‘Văn hóa nhận lỗi’ của các vị vua nước Việt xưa

0
431

Vua, quan xưa thường nhận mình là bậc cha mẹ của dân, với ý là phải chăm lo đời sống cho dân được no ấm, yêu thương dân chúng như con, chứ không phải chỉ là bậc bề trên có quyền sinh quyền sát, áp đặt vô lối. Thế nên tự trách mình, sửa mình, là điều đương nhiên phải làm của đấng quân vương. Trong nghìn năm văn hiến của nước Nam, đã có rất nhiều những tấm gương như vậy. Cái khó khi ở trên vạn người là biết nhìn lại mình, chỉnh được mình thì mới chỉnh được người, cái khó đó nhưng chính lại là cái khôn.

 

Vua Việt tự kiểm điểm

Trong “Gương Sáng trời Nam” của tác giả Lê Thái Dũng có trích dẫn từ Đại Việt sử ký toàn thư những lần các vị vua trong lịch sử nhận lỗi và tự trách mình như sau:

Năm Kỷ Mão (1039) sau khi dẹp loạn ở vùng biên giới phía Bắc, triều thần dân sớ xin vua Lý Thái Tông tăng thêm tôn hiệu nhưng vua đã từ chối mà nói rằng:

“Trẫm là người ít đức, đứng đầu thần dân, dậy sớm thức khuya, lúc nào cũng lo sợ như lội vực sâu, chưa biết lấy đạo gì để thấu trời đất, lấy đức gì để kịp Nghiêu Thuấn. Vừa rồi, giặc Nùng dẹp yên, Chiêm Thành quy phụ, động sinh vàng ròng, đất trồi bạc trắng, ý chừng có điều gì mà được thế chăng? Hay sắp xảy ra việc gì để cảnh báo chăng? Trẫm rất lo sợ, sao đáng để tôn sùng tên đẹp hiệu vinh. Lời bàn của các khanh nên đình bãi” (Đại VIệt sử ký toàn thư).

Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) Lý Nhân Tông thấy mình không khỏe nên ban chiếu dặn dò quần thần rằng khi vua mất chỉ làm lễ tang đơn giản, kiệm ước. Trong chiếu có đoạn:

“…. Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào?” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Ngày 27 tháng 5 năm Mậu Ngọ (1438) vì có nhiều thiên tai, vua Lê Thái Tông đã xuống chiếu tự trách tội. Bài chiếu viết:

“Mấy năm nay hạn hán, sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Khoảng tháng 4, tháng 5 năm nay, nhiều lần sét đánh vào vườn cây trước cửa Thái miếu ở Lam Kinh. Cứ nghiệm xét việc xảy ra tai họa, nhất định là có duyên do trong đó. Có phải do trẫm không lo sửa đức để mọi việc bê trễ hay là do quản tể phụ bất tài xếp đặt không điều hòa? Hay là dùng người không đúng, để người tốt kẻ xấu lẫn lộn? Hay là hối lộ công khai mà việc hình ngục có nhiều oan trái? Hay là làm nhiều công trình thổ mộc để sức dân mỏi mệt? Hay là thuế khóa nặng nề mà dân túng thiếu? Trẫm tự trách tội mình, đại xá cho thiên hạ. Tất cả các đại thần, các quan văn võ các ngươi nên chỉ ra những lầm lỗi kể trên, cứ thẳng thắn nói hết, đừng kiêng nể gì. Nếu có điều gì tiếp thu được, nhất định sẽ khen thưởng cất nhắc, dẫu có ngu dần vu khoát, cũng không bắt tội. Ngõ hầu có thể lay chuyển lòng trời, chấm dứt được tai biến, để nước nhà mãi mãi hưởng phúc lớn vô cùng vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Lê Nhân Tông lên ngôi báu khi tuổi còn rất trẻ nhưng là người sớm hiểu trọng trách nặng nề của mình; ngày mồng 2 tháng 2 năm Quý Hợi (1443) vua xuống chiếu rằng:

“Mới rồi trời hiện điềm tai biến như sao sa, động đất. Trẫm rất lo sợ, suy nghĩ nguyên nhân tai biến, không biết bởi đâu. Có phải vì trẫm mới cầm quyền, chưa biết giảm nhẹ lao dịch thuế khóa, có điều không lợi cho dân không? Hay là do phụ thuộc đại thần điều hòa trái lẽ nên khí âm dương không hài hòa mà đến thế chăng? Hay là việc ngục tụng không công bằng, hối lộ công khai, xử án còn nhiều oan uổng mà đến nỗi thế chăng? Hay là chức thú lệnh chưa được người giỏi, làm vừa trái phép, nhiễu hại dân chúng mà đến nỗi thế chăng? Hay là bọn cung nữ oán hờn chưa thả chúng ra nên hại tới hòa khí mà đến nỗi thế chăng? Có phải là bọn gièm pha âm mưa xảo quyệt, để công thần chịu oan khuất chưa được rửa oan mà đến nỗi thế chăng? Hay là vì bày việc thổ mộc, xây dựng cung điện chăng? Kẻ tiểu nhân được tiến dùng, còn người quân tử phải lui ẩn chăng? Đường nói năng bịt kín mà ơn trên bị che lấp chăng. Bọn phi tần lộng hành mà cửa sau bỏ ngỏ chăng. Lệnh cho khắp quan lại, quân dân, đều phải hết lòng bày tỏ những điều có thể xoay được lòng trời, dập hết tai biến, hãy thẳng thắn nói ra, chớ nên ẩn dấu, để giúp trẫm sửa những điều thiếu sót” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Tháng 7 năm Đinh Mão (1447) Lê Nhân Tông lại xuống chiếu rằng:

