Trang chủ Tin tức Tin sáng 6/4: Rừng bị xóa trắng, cán bộ vẫn vô can

Tin sáng 6/4: Rừng bị xóa trắng, cán bộ vẫn vô can

0
390
Ảnh tổng hợp.

Rừng bị xóa trắng, cán bộ vẫn vô can

Thanh Niên – Miền Trung – Tây nguyên luôn ám ảnh vấn nạn sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt; trong khi đó rừng tự nhiên tại nhiều địa phương khu vực này bị triệt hạ trên diện rộng đến mức nhức nhối.

Đáng nói là ở nhiều nơi, rừng còn bị triệt hạ bởi dự án “đội lốt”… bảo vệ rừng (!); không ít doanh nghiệp được giao rừng đã thảm sát rừng để chiếm đất, đầu cơ và trục lợi đất rừng trái phép, ngang nhiên thách thức pháp luật…

Nhiều công ty được giao đất, cho thuê đất, thực hiện dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tại Đắk Lắk nhưng sau vài năm, rừng bị “khai tử”, đất rừng bị lấn chiếm hàng ngàn héc ta. Đáng nói, việc xử lý trách nhiệm để mất rừng xem như… bằng không!

Ông Nguyễn Văn Bằng (65 tuổi, trú xã Cư M’lan, H.Ea Súp) cho PV Thanh Niên biết, cách nay hơn 10 năm quanh xã Cư M’lan đi đâu cũng đụng rừng, giờ thì hàng loạt cánh rừng bị “cạo trọc”, nhiều nơi chỉ thấy toàn đất rẫy.

Chỉ vào quả đồi trụi cây rừng gần đó, ông Bằng chua chát: “Trước kia, ở đây rừng xanh ngút ngàn, nay thành đồi trọc. Khoảng chục năm trở lại đây, từ khi các công ty lâm nghiệp kéo nhau về thực hiện dự án trồng rừng, bảo vệ rừng cũng là thời gian rừng bị mất nhiều nhất. Hết rừng, các công ty lần lượt tháo chạy, chỉ còn lại đất rừng bị lấn chiếm, cày xới tan hoang thành đất rẫy”.

Men theo lối mòn để vào vùng dự án trồng rừng trước đây của Công ty TNHH Anh Quốc (Công ty Anh Quốc) tại tiểu khu 293, xã Cư M’lan, chúng tôi dễ dàng nhận ra đất rừng bị xâm canh, trở thành vườn điều, mít; chòi rẫy, nhà tạm của người dân dựng lên khá nhiều… Còn trụ sở Công ty Anh Quốc với nhiều dãy nhà xây không một bóng người.

Theo các tài liệu liên quan từ cơ quan chức năng Đắk Lắk, sau khi được giao gần 1.200 ha rừng và đất rừng thực hiện dự án nông lâm nghiệp vào năm 2011, Công ty Anh Quốc đã buông lỏng quản lý, để người dân phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất trái pháp luật. Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định thu hồi toàn bộ đất rừng tại dự án của công ty này để giao cho xã Cư M’lan quản lý. Khi đo đạc, kiểm kê lại, có 364 hộ đã lấn chiếm gần 800 ha trên đất dự án để trồng trọt.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Chủ tịch UBND xã Cư M’lan, cho biết hiện xã được giao quản lý gần 2.000 ha đất rừng thu hồi từ các dự án mà trước đó tỉnh đã giao cho doanh nghiệp, nhưng nhiều diện tích rừng trong số này đã bị xóa sổ, đất rừng bị lấn chiếm quy mô lớn.

“Cơn lốc” phá rừng, lấn chiếm đất rừng không chỉ ở xã Cư M’lan mà còn ồ ạt tại nhiều địa bàn của H.Ea Súp.

Trước đây, Công ty TNHH MTV Rừng Xanh (Công ty Rừng Xanh) được UBND tỉnh Đắk Lắk giao, cho thuê gần 14.000 ha đất rừng thời hạn 50 năm (tới năm 2043). Tuy nhiên, công ty này đã để các hộ dân lấn chiếm, xâm canh để trồng điều và cây ngắn ngày hơn 2.200 ha, trong đó có hơn 1.600 ha rừng tự nhiên.

