CEO Huỳnh Bá Tước: Anh ‘Hai Lúa’

0
1585

Hóm hỉnh, thông minh, giỏi giang, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thử thách, không kiểu cách, không bằng đại học, luôn xem nhân viên của mình là cộng sự, là bạn đồng hành, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Nhìn vào cuộc sống của anh Huỳnh Bá Tước – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất thương mại thực phẩm MK ngày hôm nay, ít ai có thể biết rằng trong quá khứ, anh phải đối mặt với những biến cố, những cực nhọc như thế nào?. Thành quả ngày hôm nay anh gặt hái được xuất phát từ 2 bàn tay trắng làm nên. 

Huỳnh Bá Tước – Giám đốc công ty TNHH Sản xuất thương mại thực phẩm MK.

Hành trình khởi nghiệp gian nan của Anh “Hai lúa”

Anh Bá Tước cho biết: Anh chỉ học hết lớp 12, sau khi tốt nghiệp năm 2002, anh cùng cha mẹ khăn gói lên Sài Gòn. Kể từ đó đến nay, anh bôn ba chốn Sài thành ngót ngét hơn 16 năm. Ngày anh Bá Tước còn bé xíu, cả nhà ở dưới quê có cuộc sống tương đối đầy đủ. Cha anh là thợ cơ khí và làm máy xay xát lúa, mẹ buôn bán nhỏ ở chợ quê, thu nhập lúc bấy giờ gia đình ổn định so với các hộ dân trong xóm thời điểm đó. Dù mới học đến trung học cơ sở nhưng anh biết phụ cha mẹ làm việc trong nhà máy của gia đình để cha yên tâm đi công trình. Tưởng chừng cuộc sống của cậu bé Bá Tước ngày nào mãi yên ấm như vậy, đến năm anh Tước lên lớp 10, cha anh bất ngờ đổ bệnh và bị liệt nửa người, nhà máy không có người điều hành khiến gia đình rơi vào tình thế phá sản. Gia đình anh phải bán hết máy xay xát lúa, cả nhà dắt díu nhau lên Sài Gòn mong có thể thay đổi cuộc sống. Thế nhưng, cha anh bị bệnh nên không thể lao động nhiều, mẹ buôn bán ở chợ thu nhập cũng bấp bênh, bản thân anh không có việc làm ổn định nên chẳng thể phụ giúp gì, cuộc sống khó khăn chất chồng khó khăn.

Kể về khoảng thời gian cơ cực nhất, anh chia sẻ: Lúc mới lên Sài Gòn “lạ nước lạ cái”, may người chú họ cho ở nhờ và giới thiệu việc làm. Thời đó, tôi cũng biết sử dụng máy vi tính nên người chú xin vào chân thống kê xưởng may của một công ty. Trớ trêu thay, mới làm được mấy tháng, công ty giải thể, tôi lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Sau đó, tôi bôn ba đủ ngành nghề, từ công việc bốc vác ở chợ đầu mối, chạy xe ôm, đến buôn bán ngoài chợ, tôi đều làm hết không quản ngại khó khăn miễn sao công việc không trái pháp luật. Trong tất cả công việc tôi trải qua cực nhọc nhất là công việc bốc vác hải sản, bởi lẽ, tôi phải làm việc từ lúc nữa đêm đến khi trời sáng bửng mới được nghỉ, nhưng thu nhập không khá hơn là bao.

Nhiều lúc nản lắm, nhưng hiểu rõ bản thân trong tay không bằng cấp, không kinh nghiệm, tôi lại cố gắng vượt qua. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, anh Bá Tước nghiệm ra bản thân không phải là người không có ý chí tiến thủ, hơn nữa anh vốn có chút thông minh sáng tạo, chẳng lẽ cứ để bản thân mãi là kẻ làm thuê, ai gọi gì làm nấy như vậy mãi sao?. Ý nghĩ đó thôi thúc anh từ bỏ công việc bốc vác đầy nặng nhọc, thay vào đó anh bắt đầu tìm đến những công ty ở lĩnh vực kinh doanh xin việc làm.

Không lâu sau đó, cơ hội may mắn bắt đầu mỉm cười với anh Tước khi anh đảm nhận công việc là một thủ kho cho công ty. Nhờ sự chăm chỉ cùng con người hoạt bát, nhanh nhẹn, anh Huỳnh Bá Tước nhanh chóng chiếm được lòng tin của giám đốc, thậm chí anh còn được ban giám đốc tin tưởng giao cho nhiều việc quan trọng, giao luôn quyền quản lý công ty.

