Tìm… người nghèo trong tâm dịch Covid-19

0
579

Chuyện cứ tưởng như đùa nhưng có thật, bởi đang trong mùa dịch chỉ cần bước ra khỏi cửa là đã thấy người nghèo, làm gì phải đi tìm cho mất công. Thế nhưng, vẫn có những người không chỉ thủ để sống qua ngày mà còn muốn giúp đỡ các mảnh đời khó khăn hơn mình…

* CLB Doanh nhân Nam Định: Chung tay phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân vùng ngập mặn

* Video: Đại diện Nhôm Nam Sung – Hiệp hội Nhôm Việt Nam: Trao tặng máy nước nóng lạnh cho bệnh viện nhiệt đới phục vụ phòng chống dịch Covid-19

* Nestlé Việt Nam hỗ trợ 12 tỷ động trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19

Khi người khiếm thị không bị quên

Thường trong mùa dịch này cứ ở nhà, cơm nước ngày 3 bữa, xem phim lướt mạng, tán dóc cùng bạn bè khắp nơi trên thế giới đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Thế nhưng bỗng một ngày, một người bạn phương xa thỏ thẻ: “Anh ơi, dịch Corona đến ai cũng khổ, nhưng mình sáng mắt thì còn “quơ quào” sống tạm, chứ mấy người mù làm sao sống được đây. Có cách nào giúp họ không anh?”. Câu nói này làm tôi lạnh người vì… sướng. Bởi thời buổi này lo thủ để sống qua ngày đã khó, vậy mà vẫn có người tìm cách giúp người nghèo quả là hiếm.

Tìm danh sách, chọn lọc người nghèo khó khăn nhất? Với tôi chỉ vỏn vẹn 30 phút là xong. Nhưng đến tay “đội trưởng khiếm thị” Trần Bá Thiện, từng là Hiệp sĩ công nghệ của thập niên 90 thì phải mất 2 ngày trời, vì anh phải “mày mò” danh sách từ Lâm Đồng, Bình Dương, Vũng Tàu… từ các cơ sở massage mù mới có đủ 15 người, ưu tiên cho các bạn có con nhỏ đang trong giai đoạn… cần uống sữa.

Anh Đình Trụ, đại diện người khiếm thị Q.3 nhận 50 phần quà

Điện thoại qua anh Đình Trụ, chủ cơ sở massage khiếm thị Sen Vàng ở Bình Thạnh, TP.HCM, cũng phải mất 3 ngày anh mới lên danh sách xong 27 người mù có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi người chỉ được 1 triệu đồng, nhưng xem ra “cả nhóm” người cứ sôi động với những dòng tâm sự biểu lộ sự vui mừng, cảm ơn người giấu tên giúp đỡ, khiến anh Thiện, anh Trụ vui đến mấy ngày liền.

Tấm lòng vàng tiếp nối tấm lòng… thành

Bước sang tuần thứ 2 của lệnh cách ly xã hội, tiếng một bạn nữ trong điện thoại: “Anh ơi, nhóm bạn cùng với em sẽ phát 300 phần quà, để dành riêng cho anh 100 phần trị giá 200 ngàn anh đi phát cho bà con nghèo nhe…”. A-lê-hấp, chơi liền. Phải đi liền trong 3 ngày mới phát đủ 100 bao lì xì mỗi cái 200 ngàn đồng. Mới nghe qua cứ tưởng đùa… nhưng để phát chính xác cho người nghèo đang khổ thì có đi mới biết đường dài.

Người nghèo rất nhiều, nhưng đang khổ nhất thì không phải dễ kiếm. Xóm tôi được mệnh danh là cái xóm.. bô rác, tất nhiên người nghèo nhiều, nhưng so đi tính lại chỉ được 3 người nghèo thiệt! Một cụ trên 80 tuổi hiện không thấy đường vì mắt mờ, một cụ bà đã 83 tuổi vẫn đêm đêm đi quét rác kiếm vài đồng lương còm cõi chăm lo hai người con đang bệnh. Và người cuối cùng “được duyệt” là một chị ở tuổi 50 cũng đang lần mò trong đường hẻm vì đôi mắt đã mờ 2 năm nay, không có tiền… mổ.

Cô Hương đang kiểm tra danh sách người nhận quà

Điện thoại qua cô giáo Lan Hương, được xem là “cô giáo vàng” trong làng thiện nguyện, bởi cô thường dùng tiền lương của mình đi phát cho các cụ già, người tàn tật bán vé số… Biết cô có “lượng mối” người nghèo cơ nhỡ, nên nhờ cô đi phát giùm 50 phần. Chỉ vỏn vẹn buổi tối chuẩn bị, là sáng ngày mai đã có gần 30 người mù đợi sẵn trên đường Điện Biên Phủ để nhận quà. Tất cả đều đeo khẩu trang, đứng cách xa 2m theo tinh thần của lệnh cách ly. Chưa đầy 20 phút số tiền đã phát xong.

