Thương ca tiếng Việt: Bức tranh trác tuyệt được vẽ bằng thanh âm Việt bởi cộng hưởng Trò – Thầy

0
1579

Chương trình nghệ thuật “Thương ca tiếng Việt” là chương trình thứ hai của lớp Đại học Quản lý văn hóa 11.3 chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật (Khoa Quản lý văn hóa nghệ thuật) vinh dự được Đài truyền hình TP.HCM, kênh HTVC Thuần Việt tài trợ phát sóng toàn bộ chương trình vào lúc 16g30 mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch Canh Tý.

PGS.TS Nguyễn Thế Dũng hiệu trưởng Đại học Văn hóa, PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng nguyên Phó hiệu Trưởng chụp hình lưu niệm cùng các nghệ sĩ và diễn viên.

Trước đó chương trình thi kết thúc học phần “nghệ thuật diễn xuất” của tập thể Lớp cũng đã được thu hình phát sóng lại nhiều lần trên truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đặc biệt “Thương ca tiếng Việt” chỉ là một chương trình thi kết thúc của 3 học phần “Đạo diễn chương trình văn hóa nghệ thuật”, “Tổ chức biểu diễn”, “Thiết kế mỹ thuật” của một lớp học nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn, truyền thông và khán giả bởi chất lượng nghệ thuật và tính học thuật của nó đã được đạt đến một “chuẩn mực” nhất định. Với tôi, đây là bức tranh trác tuyệt được vẽ bằng “thanh âm Việt” và bởi cộng hưởng tuyệt vời giữa Trò và Thầy Khoa Quản lý văn hóa, nghệ thuật, với việc đào tạo theo định hướng ứng dụng của Trường.

Sinh viên Tặng hoa cám ơn 2 cố vấn giảng dạy; Tiến Sĩ Trịnh Đăng Khoa và Đạo diễn Hoàng Duẩn.

Trí tuệ và sản phẩm của Trò

Không phải ngẫu nhiên mà khi đêm diễn kết thúc khán giả mới “vỡ òa” bởi những cảm xúc lần đầu tiên được đón xem một chương trình nghệ thuật do chính sự sáng tạo của các sinh viên lại có thể vẽ nên những đường nét độc đáo, chắc lọc về sự ra đời và phát triển của chữ Việt và tiếng nói Việt qua các giai đoạn lịch sử của đất nước, cũng như việc giữ gìn, phát huy tiếng nói và chữ viết Việt được đặt ra cho giới trẻ như thế nào trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Tiểu phẩm kịch nói.

Hai tháng trước đó, chính các sinh viên đã phải tranh luận nẩy lửa với nhau về ý tưởng, chủ đề của chương trình, khi có chủ đề thì cuộc “chiến đấu” là cách bố cục các chương, phần, các tiết mục, các thể loại, hình thức, thể tài…các thủ pháp được tính cho từng tiết mục. Không chỉ trong nội dung biểu diễn trong hình thức tổ chức, thiết kế mỹ thuật, concept chương trình, huy động tài trợ, tổ chức khán giả… cũng do chính các sinh viên đảm nhiệm. Ấy thế từ những tiết học lý thuyết tưởng chừng như quá quen thuộc đến việc tổ chức dàn dựng một chương trình trên sân khấu (với số lượng tin chỉ được học khá khiêm tốn) là điều không đơn giản một chút nào.

Sinh viên tặng hoa cám ơn các nhà tài trợ.

Đêm diễn bắt đầu, bằng hình thức kịch nói mạch chương trình bắt đầu được lấy từ bối cảnh TP.HCM nơi hội tụ văn hóa của cả nước câu chuyện được tái hiện và bằng các ngôn ngữ nghệ thuật của Múa, Sân khấu hóa, Thanh nhạc, …(những loại hình các sinh viên đã được học tập trước đó),… Bản hùng ca của thanh-âm Việt được ra đời, dẫn dắt khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Xúc cảm lớn nhất có lẽ là khi người xem, nhất là khán giả trẻ “ngộ” ra rằng chữ Việt, tiếng Việt chính là văn hóa, là cội nguồn, quốc hồn quốc túy của dân tộc, là chủ quyền của đất nước. Đó là khi thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật người xem lại thấy chữ viết-tiếng nói Việt lại liên quan chặt chẽ đến chuyện tình Trọng Thủy-Mỵ Châu, là cọc Bạch Đằng của Ngô Quyền chống quân Nam Hán, là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước,… Đó là khi màn hình hiện lên các lớp học chữ Việt, tiếng Việt ngày nay vẫn đang được các thế hệ người Việt và bạn bè quốc tế quảng bá, gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ người Việt khắp nơi trên thế giới.

Không liên quan đến “ồn ào” như việc hiện nay có nơi đang “xét lại” việc ai là người đem chữ quốc ngữ về Việt Nam, có nên đặt tên đường hay không…, các em sinh viên đang làm được một việc ý nghĩa: cho dù thế nào, điều ý nghĩa nhất là các thế hệ người Việt hay chung tay gìn giữ và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Bởi đó chính là trí tuệ, là tâm hồn trong mỗi con người nước Việt, đây là một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ, nhất là của sinh viên ngành văn hóa hiện nay nói chung và sinh viên Đại học văn hóa TP.HCM nói riêng.