“Nhận lỗi trách mình, duy bậc chí thành mới có thể làm được; trừ tai cứu nạn, thực điều nhân chính phải đặt lên hàng đầu”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Tháng 4 năm Kỷ Tị (1449) Lê Nhân Tông xuống chiếu tự trách mình. Tờ chiếu viết:

“Trẫm gặp phải gia biến, bên trong thì mẫu hậu coi chầu, bên ngoài thì đại thần giúp việc, mà liền năm đại hạn, lúa má mất mùa, dân chúng buồn than. Nghĩ kỹ tội ấy, hẳn có nguyên do. Có phải trẫm không biết dốc niềm thành kính để được hưởng lòng trời, không biết lo tròn đạo hiếu để thờ phụng tông miếu, không ban ân huệ cho khắp muôn dân nên đến nỗi thế chăng? Có phải trẫm không biết sử dụng nhân tài, những kẻ được dùng đều là loại hèn kém mà đến nỗi thế chăng? Có phải do nạn hối lộ công khai, tệ phi tần lộng hành mà đến nỗi thế chăng? Hay là do trẫm không dè dặt tiêu dùng, thường lạm tiêu bừa, để hại của dân mà đến nỗi thế chăng? Hay là các đại thần giúp việc chưa trọn đạo điều hòa âm dương mà đến nỗi thế chăng? Hay là các tướng soái phiên thần không biết yêu thương quân dân, quen thói đục khoét mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì các thú lệnh không biết vỗ nuôi nhân dân, chỉ lo bòn vét mà đến nỗi thế chăng? Hay là quan coi hình ngục không giữ công bằng, chỉ lo xử nặng, kẻ nào đút lót thì tha, để oán khí bốc lên mà đến nỗi thế chăng? Có phải các quan thừa hành chỉ chuộng hư văn, để ân trạch của vua bị tắc lại ở trên, tình của kẻ dưới không thấu lên trên được mà đến nỗi thế chăng? Hay là các nhà quyền quý cậy thế ra oai để dân mọn bị hại mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chọn lựa người hiền, cất nhắc người sót chưa được thi hành, để thói cầu cạnh chạy chọt ngày một tệ hại mà đến nỗi thế chăng? Hay là do chủ tướng, đảo lộn quân công, láy không làm có, làm hại đạo công mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì chưa thi hành đầy đủ nhân chính, để dân chúng vẫn còn nhiều người thất nghiệp mà đến nỗi thế chăng? Hay là do đầm cá hoang khô, ngạch thuế chưa giảm dân phải nộp nhiều mà đến nỗi thế chăng? Có phải vì con cháu các bậc công thần cố cựu chưa được bổ dùng hết để đền đáp công lao họ mà đến nỗi thế chăng? Tất cả tội lỗi trên chồng chất lại, đã làm tổn thương hòa khí, nếu không xét lời dạy sửa lỗi lầm, làm tròn đạo tu dưỡng mình thì làm sao trên có thể lay chuyển được lòng trời, dưới có thể cứu vớt được nạn dân?” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Sử sách chép rằng sau khi tờ chiếu ban xuống, đêm hôm ấy có mưa.

Tháng 1 năm Đinh Hợi (1467) vua Lê Thánh Tông ban chiếu đại xá thiên hạ, chiếu viết:

“Trẫm là kẻ không có đức, làm chủ muôn dân. Muốn cho mọi người đều giàu đủ, yên vui để tiến tới thịnh trị. Năm ngoái, từ màu thu đến mùa đông, trời mãi không mưa, người mất hy vọng được mùa, dân lo khó khăn đói kém. Trẫm là cha mẹ dân, chỉ biết đau xót trong lòng. Nếu không ban ơn rộng khoan tha thì sao thấy huệ thực tới dân được?” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Tháng 8 năm Tân Hợi (1491) trời mưa nhiều ngày gây ngập úng nặng, Lê Thánh Tông sai quan các địa phương chỉ huy việc khơi thông nước để cứu lúa mạ. Vua còn họp bàn với triều thần và nói với họ rằng: “Vì chính trị thiếu sót nên trời làm tai biến, đó là lỗi của trẫm mà thành ra thế, chứ nhân dân có tội gì đâu. Có phải vì trẫm đức tín chưa khắp đến dân, lòng thành chưa thấu đến trời mà đến thế chăng?” sau đó ông cảnh cáo những việc làm không đúng phận sự, chức trách của các quan rằng: “Từ này về sau, kẻ nào còn quen thói nhơ bẩn như cũ, theo người ta mà tiến lui, mưu giữ bền quyền vị thì trẫm vì các khanh mà giết đi; hoặc kẻ nào theo lời dạy bảo mà bỏ lỗi đi trước, dốc lòng trung tín, hết sức hết trí, trẫm cũng vì các khanh mà hậu thưởng. Các khanh nên cố gắng đấy” (Đại Việt sử ký toàn thư)

