Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng: Cánh chim không mỏi cho sự phát triển Việt Nam

0
11833

50 năm dấn thân nơi “đất khách quê người” trên đất nước “Mặt trời mọc” học tập, tìm hiểu  trải nghiệm và tham khảo những bài học hay từ nền kinh tế Nhật Bản và trở về chung sức đóng góp xây dựng quê hương. Doanh nhân Việt kiều Nguyễn Trí Dũng là cầu nối cho rất nhiều chương trình đầu tư, xúc tiến, tìm hiểu thị trường của doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản trong nhiều năm qua, thúc đẩy quá trình đổi mới hội nhập của Việt Nam.

 Doanh nhân Việt kiều – Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng

Ông sinh năm 1948 tại Sài Gòn, tốt nghiệp Đại học Hitotsubashi ngành quản lý công học Ban Phó tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Tsukuba ngành kế lượng kế hoạch Ban tiến sĩ. Cuối năm 1975, ông là một trong số rất ít Việt kiều đầu tiên được Chính phủ Việt Nam mời về thăm quê hương, tìm giải pháp giúp đất nước vượt qua khó khăn. Ông cũng từng là chuyên viên phát triển kinh tế của Liên Hiệp Quốc UNCRD, người mở trường tư thục đầu tiên năm 1988 chuyên đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh thương mại tại Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều, Chủ tịch Javinet chương trình hợp tác Việt – Nhật.

Công ty TNHH Minh Trân – Trường Doanh Thương Trí Dũng

TS Nguyễn Trí Dũng – người khởi xướng chương trình mang tên “Giấc mơ Việt Nam” từ những năm 1990 cho rằng cùng với những yếu tố cần được chú trọng là nguồn nhân lực, vốn và thông tin, doanh nghiệp Việt Nam muốn xứng tầm và đuổi kịp các nước trên thế giới thì phải góp phần xây dựng tư duy phát triển bền vững Việt Nam vươn lên vượt trội bằng văn hóa, tâm hồn Việt với phương châm “kỹ Tây, hồn Việt”.

Đưa ra ý tưởng về định hướng xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tại vườn Minh Trân hơn 20 năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng xây dựng “Giấc mơ Việt Nam” với các hoạt động kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tâm huyết phát triển Kinh tế, Văn hóa, Xã hội đồng thời thảo luận góp phần đưa ra giải pháp phát triển đất nước Việt Nam xứng tầm với Quốc tế.

Ông Nguyễn Trí Dũng cho biết: “Càng sống ở Nhật tôi càng hiểu sâu sắc nền tảng của những phát triển thần kỳ ở đất nước này, chính là sự đóng góp tập thể từ những con người bình thường nhất, rất trật tự, rất trách nhiệm, rất cầu tiến, chịu khó học hỏi và có ý thức cộng đồng rất cao. Mọi người an tâm và hãnh diện đóng góp xây dựng đất nước. Thực tiễn phát triển định nghĩa mọi lý luận chứ không thể ngược lại. Tôi không tin rằng đất nước Việt Nam chúng ta không thể sánh vai cùng Nhật Bản như nhiều bạn trẻ suy nghĩ. Vấn đề là chúng ta có thực sự quyết tâm bắt tay xây dựng phát triển Việt Nam hay không”. Tất cả phải “Vì Việt Nam đoàn kết lại”.

Đi du học Nhật Bản từ năm 1967, Việt kiều Nguyễn Trí Dũng khẳng định, đối với các du học sinh Việt Nam trên khắp thế giới, câu hỏi “Ở hay về?” không quan trọng bằng việc mỗi người suy nghĩ cách nào đóng góp hiệu quả nhất cho quê hương dù ở trong hay ngoài nước.

Hơn 16 năm làm việc với Liên Hiệp Quốc, ông Dũng nhận ra rằng dù ở nước ngoài có đóng góp cho cơ quan quốc tế lớn như thế đi nữa nhưng vẫn thiếu niềm hãnh diện là được đóng góp cho Tổ quốc. Chính suy nghĩ đó từ cuối những năm 1980 ông đã cho ra đời Trường Doanh thương Trí Dũng (trường tư thục đầu tiên đào tạo thực vụ về kinh tế thương mại tại Việt Nam). Hiện nay, ông Dũng là Chủ tịch NICD. Mạng hợp tác quốc tế phát triển với hy vọng có thể giúp đỡ quê hương, trong đó có việc thu hút các nhà khoa học quốc tế tới Việt Nam.

Ông Dũng khẳng định: “Chính quê hương này là nơi tôi sinh ra đã tạo điều kiện cho tôi thành người Việt. Tôi bắt tay cố gắng làm lan tỏa những gì tốt đẹp nhất, dù nhỏ hay lớn để xây dựng hình ảnh một Việt Nam tốt đẹp hơn. Với tôi, “không trách bóng tối, tự tay thắp sáng lối đi cho mình” là kim chỉ nam cho hơn 42 năm qua trở về quê hương đóng góp phần mình vào sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Tôi chỉ muốn trong cuộc sống, tôi được hãnh diện vì mình là người Việt”.

