Trang chủ Giáo dục Người đến tuổi trung niên, dù yêu thương con cái đến đâu...

Người đến tuổi trung niên, dù yêu thương con cái đến đâu cũng đừng nên giúp bốn việc này

0
221
Ảnh: Freepik.

Trong cuộc đời của mỗi người có nhiều đều đáng để chúng ta trân quý. Một trong những điều ấy chính là tình cảm gia đình. Giữa biển người mênh mang, ngàn vạn người lướt qua nhau, có được mấy người có thể quen biết, có được mấy người có thể hứa hẹn, có được mấy người có thể yêu thương mà kết duyên vợ chồng? “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, có sự hòa hợp của nhân duyên, mới có biết bao câu chuyện kiếp người.

Để có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc không phải là trách nhiệm của một người, cũng không phải tất cả mọi việc đều do cha mẹ làm. Khi trở về già, trọng tâm của gia đình cần dịch chuyển, làm cha mẹ hãy học cách “Khoanh tay đứng nhìn”. Bốn sự việc bận rộn sau đây cần có chừng mực, không nên làm.

1. Giúp con làm việc nhà, trở thành người giúp việc cho con

Không ít người mẹ dù đã về già cũng không được hưởng an nhàn do tất bật hỗ trợ con cái, từ việc nhà đến việc chăm sóc cháu. Khi cháu còn nhỏ là lo chăm chút miếng ăn, giấc ngủ, khi cháu đến tuổi đi học lại lo đưa đón cháu đi học, còn đi chợ, nấu ăn. Những trách nhiệm không tên được đặt lên vai người già vô tình thành gánh nặng cho họ. Trong khi đó, con vô tình coi đó là trách nhiệm của cha mẹ, thậm chí có thái độ phó mặc.

Có những người con biến mẹ thành những “Con quay”, cả năm cả tháng suốt ngày bận rộn trong bếp tới ngoài sân. Mỗi dịp lễ tết là lúc mọi người nghỉ ngơi thì mẹ lại càng bận rộn hơn.

Sau khi cha nghỉ hưu, cũng gia nhập đội ngũ này. Nào là giúp con trông cháu, đưa đón cháu đi học, mua đồ ăn… bận rộn tới không thể nghỉ ngơi.

Đừng quên, khi bước vào tuổi trung niên, cha mẹ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe thể chất, sau nhiều năm vật lộn kiếm tiền nuôi dạy con. Trách nhiệm nuôi dạy con cái là của cha mẹ, không phải của ông bà. Nếu ông bà có thể hỗ trợ, cũng chỉ ở mức độ vừa phải, phù hợp sức khỏe của họ. Dù ở chung hay ở riêng, cha mẹ và con nên có cuộc sống độc lập, chỉ giúp đỡ chứ không dựa dẫm quá nhiều vào nhau, gây ra sự mất chủ động trong cuộc sống.

2, Đưa ra các quyết định lớn liên quan đến cuộc sống của con

Người Trung Quốc có câu “50 không xây nhà, 60 không trồng cây, 70 không may áo”, ngụ ý nói con người nên ý thức được cái gì có thể làm được và không. Hay nói cách khác, cha mẹ khi ở tuổi già đừng nên gánh vác những chuyện quá sức mình. Nên để con cái, những người thuộc thế hệ trẻ, tự thân lập nghiệp.

Tôi có cô em họ, sau khi kết hôn không thể hòa hợp với chồng thường cãi nhau muốn ly hôn. Mẹ em họ tôi không khuyên can con cái, còn nói: “Không ở được thì thôi, về nhà với mẹ”.

Kết quả em họ tôi mang con về nhà khiến mâu thuẫn giữa hai vợ chồng càng lớn hơn, tiến thoái lưỡng nan.

Cha mẹ chỉ cần lo cho con cái học hành tới nơi tới chốn, còn lại, nên để con vận động và tự xây dựng cuộc sống của mình. Các vấn đề hôn nhân, lập nghiệp, an cư lạc nghiệp, cháu học hành, chọn nghề nghiệp, người già chỉ nên đưa ra ý kiến, không thể quyết định. Việc giao quyền quyết định cho con cái sẽ giúp chúng dễ quyết định hơn và con cái sẽ không bực bội vì bị áp đặt vào khuôn mẫu của bố mẹ. Như các chuyên gia tâm lý nói, buông tay mới là cách yêu đích thực.

