Thành phố chặt hàng chục nghìn cây để tiết kiệm nước

0
608

Nam Phi Thành phố Cape Town đốn hạ những cây không phải bản địa vì chúng tiêu thụ quá nhiều nước, khoảng 55 tỷ lít mỗi năm.

Những cây không phải bản địa sử dụng lượng nước tương đương mức tiêu thụ trong 2 - 3 tháng của thành phố.
Những cây không phải bản địa sử dụng lượng nước tương đương mức tiêu thụ trong 2 – 3 tháng của thành phố. Ảnh: BBC

Chặt cây để cứu thành phố khỏi hạn hán nghe giống như một kế hoạch không tưởng, nhưng đây chính là những gì mà Cape Town, Nam Phi, đang làm. Điều này diễn ra không lâu sau khi Cape Town trở thành thành phố toàn cầu (thành phố có tầm quan trọng lớn trong hệ thống kinh tế thế giới) đầu tiên gần cạn kiệt nước.

Ba năm trước, Cape Town tiến sát tới ngưỡng Ngày Không (Day Zero) – khoảnh khắc 4 triệu cư dân của nơi này không còn nước. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ một đợt hạn hán nghiêm trọng và xảy ra ngoài dự đoán, biến toàn bộ hồ trữ nước của địa phương thành hố cát.

Ngày nay, hàng chục đội nhóm trang bị cưa đang bảo vệ những hồ trữ nước này bằng một biện pháp khác thường – đốn hạ hàng chục nghìn cây mọc trên những ngọn núi xung quanh. Đây là một nỗ lực tham vọng và trái ngược với suy nghĩ truyền thống nhằm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

“Thông không phải cây bản địa của vùng này. Chúng sử dụng quá nhiều nước – nhiều hơn đáng kể so với thực vật bản địa. Chúng tôi cần sửa lại cơ sở hạ tầng xanh này”, Nkosinathi Nama, điều phối viên tại tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên (TNC), đại diện cho Quỹ Nước Greater Cape Town, giải thích trên BBC hôm 10/11.

Thông ban đầu được đưa tới để phục vụ cho ngành công nghiệp gỗ. Chúng nhanh chóng lan rộng trên các ngọn núi, lấn át hệ thực vật địa phương vốn sống khỏe và cần ít nước hơn nhiều. Thông và những thực vật ngoại lai khác, ví dụ bạch đàn, đang tiêu thụ khoảng 55 tỷ lít nước mỗi năm, tương đương với mức tiêu thụ nước trong 2 – 3 tháng của thành phố.

“Một trong những bài học từ Ngày Không là các lưu vực cần được cải tạo và phục hồi để trở nên bền vững”, Nama nói.

Đập Theewaterskloof, nguồn cung cấp nước uống chính cho Cape Town, khô cạn năm 2018
Đập Theewaterskloof, nguồn cung cấp nước uống chính cho Cape Town, khô cạn năm 2018. Ảnh: AFP

Dự án trên chỉ là một trong nhiều cách đối phó với khủng hoảng nước của Cape Town năm 2018. Ngoài bảo vệ và đa dạng hóa nguồn nước của thành phố, bao gồm khai thác các tầng ngậm nước dưới lòng đất và xây nhà máy khử muối cho nước, các chuyên gia cũng đang nghiên cứu phản ứng của con người trước mối đe dọa về Ngày Không.

“Chúng tôi đã đánh giá thấp khả năng thích nghi với khủng hoảng của người dân”, tiến sĩ Kevin Winter, chuyên gia môi trường tại Đại học Cape Town, cho biết.

Ông chỉ ra rằng mức tiêu thụ nước của thành phố đã giảm gần một nửa chỉ trong 3 tuần vào đầu năm 2018, từ khoảng 780 triệu lít mỗi ngày xuống chưa đầy 550 triệu lít, sau đó còn giảm thấp hơn. Đó là một kết quả ngoạn mục từ sự đồng lòng của người dân.

“Mọi người thực sự sợ hãi và điều đó đã mang lại hiệu quả như mong muốn”, Winter nhận xét.

Những năm sau đó, mức tiêu thụ nước ở Cape Town lại tăng lên. Có lẽ đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh điểm – 1,2 tỷ lít nước mỗi ngày vào năm 2014. Trải nghiệm phải tiết kiệm nước nếu không sẽ bị phạt tiền hoặc nhận các hình phạt khác rõ ràng đã để lại ấn tượng lâu dài với nhiều gia đình.

Một bài học khác là vai trò của nông nghiệp trong quản lý nước được đánh giá cao hơn. Ở Nam Phi, cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, khoảng 70% trữ lượng nước được dùng để tưới đất nông nghiệp. Xung quanh Cape Town, nông dân đã đồng ý ngừng sử dụng nước thành phố hoàn toàn trong vài tháng.

Cuộc khủng hoảng Ngày Không cũng nhấn mạnh tính chất ngày càng khó lường của thời tiết trong thời đại biến đổi khí hậu. Cuối năm 2018, Cape Town nhận được nhiều mưa hơn mức trung bình, nhưng lại không phải vào các mùa mưa như thông thường.

Tổng hợp