – Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nói về đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax (ảnh: Dân Trí/Zing).

Thêm 55 ca Covid-19, hầu hết ở TP.HCM

Bộ Y tế sáng 23/6 ghi nhận 55 ca dương tính nCoV, gồm tại TP HCM (51), Bắc Giang (2), Nghệ An (2), trong đó 45 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

55 ca mắc mới từ số 13728-13782, nâng tổng số ca tại Bắc Giang lên 5.490, TP HCM 1.973, Nghệ An 36.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay lên 10.495, ghi nhận ở 43 tỉnh thành.

Bộ Y tế nói gì về đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc-xin Nanocovax?

Dantri – Đại diện Bộ Y tế cho biết việc cấp phép khẩn cấp một loại vắc xin phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc xin.

Về kiến nghị của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen xin cấp phép khẩn cấp cho vắc xin phòng Covid-19 Nanocovax, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết việc kiến nghị là quyền của doanh nghiệp, còn việc cho phép hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn, căn cứ theo các quy định.

“Việc ra quyết định cấp phép khẩn cấp một loại vắc xin phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không”, ông Quang nói.

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc xin phòng Covid-19 là điều cần thiết, tuy nhiên tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học. Cụ thể, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn là: Có an toàn không? Có sinh miễn dịch không? Và điều đặc biệt quan trọng đó là có hiệu lực bảo vệ không?

Vắc xin Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 1.000 người. Theo ông Quang, đây là số lượng nhỏ, chưa mang tính cộng đồng, chưa nói lên nhiều so với số lượng hàng trăm triệu người sẽ sử dụng vắc xin sau này. Song việc xem xét cấp phép khẩn cấp là phương án được cân nhắc trong trường hợp dịch bệnh khẩn cấp.

“Có pha 3a là vì chúng tôi tính đến phương án nếu đến tháng 8, 9 Việt Nam không tiếp cận được nguồn vắc xin nhập khẩu, nếu dịch bệnh trong nước căng thẳng thì có thể cân nhắc việc này. Cụ thể là sẽ căn cứ trên các dữ liệu chứng minh tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ trên 1.000 người đầu tiên này để Hội đồng Khoa học, Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế xem xét cấp phép trong trường hợp khẩn cấp”, ông Quang nói.

Điều đó đồng nghĩa, trong trường hợp Việt Nam đàm phán, làm chủ được nguồn vắc xin nhập khẩu với các vắc xin kết quả nghiên cứu rõ ràng như Pfizer, Moderna, Sputnik hay các vắc xin khác đã được WHO phê duyệt thì sẽ ưu tiên sử dụng nguồn nhập khẩu.

“Bộ Y tế rất cẩn trọng trong việc xem xét hồ sơ khoa học với đề xuất cấp phép khẩn cấp vắc xin sản xuất trong nước. Việc này không phải làm khó doanh nghiệp. Bộ Y tế đóng vai trò là cơ quan bảo vệ sức khỏe cho người dân nên phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ”, ông Quang nhấn mạnh.

Theo ông Quang, các dữ liệu hiện tại cho thấy vắc xin Nanocovax an toàn, có tính sinh miễn dịch nhưng hiệu lực bảo vệ như thế nào vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm tiếp. Để có đủ căn cứ khoa học đánh giá cần phải theo dõi sau tiêm mũi một 36 ngày, 45 ngày và 56 ngày, từ đó mới đủ tiêu chuẩn để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ. Vì thế, cần ít nhất 2 tháng nữa mới có thể đánh giá được.

“Quan điểm của Bộ Y tế cũng như cá nhân tôi là hoàn toàn ủng hộ cho sự nghiên cứu phát triển vắc xin trong nước để chủ động được nguồn vắc xin của Việt Nam”, ông Quang cho biết thêm.

Gần 23.000 công nhân ở Bình Dương, TP.HCM tạm nghỉ việc

VnExpress – Tính đến chiều 22/6 đã có 22.700 công nhân, lao động ở Bình Dương, TP.HCM tạm nghỉ việc sau khi một loạt nhà máy tại các khu công nghiệp ghi nhận nhiều ca Covid-19.

Tại Bình Dương, Covid-19 khiến 80 công nhân ở địa bàn dương tính, 171 doanh nghiệp, nhà máy bị ảnh hưởng. Điều này khiến hơn 5.200 công nhân gồm 600 F1, 3.200 F2 và 1.400 lao động trong khu vực phong tỏa phải tạm nghỉ việc.

Đợt bùng phát dịch này, một số nhà máy phát hiện nhiều ca nhiễm liên quan ổ dịch ở phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, như: Công ty Việt Nam House Wares với 47 ca, chi nhánh xử lý chất thải thuộc Công ty cổ phần nước – môi trường Bình Dương 11 ca, Công ty gốm Hiền Hòa Anh 15 ca. Các công ty này đông công nhân, cư trú nhiều nơi nên dịch đã lan ra các khu nhà trọ.

Từ các ca bệnh nói trên, cơ quan chức năng ghi nhận thêm một số ca nhiễm tại công ty khác như Vision Vina, gỗ Đức Lợi, KJ Vina. Hiện, nhà máy của Công ty TNHH Dong-A Vina, với 183 công nhân bị phong toả để khoanh vùng, truy vết F1, F2 liên quan ca dương tính tại Xí nghiệp xử lý rác thải Bình Dương.

Tại TP.HCM, theo thông tin từ Liên đoàn lao động thành phố, toàn địa bàn ghi nhận 369 trường hợp công nhân, lao động mắc Covid-19, kéo theo gần 4.500 công nhân là F1 phải cách ly tập trung, hơn 13.000 người cách ly ở nhà và nơi cư trú. Số lao động này phải tạm nghỉ việc, chờ kết quả xét nghiệm, lấy mẫu.