Bỏ đi hết để tìm giấc mơ Việt

Vợ người Nhật, 02 cô con gái vẫn ở Nhật cùng mẹ. Hơn 50 năm thế giới riêng của TS Nguyễn Trí Dũng liên quan đến nước Nhật ấy là nơi đi về chỉ khi ông gói xong bộn bề công việc ở Việt Nam. Những công việc, dự án dài dằng dặc, chỉ có thể gói gọn trong bốn chữ: “Giấc mơ Việt Nam”.

Gia đình Doanh nhân – Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng

Đã 12 năm kể từ ngày TS Nguyễn Trí Dũng nhận giải thưởng Vinh danh nước Việt do VietNamNet sáng lập và tổ chức nhằm tôn vinh những người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều thành tích trong sự nghiệp và nhiều đóng góp cho đất nước. Vẻ điềm đạm, nhẹ nhàng, tinh tế, sắc sảo và cực kỳ nghiêm túc – doanh nhân Việt kiều này vẫn luôn là điểm níu giữ sự chân thành của bất kể ai khó tính nhất khi đối diện.

“Giấc mơ Việt Nam”

Là quốc gia phát triển đi sau, để ứng dụng cái “kỹ Tây” đó trở thành của mình thì phải mang dấu ấn “hồn ta”. Và trong mọi kiến nghị cho sự phát triển khoa học công nghệ hiện đại của Việt Nam, ông đều nhấn mạnh yếu tố phải xuất phát từ truyền thống dân tộc. Tất cả những điều trên khi phát biểu tại hội nghị người Việt Nam toàn thế giới năm 2016, ông đều gắn với một dự án lớn nhất của cuộc đời, được ông đặt tên là “Giấc mơ Việt Nam”. “Hầu hết đều hỏi “Giấc mơ Việt Nam” có ý nghĩa gì? Tôi thiết nghĩ ngày còn chiến tranh, không có ước mơ nào lớn hơn ước mơ về một đất nước hòa bình, chấm dứt mọi đau thương của chiến tranh. Và sau chiến tranh chỉ có ước mơ vuợt khỏi đói nghèo để vươn tới cuộc sống tươm tất đàng hoàng.

Chắc không ít người Việt dù trong hoàn cảnh nào, dù không nói ra nhưng cũng đều nhen nhóm ước mơ về một đất nước Việt Nam không thua kém, biết tham khảo kinh nghiệm nhân loại để phát triển nhưng vẫn gìn giữ truyền thống bản sắc dân tộc, ước mơ về một thế hệ trẻ thanh niên có ý chí phấn đấu xây dựng quê hương với bản lãnh khoa học kỹ thuật vững chắc” – TS Dũng chia sẻ.

25 năm qua có những điều trong “Giấc mơ Việt Nam” đã trở thành hiện thực. Đi qua những khó khăn, gian nan, đến nay, ông đã có thể đong đếm thành quả nhất định. Nhưng vẫn còn đó những trăn trở. “Nhìn lại hơn 40 năm qua, ngay sau khi chiến tranh kết thúc một thế hệ Việt kiều đã âm thầm lặng lẽ đóng góp, chấp nhận những mất mát cá nhân. Chúng ta không thể xây dựng đất nước chỉ bằng tiền bạc, mà phải bằng trí tuệ con người Việt Nam”. Đó là phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng khi nói về mong muốn của ông khi xuất bản cuốn sách “Biến giấc mơ thành sức mạnh đi tới”. Đây là tự truyện của Honda Soichiro, do chính Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng dịch thuật và xuất bản 10.000 bản tại Việt Nam. Hơn 20 năm qua, ông khởi xướng chương trình “Giấc mơ Việt Nam” vận động thanh niên thế hệ trẻ đóng góp cho sự phát triển bền vững Việt Nam bằng chính giấc mơ và những cống hiến của chính mình, với mong muốn đánh thức giấc mơ của những bạn trẻ Việt Nam qua câu chuyện rất thực về người được coi là ông thánh kinh doanh của Nhật Bản, đi từ nghèo khó tới thành công.

Doanh nhân – Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng ký tặng sách Honda Đại học Kinh tế Huế

Trí thức nặng lòng với quê hương

Không chỉ là một nhà khoa học giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, một doanh nhân, ông còn được biết đến bởi những tâm huyết dành cho quê hương Việt Nam.

Trong giai đoạn khó khăn sau chiến tranh Ông đã vận động nhân dân Nhật bản trên toàn quốc gửi tặng Việt Nam hàng nghìn máy may thông qua Hội Phụ nữ Việt Nam ở nhiều tỉnh thành và hàng trăm xe đẩy cho các bệnh viện và những gia đình liệt sĩ ở cả hai miền Bắc – Nam.

