Trang chủ Tin tức Tin trưa 29/6: 5 vị trí đất không được đăng ký hộ...

Tin trưa 29/6: 5 vị trí đất không được đăng ký hộ khẩu từ ngày 1/7; Nguy cơ thiếu điện, EVN phải mua thêm điện từ Lào

0
351
Ảnh tổng hợp.

5 vị trí đất không được đăng ký hộ khẩu từ ngày 1/7

VnExpress – Bạn mua nhà vào 5 khu vực được nêu trong Luật Cư trú 2020 (có hiệu lực từ 1/7) sẽ không được đăng ký thường trú, tạm trú nên cần lưu ý.

Đây là điểm mới trong Luật Cư trú 2020. Điều 23 quy định 5 địa điểm không được đăng ký thường trú mới, gồm: Chỗ nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, giao thông, thuỷ lợi, đê điều; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn chiếm trái phép hoặc xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, sử dụng nhưng chưa được giải quyết; chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ.

Việc tạm trú tại các địa điểm này cũng bị cấm.

Luật sư Nguyễn Thị Thuý cho biết, Luật Cư trú cũ không có quy định này. Người dân cần lưu ý để tránh mua nhà rơi vào các trường hợp nêu trên, nếu không sẽ không được làm thủ tục đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Nguy cơ thiếu điện, EVN phải mua thêm điện từ Lào

Baogiaothong – Trước nguy cơ thiếu điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ký hợp đồng mua bán điện với hàng loạt chủ đầu tư nhà máy thủy điện tại Lào.

Cụ thể, hợp đồng đã được ký giữa EVN với Tập đoàn Phongsubthavy /Phong-sắp-tha-vy/ về việc phát triển cụm Dự án Thuỷ điện Nậm Yeuang /Yang/, bao gồm các nhà máy thủy điện Nậm Mô 2, Nậm Tài, Nậm Sak, Nậm Sao, Nậm Chao với công suất 84 MW. Dự kiến bán điện về Việt Nam từ năm 2024- 2025.

Một hợp đồng mua điện khác, dự án nhiệt điện than Nậm Phan với công suất 300 MW của Tập đoàn Phongsubthavy cũng vừa được ký kết. Dự kiến bán điện về Việt Nam từ năm 2025.

Đồng thời, EVN cũng đã trao đổi hợp đồng mua bán điện với Công ty Kong Sup Hydro Development Nam Ni-ơn 1 và Nam Ni-ơn 3 về việc phát triển Dự án Thủy điện Nam Ni-ơn 1 với công suất 124 MW. Dự kiến bán điện về Việt Nam năm 2024 -2025.

Như vậy, tính đến năm 2025, EVN sẽ mua thêm 508 MW điện từ các dự án thủy điện và nhiệt điện của Lào.

TP.HCM bắt đầu tính toán thu gom rác theo giá thị trường

NLD – Sau thời gian lấn cấn thẩm quyền ban hành giá dịch vụ thu gom rác, UBND TP.HCM đã chính thức giao quyền cho cấp huyện tự quyết giá theo tình hình thực tế tại địa phương.

Để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, mới đây UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 09/2021 (gọi tắt là Quyết định 09) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt (rác) trên địa bàn TP. Trong đó, sửa đổi bổ sung về giá dịch vụ công tác thu gom tại nguồn, vận chuyển, xử lý rác so với Quyết định 12 ban hành ngày 17/5/2019.

Có 3 phương án để lựa chọn

Theo Quyết định 09, căn cứ tình hình thực tế, địa phương lựa chọn một trong các hình thức thu giá dịch vụ để tổ chức thực hiện.

Một là, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ do đơn vị mình thực hiện cung ứng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Hai là, UBND phường – xã – thị trấn tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ trên địa bàn quản lý cho các đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ba là, đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn có pháp nhân tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển trên địa bàn do đơn vị mình thực hiện cung ứng dịch vụ theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

“Đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn không có pháp nhân thì giao cho đơn vị đang cung ứng dịch vụ vận chuyển trên địa bàn cấp huyện tổ chức thu và chi trả giá dịch vụ thu gom tại nguồn và giá dịch vụ vận chuyển theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Ngoài ra, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện có thể đề xuất và chủ động triển khai các hình thức khác theo quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành” – quyết định 09 của UBND TP nêu rõ.

Theo UBND TP.HCM, giá dịch vụ thu là giá dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành để thu từ cá nhân, hộ gia đình, chủ nguồn thải nhằm tổ chức thực hiện cung ứng dịch vụ và bù đắp một phần cho ngân sách đã chi trả cho chi phí cung ứng dịch vụ vận chuyển, xử lý rác. UBND TP.HCM cũng cho biết, giá dịch vụ thu sẽ được điều chỉnh tăng định kỳ phù hợp với đặc điểm của TP.HCM để tiến đến giá dịch vụ thu được tính đúng tính đủ theo nguyên tắc thị trường – người gây ô nhiễm phải trả chi phí để thu gom, vận chuyển và xử lý khối lượng rác phát thải hoặc khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường, xóa bỏ bao cấp của nhà nước.

