Trang chủ Tin tức Trưa 1/9: Nghỉ lễ 2/9 ‘ai ở đâu ở yên đó’; Phong...

Trưa 1/9: Nghỉ lễ 2/9 ‘ai ở đâu ở yên đó’; Phong tỏa hơn 155.000 dân vì chuỗi lây nhiễm ở đám tang

0
320
Ảnh minh hoạ: Thanh Niên.

Nghỉ lễ 2/9 ‘ai ở đâu ở yên đó’

Thanh Niên – Kỳ nghỉ lễ 2/9 năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thực hiện nghiêm giãn cách xã hội ‘ai ở đâu ở yên đó’, tuyệt đối không tập trung đông người.

Không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh (trừ các trường hợp cần thiết theo quy định). Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, từ ngày 28/6 đến sáng 1/9, tỉnh Bình Định ghi nhận 717 người mắc COVID-19, trong đó 449 người đã khỏi bệnh, 7 người tử vong, 261 người đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

Theo Người lao Động, hôm 31/8, Thủ tướng vừa có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, làm dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm, bùng phát như dịp nghỉ lễ 30/4.

Thủ tướng yêu cầu “ai ở đâu ở đó”, không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển, ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Phong tỏa huyện hơn 155.000 dân vì chuỗi lây nhiễm ở đám tang

VnExpress – Huyện Nga Sơn giãn cách xã hội 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ sáng1/9, sau khi ghi nhận chuỗi lây nhiễm tại một đám tang ở thị trấn.

Quyết định nâng cấp độ giãn cách toàn huyện Nga Sơn được ban hành sau chưa đầy 24 giờ áp dụng chỉ thị 15.

Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa giao cơ quan chức năng phong tỏa toàn bộ địa bàn huyện Nga Sơn; yêu cầu tất cả mọi người dân thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”; tuyệt đối không để người dân và các phương tiện di chuyển ra khỏi địa bàn…

Ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, cho hay ổ dịch tại đám tang ở tiểu khu Long Khang (thị trấn Nga Sơn) đến nay đã ghi nhận 11 ca dương tính với nCoV. “Tất cả trường hợp này đều tiếp xúc gần trong một lễ tang”, ông Dậu nói.

Hiện ngành y tế truy vết được 109 F1 và gần 700 F2 liên quan đến đám tang này; một số ca test nhanh dương tính song đang chờ xét nghiệm PCR khẳng định lại.

Trong số ca nghi nhiễm có hai người làm việc tại hai nhà máy sản xuất nhựa và đồ chơi trẻ em (đóng tại Khu công nghiệp làng nghề thị trấn Nga Sơn), khiến nhà chức trách tạm đóng cửa hai cơ sở này.

Đêm qua và rạng sáng nay, hàng nghìn công nhân và người dân thị trấn Nga Sơn đã được cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm tầm soát. “Mọi người xếp hàng ở nhà văn hoá các khu phố và trong nhà máy chờ xét nghiệm với tâm trạng lo lắng”, anh Văn, một người dân địa phương, nói.

Hôm 30/8, sau khi truy vết ổ dịch xuất hiện tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, cơ quan y tế huyện Nga Sơn ghi nhận ít nhất ba ca dương tính trên địa bàn.

Bệnh nhân đầu tiên là một phụ nữ 61 tuổi, ở tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn. Bà này trước đó từng chăm sóc chồng ốm tại khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, sau đó cùng chồng về nhà. Ngày 26/8, người chồng qua đời và gia đình tổ chức tang lễ tại nhà; có nhiều người là hàng xóm, thân nhân đến dự.

Nhu cầu rất lớn nhưng vì sao shipper ở TP.HCM vẫn ngại chốt đơn ‘đi chợ hộ’ vùng đỏ?

Theo ghị nhận của báo Tuoitre, ngày 31/8, các ứng dụng như Grab, BeGroup, Baemin và Ahamove đều bật tính năng giao hàng tại “vùng đỏ”, tài xế nhận cuốc xe trơn tru sau khi đáp ứng đủ điều kiện hoạt động.

Dù chưa có số liệu thống kê chính xác, đại diện các ứng dụng cho biết đến chiều 31-8 đã ghi nhận hàng ngàn đơn hàng giao thành công tại 8 quận, huyện “vùng đỏ” (thành phố Thủ Đức, quận 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn).

Tuy nhiên, theo ghi nhận, với dịch vụ “đi chợ hộ” có hãng vẫn khóa, song vẫn có hãng mở, khách truy cập đặt đơn.

Đến chiều 31/8, truy cập vào mục GrabMart của Grab, tại khu vực Bình Thành (thuộc vùng đỏ), ứng dụng này không hiện danh sách cửa hàng, khách không thể đặt được đơn hàng. Trong khi đó, dịch vụ “đi chợ hộ” của BeGroup vẫn hoạt động.

Theo đại diện một ứng dụng, các hãng đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương TP.HCM triển khai giao hàng ở “vùng đỏ”, còn dịch vụ “đi chợ hộ” đang được tính toán vì hiện nay vào siêu thị mua hàng là bộ đội và cán bộ của phường, do đó, các shipper chưa thể vào mua hàng theo đơn hàng của khách đặt trên app.

Các ứng dụng này mong muốn cơ quan chức năng xem xét có thể mở lại dịch vụ “đi chợ hộ” vì nhu cầu người dân đặt thực phẩm rau, củ, thịt… tăng cao.