Ở đợt bùng phát lần thứ tư, dịch đã xâm nhập nhiều nhà máy đông công nhân ở TP.HCM như Công ty Pouyuen Việt Nam (56.000 lao động), Công ty Việt Nam Samho (10.000 công nhân)… Nhà máy của Công ty cổ phần thực phẩm Trung Sơn đến nay phát hiện 27 ca nhiễm, 800 công nhân được cách ly tập trung.

Bình Dương và TP.HCM là hai địa bàn có nhiều khu công nghiệp thuộc tốp đầu cả nước. Bình Dương có 29 khu công nghiệp, 17 cụm công nghiệp với khoảng 1,2 triệu lao động. TP HCM có 1,6 triệu lao động làm việc ở các nhà máy, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất hơn 320.000 người. Môi trường làm việc ở nhà máy khép kín, đông người… khiến dịch dễ lây lan, bùng phát.

TP.HCM: Thêm cảnh sát chữa cháy dương tính COVID-19

Tuoitre – Tối 22/6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM xác nhận với Tuổi Trẻ Online có thêm một chiến sĩ chữa cháy có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 với COVID-19.

Chiến sĩ này là cán bộ đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thuộc Phòng PC07. Anh sống cùng vợ và hai con ở chung cư Ehomes Nam Sài Gòn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Anh là F1 vì làm chung đội với cán bộ chữa cháy (sinh sống ở phường An Lạc, quận Bình Tân) – có 6 người trong gia đình xét nghiệm dương tính với COVID-19 vào ngày 17-6.

Ngày 17 và 18/6, anh được xét nghiệm liên tiếp 2 lần đều âm tính. Đến ngày 19/6, anh có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1, vợ và hai con đều âm tính. Đến ngày 21/6, anh được chuyển đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục theo dõi, đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.

Giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 có ý nghĩa như thế nào?

Zing – Tính tới chiều 22/6, Việt Nam đã thực hiện tiêm hơn 2,4 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Mục tiêu của nước ta là tiêm cho 150 triệu liều cho 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng.

Nhiều người thắc mắc sau tiêm, họ có được cấp giấy chứng nhận hay không. Giấy chứng nhận sẽ có ý nghĩa như thế nào? Liệu chúng ta có thể sử dụng giấy này cho việc đi lại hay giảm thời gian cách ly khi từ các địa phương có dịch tới nơi khác?

Ai sẽ cấp giấy chứng nhận cho người tiêm vaccine Covid-19?

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hằng, Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay cơ sở sẽ cấp giấy chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine Covid-19 một hoặc 2 mũi.

Tiến sĩ Hằng cho biết hiện tại, ý nghĩa của tờ giấy này chỉ là chứng nhận việc một người đã được tiêm vaccine Covid-19. “Vì vậy, việc họ có thể đi lại, nhập cảnh vào các quốc gia khác hay không còn phụ thuộc vào chính sách của từng nước, không chỉ tờ giấy này. Có quốc gia xem giấy chứng nhận này là đủ. Quốc gia khác lại cần các chính sách khác ngoài tờ giấy này”, Cục phó Cục Y tế Dự phòng cho hay.

Tại Bệnh viện E (Hà Nội), nơi đang triển khai tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên, người tiêm được cấp giấy chứng nhận sau 7-10 ngày, trong đó có dấu đỏ của bệnh viện. Đây là thời gian để hoàn thiện hồ sơ, bao gồm chữ ký của các bộ phận liên quan.

Đối với những người thuộc diện ưu tiên do Bộ Y tế đề xuất được tiêm vaccine tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cơ sở y tế sẽ này gửi giấy chứng nhận về Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế. Bộ phận này sẽ gửi giấy chứng nhận về các cơ quan.

Người đã tiêm vaccine chưa được giảm thời gian cách ly

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết hiện Việt Nam nỗ lực tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Đặc biệt, TP.HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử.

Do đó, không phải địa điểm nào tiêm xong cũng có thể cấp giấy chứng nhận ngay cho người dân. Giấy chứng nhận tiêm vaccine hiện cũng không có nhiều ý nghĩa như nhiều người kỳ vọng.

Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định trong tương lai, tất cả người đã tiêm vaccine Covid-19 đều có giấy chứng nhận. Đồng thời, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 và Bộ Y tế đang cân nhắc một số quyền lợi kèm theo giấy chứng nhận này, chẳng hạn việc đi lại trong nước dễ dàng hơn, giảm thời gian cách ly…

Về hộ chiếu vaccine, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay chúng ta chưa triển khai được trong nước. Song với khách quốc tế, Bộ Y tế đang giao Cục Y tế Dự phòng soạn thảo hướng dẫn về việc thí điểm tại Quảng Ninh. Những người có hộ chiếu vaccine có thể nhập cảnh vào tỉnh này.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cũng cho biết Việt Nam đã có chủ trương cấp giấy chứng nhận tiêm chủng dạng điện tử, có ý nghĩa như “giấy thông hành”. Với giấy chứng nhận này, người sở hữu sẽ có những ưu đãi khi đi nước ngoài hoặc về thời gian cách ly, đi lại trong nước.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho hay điều này chưa thể thực hiện ngay. Trong bối cảnh này, người dân cần tuân thủ nghiêm biện pháp 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Đặc biệt, người người đã tiêm vaccine cũng cần có tuân thủ nghiêm ngặt, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Hiện nay, vaccine được khuyến cáo làm giảm khả năng lây nhiễm và mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh. Như vậy, người đã tiêm vẫn có nguy cơ nhiễm nCoV.

Tổng hợp