Quyết định này cũng sửa đổi, bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát, xử phạt, nghiệm thu và thanh toán cung ứng dịch vụ thu gom tại nguồn. Nếu quá trình cung ứng dịch vụ của chủ thu gom, vận chuyển rác không đúng thời gian, tần suất, không đạt yêu cầu về chất lượng vệ sinh như thỏa thuận trong hợp đồng thì cá nhân, hộ gia đình phản ánh cho tổ trưởng tổ dân phố tổng hợp, báo cáo UBND phường, xã, thị trấn kịp thời nhắc nhở chủ thu gom, vận chuyển rác (bằng văn bản hoặc biên bản họp) chấn chỉnh công tác này và xử lý vi phạm hợp đồng.

Trường hợp có trên 20% cá nhân, hộ gia đình trong tuyến thu gom phản ánh chủ thu gom, vận chuyển rác vi phạm hợp đồng cung ứng dịch vụ và UBND phường, xã, thị trấn đã nhắc nhở hơn 1 lần/tháng bằng văn bản hoặc biên bản họp thì UBND phường, xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến của tập thể các cá nhân, hộ gia đình mà chủ thu gom, vận chuyển rác này đang cung ứng dịch vụ để làm cơ sở thay đổi chủ thu gom, vận chuyển rác. Phương án chọn lựa sẽ theo ý kiến của đa số cá nhân, hộ gia đình.

Nhận định Quyết định 09 sẽ giúp các địa phương mạnh dạn ban hành giá thu gom rác trong thời gian tới, ông Đặng Hải Bình – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) quận 12 cho biết, chắc chắn khi giao về cho các địa phương thì giá thu gom rác mỗi nơi sẽ khác nhau vì cự ly vận chuyển, khối lượng thu gom của mỗi hộ gia đình là khác nhau, chưa kể có địa phương sử dụng xe cơ giới thu gom, địa phương khác lại thu gom thủ công…

Một cán bộ của Sở TN-MT TP khẳng định việc TP giao cho các địa phương ban hành giá thu gom rác là hợp lý vì chỉ có địa phương mới nắm rõ tình hình thực tế, từ đó căn cứ vào cự ly vận chuyển để tính toán giá vận chuyển. “Giá rác mỗi địa phương sẽ khác nhau nhưng trên nguyên tắc chung là chủ nguồn thải phải trả đúng, trả đủ số lượng chất thải phát sinh, tiến đến năm 2025, thu đủ chi phí thu gom, vận chuyển và đến năm 2050 bù đắp được 50% cho chi phí xử lý” – vị cán bộ phân tích.

Ông Phạm Văn Khanh, Phó Giám đốc Liên hiệp HTX Môi trường Đồng Tâm (với 7 HTX thành viên, chuyên thu gom rác dân lập tại quận 5, 10, 3), nói trong thời gian chờ TP điều chỉnh lộ trình giá dịch vụ, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt, trước đó một số địa phương đã ban hành giá thu gom với mức giá khác nhau như huyện Củ Chi là 35.000 đồng/hộ/tháng, quận 10 là 70.000 đồng/hộ/tháng… Những nơi có đơn giá thấp như huyện Củ Chi thì người thu gom rác phản ứng, nhiều người bỏ đường dây rác do thu không đủ bù chi, ngược lại địa phương có giá thu gom cao như quận 8, quận 10 thì người dân phản ứng do giá tăng đột biến. Nay Quyết định 09 đã hoàn toàn hóa giải điều này.

“Tuy nhiên, để tránh so bì cũng như để mọi người hiểu rõ mục đích của việc tăng giá thu gom, việc ban hành giá thu gom mới cần được các địa phương tiến hành đồng bộ, có tuyên truyền, giải thích để người dân nắm rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình” – ông Khanh đề xuất.

Hàng không dự tính mở lại bay quốc tế vào tháng 9, 10 năm nay

Nld – Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Giao thông Vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, năm 2020 là quãng thời gian đầy thách thức với ngành hàng không do dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, ngành hàng không thế giới ước tính giảm 60% lượng khách vận chuyển (tương ứng khoảng gần 2,9 tỉ lượt hành khách) với doanh thu thâm hụt 327 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất là 107 tỉ đô la Mỹ, chưa bằng 1/3 so với doanh thu năm 2019.

Với hàng không Việt Nam, lệnh hạn chế bay, giãn cách, cách ly xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đã khiến nhiều đường bay quốc tế phải dừng khai thác. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, số lượng khách quốc tế vào Việt Nam năm 2020 đạt 3,6 triệu người, tập trung chủ yếu vào 3 tháng đầu năm 2020. Về tổng thể, sản lượng vận chuyển hành khách năm 2020 giảm 54,1% so với năm 2019.

Bước qua năm 2021, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè (từ 30-4, 1-5), đặc biệt từ ngày 31-5 vừa qua, khi TP HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không đã sụt giảm nghiêm trọng. Sản lượng hàng ngày sụt giảm chỉ còn 20 – 30% so với giai đoạn tháng 3, 4 trước đó.

Cục Hàng không cho rằng các đánh giá, dự báo tình hình vận tải hàng không năm nay sẽ cải thiện so với năm ngoái, đặc biệt vào nửa cuối năm nay, khi việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Đồng thời, tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4 năm 2021.

Với những đánh giá này, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3 năm 2021, với sản lượng thông qua các sân bay của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách.

Tổng hợp