3. Giúp con trả nợ nần

Hãy học cách giữ chặt tiền trong tay để tự có đường lui sau này. Chúng ta thường nghe câu: “Nợ của cha mẹ thì con cái phải trả”. Đều là người một nhà, tiền của con cũng là của cha mẹ và ngược lại. Cha mẹ thiếu nợ cái gì con cái cũng cần có trách nhiệm.

Vậy ngược lại, cha mẹ có nên gánh món nợ của con cái không? Theo các chuyên gia, cần phải rạch ròi giữa việc giúp đỡ và gánh vác. Khi con muốn phát triển sự nghiệp thì cha mẹ nên ủng hộ, tùy điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, nếu con làm việc xấu, nợ cờ bạc, cha mẹ nên dùng lý trí để “giúp cần câu, không giúp con cá”. Nếu vì con mà cha mẹ dốc mọi tài sản, của cải ra cứu con, họ sẽ mất chỗ dựa kinh tế ở tuổi già, trong khi đứa con mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của cha mẹ, từ đó hình thành thái độ dựa dẫm, thiếu trách nhiệm.

4. Giúp con che đậy lỗi lầm

Hãy để con chịu trách nhiệm về những sự việc sai sót của mình từ đó tự rút ra bài học giáo huấn. Trong quyển hai “Dụ thế minh ngôn” có câu chuyện rằng:

Xưa kia có một người tên Kim Hiếu, sống bằng nghề bán dầu. Ngày nọ, khi đi vệ sinh công cộng vô tình nhặt được một túi có chứa ba mươi lạng bạc. Cậu ta vô cùng vui mừng hớn hở mang túi bạc trở về nhà. Đối với cậu đây là số tiền lớn có thể cả đời không có được.

Sau khi mẹ cậu biết nói với con: “Giàu nghèo tất có số mệnh. Sợ rằng con có mệnh cầm được tiền nhưng không có số để tiêu tiền”.

Sau một hồi bị mẹ khuyên can, Kim Hiếu chủ động đi tìm người mất của và trả cho họ.

Cổ nhân giảng: “Thế sự phiên đằng tự chuyển luân, nhãn tiền hung cát vị vi chân” nghĩa là: Việc đời xoay tròn tự luân chuyển, hung cát trước mắt không phải là thật.

Không nhặt của rơi là một đức tính tốt, nhặt được tiền không trả người mất chính là mất đức. Là người làm cha làm mẹ, sao có thể thấy tiền liền mờ mắt, bao che “tâm tham lam” của con cái? Sao có thể giúp con hành ác?

Là người trưởng thành, đi qua gần một đời, cha mẹ là người hiểu rõ nhân quả thấu đáo hơn con cái. Do đó, đừng mù quáng bảo vệ những khuyết điểm của con, bao che cho sai phạm của con. Cha mẹ cần hiểu, nếu con chịu đứng lên sau khi vấp ngã, con sẽ mạnh mẽ hơn trong tương lai, thay vì luôn được nâng đỡ, bao che và mãi mãi không thể tự mình đứng dậy.

Đại bàng làm tổ trên vách đá, đại bàng non bay từ đó lên bầu trời để học cách sinh tồn. Để con đi qua khó khăn mới là cách để con trưởng thành, vững mạnh.

Khi bạn dần già đi, con cái cũng dần trưởng thành. Đôi cánh mà bạn tặng cho con, nên phải phát huy tác dụng, đừng nên mãi điều khiển, muốn con theo ý mình..

Có câu nói rất ý nghĩa trong một bài hát: “Mẹ chỉ có thể đưa con tới đây, chặng đường còn lại con phải tự đi, đừng nên quay đầu”.

Đi hết kiếp nhân sinh này, không ai có thể quay đầu nhìn lại, chỉ có thể thuận theo đó mà đi mới đúng.