Điểm tin trong nước sáng 3/6: Mỹ gửi công hàm đến LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

0
499

Mục điểm tin trong nước sáng ngày 3/6 gửi đến quý độc giả những nội dung chính sau:

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo ngày 16/8/2018 (ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ).

Mỹ gửi công hàm đến LHQ bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Rạng sáng hôm thứ Tư (3/6), viết trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo Mỹ vừa gửi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định yêu sách của Trung Quốc “không phù hợp với luật pháp quốc tế”, tờ Tuổi trẻ trích dẫn.

Công hàm này đề ngày 1/6/2020, do Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Kelly Craft gửi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres.

Bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.

Động thái này được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, và là sự tiếp nối của một loạt các công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông, kể từ khi Bắc Kinh gửi công hàm phản đối một nội dung liên quan của Malaysia.

Cụ thể, trước đó phía Trung Quốc vào ngày 12/12/2019 đã gửi công hàm CML/14/2019 lên Ủy ban về Ranh giới thềm lục địa (CLCS), với nội dung phản phản đối bản đệ trình xin công nhận thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý của Malaysia.

Mỹ cho rằng trong công hàm nêu trên, phía Trung Quốc đã trình bày những yêu sách quá mức, không phù hợp với luật quốc tế – vốn dĩ được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.

Bên cạnh đó, bà Craft cũng cho rằng những yêu sách ấy “mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác”. Vì vậy “Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này”.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam yêu cầu ‘đề cao cảnh giác’ trên Biển Đông

Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 1/6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch được VTV và Quân đội Nhân dân trích lời nói rằng “trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông”, Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã báo cáo Bộ Chính trị để “kiến nghị đối sách của Việt Nam trong tình hình hiện nay”.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao. Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa. Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”

Bộ Công an sẽ làm dứt điểm 5 đại án và vụ vay nặng lãi qua phần mềm

Theo Tuổi Trẻ, ông Tô Ân Xô – Chánh văn phòng, tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 2/6 cho biết: Bộ Công an từ nay đến cuối năm sẽ làm dứt điểm 5 đại án kinh tế, liên quan đến các công ty Nhật Cường, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn, dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Về vấn đề vay tiền lãi suất cao qua phần mềm, ông Tô Ân Xô cho hay: tội phạm tín dụng đen nằm trong “tầm ngắm” của các cơ quan công an, chiếm tới 22,6% trong nhóm các tội phạm nên Bộ Công an phải làm mạnh.

Bộ Tài chính hứa trình Thủ tướng quy định giảm 50% phí trước bạ sớm nhất

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/6, bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ được ban hành theo trình tự rút gọn, hồ sơ dự thảo đã hoàn thành, đang lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, theo VnExpress.

Theo quy trình, dự thảo này sau đó phải lấy xin ý kiến các bộ, ngành và sự thẩm định của Bộ Tư pháp. Sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sẽ trình xin ý kiến Chính phủ. Tuy nhiên, do được thực hiện theo thủ tục rút gọn nên “Bộ Tài chính sẽ cố gắng tối đa để trình Thủ tướng sớm nhất văn bản này”.

Tổng hợp