Hiện nay, mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu đạt 3,12m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 2,67m. Dự báo trong ngày 3 và 4-10, ở khu vực Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt và sạt lở.
Khuyến cáo người dân sống ở gần khu vực sạt lở, ven sông… cảnh giác
Trong những ngày tới, do ảnh hưởng của triều cường mực nước sông Cửu Long sẽ lên nhanh. Đến ngày 8-10, mực nước trên sông Tiền tại Tân Châu lên mức 3,7m (trên BĐ1: 0,2m), trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,3m (dưới BĐ2 0,2m), tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long lên mức BĐ3 và trên BĐ3…
Ngày 3-10, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 12-15 độ Vĩ Bắc, nên hiện nay ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to, như ở Mộc Hóa (Long An) mưa đến 124mm, ở Cà Mau mưa 60mm… Dự báo trong ngày 3 và 4-10, ở khu vực Nam bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và triều cường gây ngập lụt sâu ở khu vực TPHCM, TP Cần Thơ…
Thu hoạch mía chạy lũ
Nước lũ đang lên, cộng với mưa liên tục gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân ĐBSCL. Chiều 3-10, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh An Giang cho biết, nông dân trong tỉnh gieo sạ hơn 160.000 ha lúa thu đông, do mưa dầm đã khiến một số diện tích bị ngập và nông dân đang túc trực bơm rút nước ra ngoài. Cũng do mưa và nước lũ lên, nên mới đây đã xảy ra 3 điểm sạt lở đất ở rạch ông Chưởng (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), chiều dài ước khoảng 100m, ăn sâu vào đất liền 1m; người dân kịp thời di dời đến nơi an toàn, không bị ảnh hưởng.
Thời gian qua, An Giang là điểm nóng về tình hình sạt lở bờ sông, với khoảng 51 điểm đang sạt lở và nguy cơ sạt lở, có hàng chục ngàn hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện tại, đang vào giai đoạn lũ chính vụ, mưa dầm thường xuyên… do đó nguy cơ sạt lở rất cao. Ngành chức năng tỉnh An Giang khuyến cáo người dân sống ở gần khu vực sạt lở, ven sông… cảnh giác, đề phòng nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Phụng Hiệp là nơi thu hoạch mía sớm nhất ở ĐBSCL. Hiện nay nông dân đã thu hoạch được 700ha/7.500ha. Cái khó lúc này là mưa liên tục, cộng với nước lũ đổ về làm cho một số diện tích mía ngoài đê bao bị ngập. Ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương vận động người dân gia cố đê bao, bơm rút nước ra ngoài và khẩn trương thu hoạch, tránh bị ảnh hưởng…”.
NGUYỄN THANH