Bây giờ cuộc đời tôi qua trang mới, mỗi khi nhìn lại quá khứ, tôi đều cảm nhận được những nỗ lực của mình được đền đáp xứng đáng. Tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ, tư vấn nên lựa chọn cho mình hướng đi đúng đắn, bên cạnh lại luôn có những người thân yêu ủng hộ. Qủa thực, đến bây giờ, tôi vẫn đang lâng lâng cảm xúc hạnh phúc mỗi khi nhìn thấy những thành công nho nhỏ của bản thân”, anh Tước chia sẻ.

Vị giám đốc tâm huyết với sản phẩm nông nghiệp sạch

Trước khi đến với sản phẩm gạo lứt sấy, anh Bá Tước từng có một khoảng thời gian tìm hiểu và kinh doanh cà phê. Không chỉ học cách pha chế đơn thuần, chàng thanh niên năm đó đích thân đến những vùng đất xứ sở của cà phê như Lâm Đồng, Đak Lak để chọn ra nguyên liệu chất lượng nhất, mang hương vị cà phê nguyên chất phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, sau vài năm làm việc, thị trường cà phê xảy ra nhiều biến động, việc kinh doanh cà phê của anh Tước cũng gặp khó khăn nên anh tạm ngừng việc sản xuất cà phê. Cuộc sống cơm áo gạo tiền khiến chàng thanh niên phải luôn trăn trở, tìm cách mưu sinh để thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Năm 2014, anh Tước may mắn tìm thấy sản phẩm gạo lứt từ một người anh giới thiệu, anh rất thích và bắt đầu tiếp thị sản phẩm này. Công việc hằng ngày của anh là mang gạo lứt đến chào hàng các cửa hàng kinh doanh. Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm và “khách mối”, một tháng anh chỉ có vài đơn hàng, lắm khi thấy chán nản nhưng vì niềm đam mê với các sản phẩm nông nghiệp sạch và mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao để bảo vệ sức khỏe.

Suốt 3 năm làm việc và hiểu rõ về sản phẩm gạo lứt, anh Tước càng lúc càng ấp ủ ước mơ mở rộng thị trường kinh doanh đưa sản phẩm với công dụng tuyệt vời đến người tiêu dùng. Rất may mắn, thời điểm năm 2017, khách hàng dần biết nhiều về công dụng, tầm quan trọng của gạo lứt,… Nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, năm 2018 anh Bá Tước mạnh dạn đứng ra mở công ty riêng, chuyên về sản phẩm gạo lứt sấy. Vốn là người con của vùng sông nước miền Tây, anh Bá Tước chọn ngay cái tên “gạo lứt sấy Mê Kông” làm thương hiệu cho riêng mình.

Sản phẩm gạo lứt sấy – vị rong biển của công ty TNHH Sản xuất thương mại thực phẩm MK.

Theo anh Tước chia sẻ: Dù công ty mới đưa vào hoạt động nhưng sản phẩm gạo lứt sấy Mê Kông được người tiêu dùng đón nhận mỗi ngày một nhiều. Một phần nhờ vào lượng khách hàng anh gầy dựng mối quan hệ trước đó, phần còn lại là chất lượng sản phẩm đảm bảo vừa ngon miệng, vừa làm đẹp lại vừa bảo vệ sức khỏe. Với tình hình tích cực ấy, công ty của anh Tước tung ra thị trường gần 20 tấn gạo lứt mỗi tháng. Hiện nay, sản phẩm gạo lứt sấy Mê Kông được quảng bá và có mặt ở toàn quốc, thời gian sắp tới, anh Tước sẽ mang sản phẩm này “đi xuất ngoại”, cụ thể là Hàn Quốc.

Anh ‘Hai Lúa’ bước ra kinh doanh ‘tay ngang’ nhưng luôn gặp quý nhân phù trợ

“Thương trường là chiến trường”, câu nói này quả không sai với một người làm kinh doanh như anh Huỳnh Bá Tước. Khi sản phẩm được nhiều người đón nhận cũng là lúc anh phải đối mặt với rất nhiều sự cạnh tranh. Thậm chí, nhiều cơ sở, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ còn “bắt chước” sản phẩm từ cách đóng gói, bao bì đến cách chế biến, hương vị.