Phó giám đốc CDC Hà Nội: Có thể giãn cách tiếp sau 6/9

VnExpress – Sau hơn một tháng áp dụng chỉ thị 16, thành phố Hà Nội vẫn còn 8 ổ dịch phức tạp và thời gian tới nhiều khả năng tiếp tục ghi nhận ca dương tính không rõ nguồn lây.

Sáng 1/9, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nhận định “điều đáng lo ngại” là nhiều ca dương tính được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt trong cộng đồng khai báo chậm, khiến việc truy vết gặp khó khăn.

“Với tình tình dịch như hiện nay rất có thể Hà Nội sẽ phải tiếp tục giãn cách xã hội sau ngày 6/9”, ông Tuấn nói và cho hay đây là ý kiến chuyên môn, không phải quyết định cuối cùng. Hiện lãnh đạo thành phố đang xem xét để lên phương án cụ thể.

Đại diện CDC cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là thành phố thực hiện triệt để các quy định về giãn cách xã hội. Việc kiểm soát giấy đi đường, thẻ đi chợ thời gian qua vẫn còn “nhiều lỗ hổng”. Ông dẫn chứng có trường hợp F0, sau khi điều tra, phát hiện ngày nào cũng cùng con gái đi chợ.

Hà Nội bắt đầu cách ly xã hội từ ngày 24/7 với ba đợt, trong đó đợt hiện nay dự kiến kết thúc vào 6/9. Tổng số ca Covid-19 tại Hà Nội từ đợt dịch thứ 4 đến nay là 3.298 ca.

Thị trường laptop sôi động và nỗi lo của người trong cuộc

Theo Vnexpress, trong tháng 8, có nhiều hệ thống, trong đó, hệ thống FPT Shop ghi nhận mức tăng trưởng 30% so với tháng 7 và 100% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng laptop. Riêng phân khúc 20 triệu đồng có mức tăng đột biến, tăng khoảng 200% so với năm 2020, đại diện FPT Shop cho biết người mua thường chọn thiết bị có cấu hình mạnh, camera độ phân giải cao, mỏng nhẹ, dễ di chuyển. .

Giải đáp lý do cho sự tăng trưởng mạnh của phân khúc laptop này, anh Lê Minh, một nhân viên tư vấn siêu thị điện máy cho biết, vì tình hình dịch bệnh đang phức tạp nên nhiều nhân viên, học sinh, sinh viên phải học và làm việc trực tuyến.

Anh Minh chia sẻ thêm “Nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho các mẫu máy tính tốt vì xác định việc học và làm việc từ xa là lâu dài. Do đó, họ quan tâm nhiều tới độ bền, thời gian bảo hành, cấu hình máy, thời lượng pin và chất lượng camera”.

Bên cạnh đó, thị trường máy tính cũ cũng không kém phần sôi động. Theo chủ một cửa hàng máy tính, điện thoại tại thành phố Vinh, các loại máy tính cũ đã được tân trang lại có giá thấp nhất tầm 5-6 triệu đồng rất đắt hàng.

Anh Giang Nam chủ hàng này cho biết: “Dù các loại máy này chỉ có chip và ram rất yếu, nhưng đối tượng khách hàng là phụ huynh học sinh hỏi mua rất nhiều.”

Từ phụ huynh đến giáo viên lo lắng 

Trao đổi với báo Thanh Niên, chị Ngô Thị Huynh (quận 1, Tp.HCM) có 2 con nhỏ chuẩn bị vào lớp 4 và lớp 7 cũng đã phải chi 28 triệu đồng để mua 2 chiếc máy tính xách tay.

Chị Huynh chia sẻ “Học bằng điện thoại thì con bị nhức mắt, hại mắt lắm. Hơn nữa dịch khả năng còn kéo dài, trước sau gì các con cũng phải có phương tiện để học tập, thôi thì bấm bụng mua luôn!”

Tuy nhiên, vì 2 con chị đều đang ở quê tránh dịch với bà ngoại, chị Huynh băn khoăn không biết không có bố mẹ bên cạnh hỗ trợ thì các con có học tập hiệu quả không, vì bà ngoại cũng lớn tuổi không rành về công nghệ.

Không chỉ các phụ huynh mà ngay cả giáo viên cũng cảm thấy lo lắng khi bắt nhịp với cách thức dạy học trực tuyến.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo một trường tiểu học ở quận 3 nêu ý kiến: “Học sinh tiểu học không có được ý thức học tập như học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 lại càng khó vì các em vẫn còn ham chơi, khó tập trung được lâu…. Nếu phụ huynh không đồng hành thì trẻ tiểu học không thể học từ xa…. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế là không phải phụ huynh nào cũng có thể dạy con học”.

Ông Lê Văn Bồng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi – cho hay: “Trường chúng tôi chỉ có 30% phụ huynh sắm được máy tính có nối mạng Internet cho con em học tập. Số còn lại thì học trên điện thoại di động nhưng màn hình điện thoại quá nhỏ nên hiệu quả học tập của học sinh cũng hạn chế. Như vậy vẫn còn đỡ, nhiều phụ huynh trường tôi còn không có điện thoại thông minh mà chỉ dùng điện thoại dạng “cục gạch”.

Tổng hợp