Với người Hy Lạp cổ đại, cơ thể người là tạo vật đẹp nhất mà thần linh đã ban tặng. Chẳng có gì là dung tục, đơn giản chỉ là nghệ thuật.
Mỗi người chúng ta có cảm nhận về vẻ đẹp theo những cách khác nhau. Nhưng với người Hy Lạp cổ đại, tạo vật đẹp nhất, huyền diệu nhất, chính là cơ thể con người.
Muôn vàn tác phẩm nghệ thuật của Hy Lạp cổ, từ hội họa đến điêu khắc, gần như mọi thứ đều được thể hiện sao cho phơi bày hết cái đẹp tự nhiên của con người. Cơ thể người với họ là một vẻ đẹp đỉnh cao, là thứ quý giá nhất được thần linh đã ban tặng.
Dưới đây là một câu chuyện thể hiện rõ nhất quan niệm về vẻ đẹp của người Hy Lạp. Câu chuyện về Phryne – một cô gái điếm nổi tiếng của thành cổ Athens, người đã vượt qua bản án tử hình chỉ bằng cách… khoe ngực. Chẳng ai dám giết cô, vì phá hủy đi một vẻ đẹp tuyệt trần – đó chẳng khác gì tội ác chống lại các vị thần.
Bức “Phryne” của José Frappa (1904).
Phryne – cô gái làng chơi đi vào nghệ thuật của Hy Lạp cổ
Trong các tài liệu cổ, Phryne sinh ra tại Thespian (Boeotia), nhưng dành phần lớn cuộc đời sinh sống tại Athens. Dù không rõ thời điểm chính xác, nhưng các nhà sử học tin rằng cô sinh sống vào giai đoạn năm 371 TCN, thời điểm người Thebes hạ gục Thespiae, đẩy người dân nơi đây đi tha phương cầu thực.
Tên thật của cô là Mnesarete, nhưng sau này mọi người gọi cô là Phryne vì nước da pha trộn sắc vàng. Phryne có nghĩa là con cóc, nhưng trái với sự xấu xí trong cái tên, cô có một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Chính vì thế, Phryne trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc, trong đó có cả Praxiteles – nhà điêu khắc tên tuổi vào thế kỷ thứ 4 TCN.
Praxiteles tặng tượng Cupid cho Phryne – tác phẩm của danh họa Angelica Kauffman (1794).
Thậm chí bức tượng Phryne của Praxiteles sau đó còn được thành phố Cnidus mua lại, nhờ vậy mà giúp thành phố này trả dứt nợ vì thu hút quá nhiều khách du lịch đến chiêm ngưỡng nó.
Vẻ đẹp của Phryne còn đi vào thi ca, được các học giả của Hy Lạp cổ ca ngợi. Athenaeus – một học giả nổi tiếng vào thế kỷ thứ 3 TCN từng nêu trong một văn thư cổ như sau:
Phryne là một phụ nữ tuyệt đẹp, nhưng lại cực kỳ kín đáo, và nó khiến vẻ đẹp ấy trở nên bí ẩn hơn. Không dễ để thấy nàng khỏa thân: nàng thường xuyên mặc áo choàng kín người và cũng chẳng bao giờ dùng nhà tắm công cộng.
Vẻ đẹp của nàng được Apelles sử dụng để vẽ thần Aphrodite và nhà điêu khắc Praxiteles, với tình yêu trọn vẹn dành cho nàng, đã lấy hình mẫu nàng tạc lên bức Aphrodite tại Cnidus.
Sự giàu có và quyền lực
Trong tài liệu của Athenaeus có đề cập rằng, với vẻ đẹp và sự tôn sùng của cánh đàn ông, Phryne trở thành người phụ nữ “tự kinh doanh” giàu có nhất Athens khi đó. Cô giàu đến mức sẵn sàng tài trợ cho chính quyền xây lại tường thành Thebes sau khi bị Alexander Đại Đế hủy hoại vào năm 336 TCN. Tuy nhiên, bức tường không bao giờ được xây, vì quan điểm của xã hội khi đó không muốn chấp nhận tiền của phụ nữ, đặc biệt là khi người phụ nữ ấy lại là một cô gái làng chơi.
Phryne quyến rũ Xenocrates (1794) bởi Angelica Kauffman.
Án tử và vẻ đẹp thoát tục đi vào lịch sử
Vẻ đẹp, tiền tài và những người tình nổi tiếng, nhưng thứ đưa tên tuổi của Phryne vào sử sách lại chính là một pha thoát án tử ngoạn mục.
Trong tài liệu của mình, Athenaeus có viết về vụ kết án này. Phryne bị đưa ra tòa, và người đứng ra biện hộ cho nàng là Hypereides – cũng là một trong những người tình của Phryne. Không rõ tại sao lại có phiên tòa này, nhưng nhiều nhà sử học cho rằng Phryne đã bị buộc tội bất kính.
Trên thực tế, câu chuyện này vẫn còn rất nhiều tranh cãi giữa các nhà sử học. Nhưng theo những gì được Athenaeus ghi lại thì để biện hộ cho Phryne, Hypereides đã làm một hành động không ai có thể ngờ tới: Đứng trước phiên tòa, anh giật chiếc áo choàng, phô bày bộ ngực được mô tả là “đẹp như có bàn tay của thánh thần tạo nên”.
Bức Phryne tại tòa án của Jean-Léon Gérôme (1861).
Hypereides cầu xin cho Phryne nhưng vô hiệu. Đứng trước mặt các thẩm phán, anh giật phăng áo choàng của nàng và dường như chẳng cần nói thêm điều gì khác.
Anh cầu xin sự thương xót của quan tòa trước vẻ đẹp ấy, đe dọa họ bằng những nỗi sợ vô hình, rằng đó sẽ là một tội ác nếu như hủy hoại “vị nữ tu của nữ thần Sắc đẹp Aphrodite”.
Nàng được trả tự do, còn bản án được viết như sau: “Không một bên nào nên kích động thêm, và không một ai có quyền quyết định về bản án này ở thời điểm hiện tại nữa”.
Ngoài ra, nó trở thành một biểu tượng của sự tự do với nhiều học giả, dù rằng nhiều người trong chúng ta phải đồng ý rằng các việc làm của Phryne trong quá khứ cũng không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức ở thời điểm hiện tại nữa.Phryne bước ra khỏi tòa, và chiến thắng của nàng trở thành một di sản, là nguồn cảm hứng vô hạn cho giới nghệ thuật. Có thể kể đến như danh họa người Pháp Jean-Léon Gérôme (1861), hay José Frappa (1904), nhà điêu khắc Alexandre Falguière (1948).