Trang chủ Đời sống Nguồn gốc bất ngờ của câu nói: ‘Một ngày chồng vợ trăm...

Nguồn gốc bất ngờ của câu nói: ‘Một ngày chồng vợ trăm ngày ân nghĩa’

0
1391
Tục ngữ có câu: “Nhất nhật phu thê bách nhật ân, bách nhật phu thê tự hải thâm” (Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa; trăm ngày vợ chồng tựa biển sâu), ý là một khi thiết lập quan hệ vợ chồng thì tình cảm sâu dày không nhạt phai. Vậy, câu tục ngữ này có nguồn gốc như thế nào và ám chỉ điều gì? 
“Một ngày chồng vợ trăm ngày ân nghĩa” bắt nguồn từ câu nói nhầm của cây cổ thụ?
Liên quan đến nguồn gốc của câu tục ngữ trên có hai cách giải thích. Cách nói thứ nhất bắt nguồn từ màn kịch thứ 3 của kịch bản “Cứu Phong Trần”, tạp kịch của Quan Hán Khanh thời nhà Nguyên. Trong đó có câu: “Có thể không trái với đạo lý ‘một ngày vợ chồng trăm ngày ân’. Vậy xin hãy bớt giận”. Câu chuyện kể về tên vô lại Chu Xá, sau khi lừa gạt nữ tử phong trần Tống Dẫn Chương, hắn lại tiến hành ngược đãi nàng. Chị em kết nghĩa của Tống Dẫn Chương là Triệu Phán Nhi thấy việc nghĩa liền làm luôn và cứu thoát nàng…

Cách nói thứ hai đến từ truyền thuyết dân gian kể về Đổng Vĩnh và Thất tiên nữ. Tương truyền, con gái thứ 7 của Ngọc Hoàng Đại Đế quyến luyến phàm trần, nảy sinh tình cảm với hiếu tử Đổng Vĩnh, vì vậy, cô đã nhờ cây hòe lâu năm làm mai mối gả nàng cho Đổng Vĩnh. Đổng Vĩnh nói: “Cây sao lại có thể mở miệng nói chuyện được?”. Thất tiên nữ nói: “Đại thụ không mở miệng, hai chúng ta chia tay, nếu đại thụ mở miệng, hôn nhân này là trời tác thành”.

Sau đó, hai người liền quỳ lạy trước cây đại thụ. Chứng kiến câu chuyện tình cảm động này mà cây hòe đại thụ đã mở miệng nói. Nhưng không ngờ, do xúc động quá mà cây hòe nói sai một từ, “Trăm năm hòa hợp” thành “trăm ngày hòa hợp”, khiến cho Đổng Vĩnh và Thất tiên nữ chỉ có vỏn vẹn trăm ngày duyên phận. Câu tục ngữ: “Một ngày chồng vợ, trăm ngày ân nghĩa” cũng bắt nguồn từ đây.

Đôi vợ chồng già coi trọng ân nghĩa

Câu tục ngữ “Một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa” muốn nhắn nhủ các cặp vợ chồng nên trân quý khoảng thời gian ở bên nhau. “Một ngày” là thể hiện cho thời gian ngắn ngủi, “trăm ngày” cũng không phải là ý tứ 100 ngày, mà là biểu thị dài lâu. Bởi vậy thời gian ở bên nhau trong bao lâu không phải là điều mấu chốt. Dù cho thời gian vợ chồng ngắn ngủi nhưng ân nghĩa lại sâu như biển. Điều người xưa muốn nhấn mạnh chính là “ân nghĩa”.

Người xưa giảng về mối quan hệ vợ chồng là tương kính như tân, ân ái chăm sóc. Trong ân ái thì chữ ân vẫn đứng trước, chữ ái đứng sau. Bởi vì, người xưa biết rõ ràng mệnh trời khó cưỡng, có thể thành vợ chồng ấy là duyên phận trời định, là Thượng Thiên thi ân, cũng là ơn huệ của cha mẹ. Hơn nữa có rất nhiều người là đời trước đã nhận ân tình của nhau, nên đời này nguyện làm vợ chồng để báo đáp. Giữa vợ chồng phần nhiều tồn tại ý cảm kích, nếu ân nghĩa là nền tảng, thì ái (yêu thương) cũng đã bao hàm cả lý tính, cho nên vợ chồng mới có thể chung sống vui vẻ đến đầu bạc răng long.

Nhìn chữ mà nói thì chữ “Ân” (恩) nghĩa là Ân, Huê, tạo thành từ chữ tâm (心) và chữ nhân (因). Trong nhân có khẩu (口) và đại (大), dùng khẩu mà mở rộng ý, vừa là chỗ dựa vừa là cậy nhờ. Chữ tâm nằm dưới cùng làm nền tảng nâng đỡ lẫn nhau, không xa rời, không bỏ quên nhau, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, không vì ngoại cảnh mà đổi thay hay bội bạc.

Yến Anh thủy chung với người vợ già

Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, tại nước Tề có một đại thần nổi tiếng tài ba, chính là Yến Anh. Tề Cảnh Công có một cô con gái nên rất yêu chiều nàng. Nhìn thấy tài năng của Yến Anh, Cảnh Công rất muốn gả con gái yêu cho vị danh tướng này. Vì vậy, một hôm, Tề Cảnh Công đến nhà Yến Anh làm khách, vua tôi thoải mái ăn uống nói chuyện.

Trong buổi tiệc, vợ của Yến Anh cũng đi ra đi vào phục vụ tiệc chiêu đãi khách. Nhìn thấy nàng, Cảnh Công bèn hỏi Yến Anh: “Người vừa rồi là vợ của khanh chăng?”.

Yến Anh không biết rõ nội tình bên trong bèn trả lời một cách thành thật: “Đúng vậy, nàng chính là vợ của hạ thần”.

Cảnh Công nghe xong thở dài nói: “Than ôi, sao lại già cả xấu xí thế này! Quả nhân có đứa con gái, vừa trẻ trung lại xinh đẹp, làm sao mới có thể gả được cho khanh làm thê tử?”.

Yến Anh nghe xong liền lập tức cung kính đứng dậy, rời khỏi bàn tiệc, thi lễ với Cảnh Công rồi nói: “Muôn tâu Hoàng thượng, vợ thần bây giờ tuy già cả và không xinh đẹp. Nhưng hạ thần và cô ấy đã chung sống cùng nhau rất lâu rồi. Người phụ nữ khi còn trẻ thành gia lập thất thì liền đem cuộc đời phó thác cho người chồng của cô ấy. Vợ của hạ thần lúc còn trẻ đã đem cuộc đời của mình gửi gắm cho hạ thần, không phân biệt địa vị của thần cao quý sang hèn cao thấp, hơn nữa hạ thần cũng đã tiếp nhận cô ấy. Hiện tại Hoàng Thượng muốn đem con gái gả cho hạ thần, quả là vinh hạnh lắm. Nhưng thân làm một người đàn ông, đứng giữa trời đất mà nhận phó thác của vợ hiền, làm sao có thể phản bội phó thác của nàng mà tiếp nhận người khác”.

Yến Anh thân ở địa vị cao mà không ruồng bỏ vợ già xấu xí. Đạo làm người của ông cùng phẩm đức cao quý thật đáng để người đời ngưỡng mộ.

Theo Epoch Times/San San biên dịch