Trong số người này có em bé cụt cả hai chân, ngồi trên xe không nói một tiếng nào, hỏi ra mới biết: “Con không có mù nên hổng dám xin…”. Bên góc đường có 2 người phụ nữ đang tính nhẩm: “Hai đứa mỗi đứa 200 ngàn, tiền xe ôm mỗi đứa 80 chục ngàn vậy chia ra mình còn bao nhiêu ta?”. Hóa ra, nhà hai cô ở xa nên tiền xe ôm cũng tốn kém. Thế là phải móc hầu bao tặng thêm 100 ngàn đồng cho hai cô, gọi là ủng hộ lộ phí đường xa.

Hai người phụ nữ nghèo phải tốn kém tiền xe ôm để đến nhận quà

Rời nhóm người khiếm thị, đi theo cô Lan Hương vào từng con hẻm trên đường Cao Thắng. Đầu tiên cô gửI lì xì cho ông cụ cụt hai tay, đang lần mò từng bước đi mà tôi cứ ngỡ ngàng. Ông bảo: “Số tiền này tôi sống khoẻ cả tuần lễ rồi…”. Quẹo qua hẻm kế bên, thăm bà cụ trên 80 tuổi nằm bất động trên cái giường ọp ẹp cả năm nay. Anh con trai khoảng 50 tuổi bị cong cột sống không có tiền chữa trị nói gần như khóc: “Cảm ơn cô đã đến tận nhà em, được sự giúp đỡ thế này, em không biết nói lời cảm ơn nào cho đúng…”.

Cụ bà nằm liệt trong góc nhà

Sau đó, cô giáo lại đề nghị: “Giờ mình ra Bình Điền phát cho mấy em đi ăn xin từ Campuchia về Việt Nam nhe…”. Thế là lên đường, bất kể trời nắng. Vậy mà khi đến nơi cô điện thoại cho 3 người đại diện, tất cả đều ò í e… Cô nói: “Cái này là chưa đủ duyên, nên tìm người nghèo, tìm hoài vẫn chưa gặp!”. Thôi thì chạy về mà trong lòng cứ ấm ức vì cái “tội” không tìm thấy người người để tặng… lì xì.

Cái tâm người thiện nguyện

Sài Gòn trong những ngày đại dịch Corona, có quá nhiều tấm lòng vàng đã ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau để giúp bà con nghèo. Ca sĩ Thuỷ Tiên gây quỹ làm máy lọc nước cho bà con gặp hạn, nhóm MC Đại Nghĩa liên tục lên đường khắp mặt trận để đến tận các hộ gia đình nghèo. Hay nghệ sĩ Kim Ngân lãnh may hàng ngàn chiếc khẩu trang để phát cho người nghèo.

Dù không suôn sẻ trong thủ tục, quy trình sản xuất khiến nghệ sĩ Kim Ngân có lúc bị hiểu lầm may khẩu trang “lậu” nhưng cuối cùng, chị cùng bạn bè nghệ sĩ đã được “bay bổng” trong tinh thần thiện nguyện giúp bà con nghèo. Chị bảo: “Mình làm thiện nguyện, đôi lúc gặp khó khăn như một thử thách với mình, phải bình tĩnh vượt qua và cứ chung tay mà làm, trời cao luôn thấu lòng thành mà…”.

Thực phẩm chất đầy trong nhà khiến hàng xóm hiểu lầm anh Quốc Tuấn đầu cơ, tích trữ

Trường hợp của nhiếp ảnh gia Bùi Quốc Tuấn ở Đồng Nai cũng lắm trớ trêu. Anh bảo: “Vợ chồng tôi mở quán cơm chay 5 ngàn được 4 năm nay, những ngày rằm, mùng 1 đều miễn phí, nên việc làm thiện nguyện nó như cái máu đam mê, có hôm bệnh nằm một chỗ, nhưng tới ngày là vẫn cứ ráng dậy sớm từ 3 – 4 giờ để mua đồ ăn cho tươi, rồi cả gia đình, chồng vợ con cái xúm nhau hì hục nấu gần 20 món để bà con nghèo ăn ngon miệng.
Ngày dịch đến, nhiều mạnh thường quân đến ủng hộ tiền mua vài trăm phần quà đi phát cho người nghèo. Khổ nỗi, mấy người hàng xóm thấy tôi khệ nệ vác gạo, đường, dầu ăn, nước tương chất đầy nhà… cứ tưởng vợ chồng tôi đang đầu cơ tích trữ. Lời ra tiếng vào xì xầm nghe riết cũng phát bực”
.

Đến ngày phát quà, nội việc tính toán không tập trung đông người, phải có đầy đủ khẩu trang để tránh dịch, rồi lần mò từng con hẻm đến từng đường có người nghèo giữa đêm tối để phát phiếu nhận quà là cả một hành trình gian nan. Anh bảo: “Hạnh phúc nhất là thấy bà con nhận quà mà nụ cười nở trên môi”.

Có cụ già cứ lẩm bẩm suốt: “Cám ơn vợ chồng chú Tuấn, lúc nào cũng nhớ đến chúng tôi, nhờ những người như chú, chúng tôi không bị lạc lõng trên cõi đời này…”. Anh Tuấn bảo: “Tôi bị bệnh tim, nhiều lúc ráng quá nằm bất tỉnh luôn, nhưng cứ nghe được những lời như vậy, tự nhiên tỉnh hẳn người như chưa hề mệt”.

Phạm Lữ