Nhân dân Nhật Bản tặng hàng nghìn máy may cho Phụ nữ Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng còn tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Thành phố Việt Nam và các thành phố khác trên thế giới, đặc biệt mối quan hệ giữa TP. Hồ Chí Minh và các thành phố của Nhật Bản như: Tokyo, Yokohama, Kawasaki, Nagoya, Kobe, Hiroshima, Sendai,…

Không chỉ dừng lại ở sự ủng hộ về vật chất, ông còn tìm cách đóng góp khả năng và chất xám của mình cho quê hương, với mong muốn Việt Nam phát triển đi lên tiến kịp với các nước trên thế giới.

 Vườn Minh Trân đậm chất hồn Việt

Là người từng sống xa quê hương, hiểu thế nào là sức mạnh văn hóa khi trở về, một trong những việc đầu tiên ông Dũng làm là xây dựng một khu vườn – nơi được ông đặt tên là “Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam” ra sức vun vén, chăm chút với tất cả niềm say mê của mình. Ông biến vườn Minh Trân thành một làng quê Việt Nam thanh bình, yên ả thu nhỏ với không gian đậm màu hoài cổ và dân giã, nhưng được trang bị công nghệ hiện đại làm việc, giao lưu đón tiếp đối tác nước ngoài liên kết chuyển giao văn hóa, công nghệ.

Có dịp đặt chân đến khu vườn, du khách như được lạc bước vào không gian xanh rộng lớn, phong cảnh hữu tình đầy màu sắc, thấm đẫm hồn Việt. Rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, từ bàn gỗ, giường tre, đến gốm sứ Bát Tràng… như dẫn khách trở về làng quê truyền thống Việt.

Một góc vườn Minh Trân

Khu vườn không chỉ là không gian riêng mang dáng dấp và cái hồn của chủ nhân với mục đích  lưu giữ, phát huy truyền thống, văn hóa, cội nguồn gốc Việt, ông chia sẻ: “Tôi cũng đã có phần “tô đậm lên” khi đặt tên khu vườn Minh Trân là Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam. May mắn là được sống và làm việc tại Nhật Bản trong thời gian dài, nhưng tôi tự hào mình là người Việt Nam và bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm nhịp cầu văn hóa giữa hai nước”.

Một góc vườn Minh Trân

Nhiều năm qua, điều ông Dũng tâm huyết nhất làm cầu nối văn hóa Việt – Nhật dưới nhiều hình thức. Những trải nghiệm khi sống ở nước bạn, những bài học quý báu về “tinh thần Nhật Bản” được ông sẵn lòng chia sẻ với mọi người để gửi đi thông điệp rằng đằng sau thành tựu thần kỳ về kinh tế của nước bạn là sức mạnh sâu sắc về văn hóa.

Với thiết kế vườn làng quê Việt nhưng được khéo léo đan cài, áp dụng công nghệ tiên tiến Nhật Bản nhằm tạo điểm nhấn, với thông điệp “bám vào truyền thống, tiến vào hiện đại”.

Vì vậy, người Việt chúng ta cũng rất cần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc – thứ tài sản tạo nên sức mạnh đặc biệt để vươn tới mọi thành công. Ngoài những trải nghiệm truyền thống, du khách nhí cũng khá thích thú với khu vui chơi sáng tạo với rất nhiều đồ chơi được chính chủ nhân công phu sưu tầm và được bạn bè trong và ngoài nước đóng góp, như: mô hình thành phố thu nhỏ, nhiều đồ chơi mang tính khoa học vui lạ…được các em thiếu nhi thích thú như lạc vào thế giới tuổi thơ.

Vườn Minh Trân còn là nơi để thực khách tìm về các món ăn thuần Việt khá ngon miệng, bài trí đẹp mắt, và tinh tế. Những người bạn tri kỷ của chủ nhân khu vườn này mỗi lần đến đây như được dịp quay trở về miền quê ngọt ngào kỷ niệm với không gian, kiến trúc bày trí thật xinh đẹp, giàu ý nghĩa, mang đậm hồn quê Việt khiến các thế hệ cả già lẫn trẻ đều yêu mến”.

Theo Ông: “Vườn Minh Trân là nơi giao lưu kết nối văn hóa, kinh tế, khoa học, công nghệ giữa hai dân tộc Việt –  Nhật và là mái nhà rộng cửa đón tiếp trí thức chuyên gia trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài cùng nhau góp sức đoàn kết xây dựng giấc mơ Việt Nam thành hiện thực tốt đẹp”.

Giao lưu chuyên gia cấp cao tập đoàn NEC (Nhật Bản)

Có thể ví vườn Minh Trân là một mảnh đất ươm mầm cho những ý tưởng sáng tạo, những giấc mơ mang tên Việt Nam. Trên hành trình kiến tạo giấc mơ ấy, chủ nhân khu vườn cần mẫn góp nhặt tinh hoa từ khắp nơi để làm phong phú thêm cho không gian thuần Việt mà ông vun đắp.

Vudiep