Việt Nam lần đầu có người tranh cử Tổng giám đốc UNESCO và vượt qua vòng 3

0
876

Ứng viên của Việt Nam tham gia tranh cử Tổng giám đốc UNESCO và đã xuất sắc vượt qua vòng 3.

Lần đầu tiên Việt Nam có người được giới thiệu ứng cử vào vị trí Tổng giám đốc tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc, đó là ông Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Ông Châu và 8 ứng viên khác trình bày kế hoạch tranh cử trong kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ 19/4 đến 4/5 tại Paris, Pháp.

UNESCO là Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc. Hoạt động tranh cử diễn ra khi bà Irina Bokova, Tổng giám đốc UNESCO, sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 năm nay.

Sau cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút chiều 27/4 tại Paris (Pháp), ông Phạm Sanh Châu thông báo đã lọt vào vòng 3 cho cuộc thi Tổng giám đốc UNESCO.

Trước đó, ngày 24/4, ông Phạm Sanh Châu cũng chia sẻ về quy trình thi như sau:

“Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO ông Michel Worbs đã họp với 9 ứng cử viên để thông báo qui trình và thứ tự trả lời phỏng vấn của từng người sau khi bốc thăm. Đây là lần đầu tiên 9 ứng cử viên trực tiếp gặp nhau”.

“Ứng viên Ai cập là người đầu tiên trả lời phỏng vấn vào ngày 26/4/2017. Ứng cử viên Việt Nam là người thứ 6 bước vào cuộc thi ngày 27/4/2017. Đại diện nhóm các nước Đông Âu là người đầu tiên đặt câu hỏi cho Việt Nam, tiếp theo là các nước thuộc nhóm Mỹ la tinh, Châu Á Thái bình dương, Châu Phi, Trung đông và Tây Âu”.

“Tất cả các câu hỏi đều được giữ kín. Mỗi ứng viên phải trả lời bằng tiếng Anh và tiếng Pháp và mỗi câu trả lời không được dài quá 5 phút. Cuộc phỏng vấn cho mỗi ứng viên kéo dài 90 phút được truyền trực tiếp qua website của Unesco cho tất cả cán bộ làm cho các văn phòng Unesco và 193 UBQG Unesco trên toàn thế giới theo dõi”.

Ông Phạm Sanh Châu, 55 tuổi, hiện là Đặc phái viên của Thủ tướng Việt Nam về các vấn đề UNESCO. Ông từng là đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2011 đến 2014. Trong giai đoạn 2006 – 2010, ông từng là Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao, kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Tổng giám đốc là người điều hành cao nhất của UNESCO, sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng và trung tâm thuộc UNESCO.

Cuộc bỏ phiếu kín bầu Tổng giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành đợt 1 vào tháng 10 tại Hội đồng chấp hành, đợt 2 vào tháng 11/2017, tại Đại hội đồng UNESCO. Tổng giám đốc UNESCO có nhiệm kỳ 4 năm.

Thanh Long/đkn