Đóng góp và mong ước của Thầy

Trước khi đêm diễn bắt đầu chính thức, đại diện sinh viên đã tặng hoa cám ơn những thầy cô là giảng viên hướng dẫn các học phần được tích hợp trong một buổi thi đặc biệt này. Một nghĩa cử quen thuộc của sinh viên Khoa quản lý văn hóa, nghệ thuật nhưng lần này thật đặc biệt bởi không chỉ khán khòng chật kín người xem còn là sự xuất hiện của thầy Hiệu trưởng, của các thầy cô và nhất là các cơ quan truyền thông bên ngoài. Sự quan tâm này với một lớp học quả là đặc biệt bởi đây được xem là một trong những buổi thi kết thúc học phần ở đó thể hiện rõ nhất việc “đào tạo theo định hướng ứng dụng” của nhà trường.

Để có được đêm thi thật nhiều ấn tượng và cảm xúc này, 3 tháng qua luôn đồng hành bên các sinh viên đó là sự âm thầm sát cánh, định hướng, đóng góp, gợi ý, động viên của 3 giảng viên: TS-đạo diễn Trịnh Đăng Khoa, ThS-đạo diễn Hoàng Duẩn, Ths Nguyễn Nam Ninh. Việc thay đổi tên chương trình cho phù hợp với nhu cầu thực tế người xem, việc thay đổi bố cục vào thời gian nước rút để cho chương trình chặt chẽ hơn…không thể không nhắc đến vai trò của các giảng viên. Sản phẩm làm ra không có người xem thì không thể là sản phẩm hay được, đào tạo ứng dụng là vậy, chính vì thế khi nhà tài trợ có yêu cầu là sinh viên lại cùng các giảng viên phải tìm giải pháp. Hay khi giảng viên đưa ra yêu cầu làm sao cho người ta hiểu là chữ la – tin từ Phương Tây được các nhà truyền giáo mang sang nước ta để hình thành chữ Quốc Ngữ như những con sóng lạ lúc bấy giờ…và qua sự sáng tạo của sinh viên trên màn hình hiện lên những con sóng, đi kèm hình ảnh các chữ cái đầu tiên, những âm thanh “a, ê, i…” được chính các sinh viên viết giai điệu, hòa âm, cất giọng… điều đó thật đặc biệt mà không phải ngôi trường nào cũng có được sự cộng hưởng tuyệt vời này.

TS-đạo diễn Trịnh Đăng Khoa cho biết: “Với sinh viên chuyên ngành Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, việc học nghệ thuật là rất quan trọng, bởi nghệ thuật chính là phương tiện hữu dụng để tạo ra các hoạt động văn hóa “đẹp” có sắc thái, hấp dẫn và dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên việc dạy và học nghệ thuật trong ngành Quản lý văn hóa có cái khó là thời lượng chương trình đào tạo không được nhiều, chính điều này luôn là thách thức cho cán bộ quản lý khoa trong tuyển chọn đội ngũ giảng viên – họ phải là những người thầy dạy giỏi về lý luận, vững về thực hành và rành về thực tiễn để chỉ dạy những điều cốt lõi, tinh hoa của mỗi loại hình nghệ thuật và giúp cho người học biết cách sử dụng một cách nhuần nhuyễn các đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật vào việc sáng tạo ra các hoạt động văn hóa. Làm sao để cho mỗi hoạt động nghệ thuật luôn có cơ sở văn hóa làm nền tảng và đích đến; đồng thời trong mỗi hoạt động văn hóa phải đạt tới các giá trị thẩm mỹ, hướng con người tới cái đẹp, cái cao cả. Chương trình nghệ thuật “Thương ca tiếng Việt” các em sinh viên đã bước đầu làm được điều này khi giúp khán giả nhận diện ra được các giá trị văn hóa của tiếng Việt thông qua các hình tượng nghệ thuật.”

Những hình ảnh chắc lọc, những bài hát hay, ca từ đẹp, những vũ đạo đầy ý nghĩa của chương trình “Thương ca tiếng Việt” sẽ được gửi đến khán giả xem đài vào lúc 16h30 mùng 1 và mùng 2 Tết nguyên đán Canh Tý trên kênh HTVC Thuần Việt-Đài truyền hình TP.HCM với sự tham gia biểu diễn của: Ca sĩ Kyo York, ca sĩ Thái Bảo (Á quân Ai sẽ thành sao 2019); sự hỗ trợ của giảng viên – Biên đạo múa Võ Nguyễn Thành Nhân, giảng viên – Thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Thị Phương Thúy, NTK Tạ Linh Nhân, Thạc sĩ Văn hóa học Nguyễn Cẩm Linh (biên tập Kênh HTVC Thuần Việt)… và phần biểu diễn của tập thể lớp Đại học QLVH 11.3, ca sĩ, diễn viên của Trường đại học văn hóa TP.HCM.

Ca sĩ Thái Bảo (Á Quân, Ai sẽ thành sao 2019).

 Ca sĩ Kyo York nhiều cảm xúc với bài Hello Việt Nam.

Điều đặc biệt trước đây chương trình thi kết thúc học phần “nghệ thuật diễn xuất” cũng của tập thể lớp Đại học QLVH 11.3 đã được HTVC Thuần Việt phát sóng nhiều lần trong năm 2019. Sau chương trình “Thương ca tiếng Việt” thì sự kiện chung kết nhóm nhảy khu vực TP.HCM và các tỉnh lân cận “Time less dance – nhảy cho tương lai” cũng được HTVC Thuần Việt tài trợ phát sóng vào lúc 16h30 mùng 3 và mùng 4 Tết Canh Tý. Điều này khẳng định một lần nữa chủ trương đào tạo theo định hướng ứng dụng đã được Khoa QLVH,NT thực hiện một cách triệt để và là một trong những đơn vị tiên phong, điển hình của Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.

Hoàng Trịnh