Chính thức đề nghị sửa đổi Luật Đất đai chỉ sau hơn 3 năm có hiệu lực

0
611

Bộ TNMT vừa lập đề nghị xây dựng dự án sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Để hoàn thiện hồ sơ đề xuất trình Chính phủ, Bộ TNMT đã công khai dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Đề nghị sửa Luật Đất đai để khai thác tốt hơn nguồn lực từ đất.

Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2013 tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014.

Theo Bộ TN-MT, trong hơn 3 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những hiệu quả nhất định. Theo đó, ngành đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013, không để ách tắc gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng đó, đã quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ; tập trung xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai; Chỉ đạo kịp thời công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; đặc biệt là việc kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Việc giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai đã hạn chế được giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư không có năng lực, tránh được lãng phí trong việc sử dụng đất. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất…

Đáng chú ý, tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai cũng còn khá phổ biến. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ trọng lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội…

Bên cạnh đó, việc Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng đặt ra yêu cầu phải rà soát, hoàn thiện Luật Đất đai để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. “Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Việc đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong thời kỳ mới” – Bộ TN-MT lập luận.

Theo An ninh thủ đô