Việc thu mua gạo lứt gặp nhiều khó khăn khi các thương lái nước ngoài tràn vào, phá giá khiến bà con nông dân chạy theo. Chính vì thế, anh Tước đau đầu tìm cách giải quyết khâu thu mua nguyên liệu.“Gạo lứt được công ty thu mua ở các tỉnh miền Tây. Khó khăn lớn nhất thời điểm hiện tại làm cách nào để có “mối” thu mua ổn định với bà con. Công ty chỉ mới đưa vào hoạt động nên việc ký hợp đồng lâu dài với nhà cung cấp quả là điều cần cân nhắc kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các thương lái người nước ngoài thu mua với số lượng lớn, thậm chí đẩy giá cao lên khiến người dân đổ xô bán gạo cho họ. Trong khi đó, gạo lứt công ty sử dụng không thể dự trữ được, phải đưa vào chế biến ngay sau đó, nếu không sẽ bị ẩm mốc, hư hỏng”, anh Tước chia sẻ những khó khăn từ khâu thu mua cho đến làm thành sản phẩm gạo lứt. Là người bước ra làm kinh doanh “tay ngang”, điều khiến anh Tước cảm thấy tự hào và may mắn nhất đó chính là sự yêu thương giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của những bậc tiền bối đi trước, từng bước đi của anh luôn được người vợ tận tụy sát cánh và ủng hộ, khiến anh chưa bao giờ lung lay ý chí, chùn bước trước những khó khăn.

Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi gặp được nhiều quý nhân. Có những người gặp tôi lần đầu nhưng ngỏ ý giúp đỡ tôi trong việc tạo dựng thương hiệu, cầm tay chỉ việc cho tôi cách thức kinh doanh, cách thức bán hàng, thậm chí dành thời gian để suy nghĩ ra một logo đầy tâm huyết cho công ty. Quan trọng nhất là nhận được nhiều tình thương và sự giúp đỡ từ anh chị giám đốc công ty nơi tôi “bén duyên” với gạo lứt sấy, anh chị xem tôi như em út trong nhà và hết lòng nâng đỡ tôi trong cuộc sống lẫn công việc. Có lẽ, xuất phát điểm tôi là một anh nông dân, một “Hai Lúa” miền Tây chính hiệu nên nhiều người yêu thương và quý mến sự chất phác, thật thà ấy không ngại ngần giúp đỡ, anh Tước vui vẻ chia sẻ thêm.

Vị giám đốc luôn đặt chữ tín lên hàng đầu

Dù là giám đốc của một công ty nhưng với anh Bá Tước đó chỉ là một chức vụ để hợp thức hóa trên giấy tờ. Bản chất giản dị, không kiểu cách của anh “Hai Lúa” ngày nào mãi theo anh, vì thế, anh luôn xem nhân viên của mình là cộng sự, là bạn đồng hành, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Anh thường hay đùa với nhân viên của mình rằng, anh vừa kiêm giám đốc, vừa kiêm nhân viên, kiêm luôn cả shiper giao hàng. Thậm chí, khi khách hàng mua lẻ 5 gói 10 gói gạo lứt, nếu nhân viên bận, anh sẵn sàng chạy xe máy đến từng nhà giao hàng miễn phí shiper, coi như lấy công làm lời.

Đây là sản phẩm mới và đầy tâm huyết của tôi, tôi mới bắt đầu kinh doanh riêng nên việc nghe ngóng thị hiếu của khách hàng là điều vô cùng cần thiết. Tôi không quản ngại làm shiper giao vài gói gạo lứt nhỏ lẻ, bởi khi tận tai nghe khách hàng khen ngợi hay than phiền điều gì đó, sẽ giúp tôi định hướng được việc cải thiện sản phẩm ngày một tốt hơn. Còn cơ hội thực tế nào tốt hơn như vậy!. Qua một thời gian kinh doanh, tôi nhận ra rằng, bên cạnh chất lượng sản phẩm là điều ưu tiên số 1, niềm tin và uy tín là điều cực kỳ quan trọng trong kinh doanh. Bản thân phải có niềm tin ở sản phẩm của mình thì khách hàng mới đủ sức để tin tưởng mình. Anh Tước thẳng thắn chia sẻ.

Kiên trì với nghề, nắm bắt được tâm lý khách hàng, không ngừng học hỏi, sáng tạo, cùng những kinh nghiệm quý báu tích lũy suốt nhiều năm qua, Bá Tước cho biết, anh tự tin với sự lựa chọn của chính mình, khi quyết định khởi nghiệp không cần tấm bằng đại học.

Yến Nguyễn