Vua quan xưa và nay

Xưa có câu chuyện về việc có người hỏi Khổng Từ quan niệm về chính trị là gì. Ông trả lời:



“Chữ chính trị (cai trị) từ chữ chính (ngay thẳng) mà có, nghĩ là cai trị chính là chăm lo cho dân trở nên ngay thẳng, chính đáng. Nay đại phu là bậc dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình ngay thẳng, chính đáng thì còn ai dám ăn ở bất chính?” (Luận ngữ, Chương Nhan Uyên) Quan điểm của người xưa về việc làm quan, làm vua, cai trị dân chúng chính là gánh vác trọng trách chăm lo đời sống nhân dân, dẫn dắt, đưa người dân tới chỗ ngay thẳng, chính đáng. Thế nên tự người làm vua làm quan phải ngay chính, luôn tu sửa bản thân, dùng đức để cai trị thì mới mong dân chúng ôn hòa, ngay chính, Trời Đất yên ổn, thái hòa.



Bậc quân vương xưa luôn kiểm điểm, hướng vào trong mà tìm ra cái sai từ mình, sẵn sàng nhận lỗi trước mỗi tai ương, biến cố bất thường của Đất Trời. Bởi Thiên Nhân hợp nhất, lòng người có oán, uất thì mới có thiên tai. Người ở trên vạn người vô đức thì Trời mới giáng họa cảnh báo. Nếu là việc loạn lạc trong xã hội, dân đói nghèo, lầm than, đời sống không thuận, lợi ích bị đe dọa, thì chắc chắn người làm vua, làm quan phải biết nhận lỗi và sửa sai ngay tức thì. Đó đều có xuất phát điểm từ quan niệm làm quan thì để làm gì và phải làm gì.

Ngày nay, đa phần người ta nghĩ làm quan là để có danh, có lợi, nhưng lại không đi kèm với trách nhiệm. Cho nên trước những sai sót trong bộ máy vận hành, nếu không phải là lỗi trực tiếp của mình thì đương nhiên là không liên quan tới mình. Trước những sự việc có thể ảnh hưởng tới việc quy trách nhiệm thì nhanh chóng thoái thác, trốn tránh bằng sự giảo hoạt trong ngôn từ. Nào là “thu giá”, “tụ nước”, “ùn ứ”… chẳng phải đều là để tránh đi cái trách nhiệm một cách vụng về, thô thiển.

Xưa vua trong khi trách mình luôn tự nhận bản thân là người “thiếu đức”, “đức mỏng”, “vô đức”… Trong mọi sai sót của bản thân, thì nguyên do đều là từ cái việc tu sửa đạo đức chưa đầy đủ. Nhưng quan chức thời nay, nếu có sai lầm thì là do trình độ chưa cao, còn “hạn chế về mặt nhận thức”.

Có ai lại trách nặng kẻ ngu dốt bao giờ, kẻ không biết thì không có tội, cái lý đó khiến người ta bị đánh lừa và khoan dung hơn. Nhưng còn kẻ vô đạo đức, chỉ nhăm nhe lợi ích của mình và chà đạp lên lợi ích của người khác thì chắc chắn sẽ bị quở trách đến muôn đời.

Trong những điều các bậc minh quân xưa tự kiểm điểm, luôn có phần tự vấn rằng có phải do mình dùng người chưa đúng. Nghĩa là việc cấp dưới làm sai cũng là lỗi của bề trên. Nhưng người làm quan thời nay nhiều người chỉ lo bảo hộ bản thân, trốn trách nhiệm, thậm chí sẵn sàng đổ vấy cho cấp dưới và coi như sai lầm của cấp dưới thì không có một phần trách nhiệm của mình trong đó.

Từ quan điểm khác nhau chắc chắn sẽ dẫn tới cách hành xử khác nhau. Nếu như những bậc “cha mẹ của dân” thời nay có thể nhớ và lưu giữ được cái ý nghĩa thực sự của việc làm cha làm mẹ dân là thế nào, thì chắc chắn nhà nước không còn phải lo đi chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy. Người dân không còn phải cảm thấy quá chật vật và áp lực khi tự lo đời sống cho mình, cũng chẳng còn những bức xúc, mất niềm tin dẫn tới quá khích và bịa đặt vô lý. Bởi “đại phu là bậc dẫn đầu trong dân chúng mà tự mình ngay thẳng, chính đáng thì còn ai dám ăn ở bất chính đây?”.

Thuần Dương