Nghiêm trọng hơn, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh được tỉnh Đắk Lắk giao hơn 14.000 ha rừng và đất rừng, nhưng sau một thời gian đã để mất đến hơn 10.500 ha. Phần lớn rừng bị lấn chiếm trái phép, chuyển thành đất canh tác nông nghiệp…

Trong khi đó, chính quyền cơ sở lại “kêu khó” trong công tác giữ rừng.

Việc hàng loạt công ty lâm nghiệp trên địa bàn H.Ea Súp để hàng ngàn héc ta rừng bị phá, xâm canh, lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép gây nhiều bức xúc trong thời gian dài. Vậy nhưng, không hiểu vì sao hầu hết lãnh đạo các đơn vị để mất rừng với diện tích rất lớn nhưng chỉ bị xử lý ở mức kỷ luật, chuyển công tác hoặc “hạ cánh” an toàn?!

Trong đó trường hợp ông Nguyễn Văn Quyến, nguyên Phó giám đốc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh. Vào năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ea Súp có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã xác định ông Nguyễn Văn Quyến (Phó giám đốc phụ trách công tác kỹ thuật, quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh từ năm 2011 – 2015) có nhiều khuyết điểm, có trách nhiệm trong việc công ty để mất 10.500 ha rừng và đất rừng trên lâm phần quản lý. Ngoài ra, ông Quyến còn dựng 2 căn nhà gỗ có giá trị lớn tại H.Ea Súp, gây dư luận không tốt. Theo kết luận này, ông Quyến bị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Sau đó, ông Quyến tiếp tục giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk (hình thành trên cơ sở sáp nhập Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Chư Ma Lanh và Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Rừng Xanh).

Theo một báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến năm 2021 toàn tỉnh này có khoảng 51.000 ha rừng bị tàn phá, lấn chiếm tại các lâm trường, dự án lâm nghiệp.

Một nạn nhân vụ ngạt khí tử vong

VnExpress – Đội phó Phạm Sơn Lâm, 55 tuổi, một trong bốn công nhân gặp nạn chiều 4/4 khi khắc phục sự cố máy bơm ở công viên Hạ Long đã tử vong sáng 5/4.

Lãnh đạo TP. Hạ Long cho biết, trong ba nạn nhân còn lại, hai người đã hồi phục, một người qua cơn nguy kịch. Khí độc công nhân hít phải có thể là hydro sulfide (H2S).

Tìm thấy thi thể nghi là nam sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM mất tích tại Israel

NLĐ – Ngày 5/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel vừa thông tin liên quan đến trường hợp nam công dân Việt Nam mất tích tại Israel trước đây.

Theo đó, công dân Việt Nam là Nguyễn Hải Bình (sinh năm 1993, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), là sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM tham gia chương trình Vừa học Vừa làm tại Israel do Trung tâm AICAT (Avara) tổ chức từ ngày 2/8/2016 và mất liên lạc vào ngày 17/9/2016.

Vừa qua, ngay sau khi được Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol) tại Israel thông báo đã tìm thấy một thi thể cùng giấy tờ tuỳ thân tại khu vực hoang mạc Naot Hakikar (Arava) và xác định là của công dân nói trên, Đại sứ quán Việt Nam tại Israel đã làm việc với Bộ Ngoại giao Israel và cảnh sát sở tại để phối hợp xử lý và triển khai công tác bảo hộ công dân.

Việt Nam có 7 tỷ phú trong danh sách thế giới

VnExpress – Tạp chí Forbes (Mỹ) vừa công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2022. Theo đó, Việt Nam năm nay có 7 đại diện.

Đó là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn.

Đây là năm Việt Nam có nhiều đại diện nhất trong danh sách. Trừ ông Vượng, các tỷ phú còn lại đều có tài sản tương đương hoặc tăng so với năm ngoái.

Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn lần đầu xuất hiện trong danh sách của Forbes, với 2,9 tỷ USD, đứng thứ 1.053 thế giới. Trong khi đó, ông Vượng lần thứ 10 góp mặt, với tài sản 6,2 tỷ USD, đứng thứ 411 thế giới. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, đứng thứ 974.

Bà Thảo cũng lần thứ 6 có tên trong danh sách, với tài sản 3,1 tỷ USD. Bà Thảo hiện giữ vai trò phó chủ tịch HĐQT HDBank, Phó chủ tịch và CEO hãng hàng không VietJet Air.

Ông Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,6 tỷ USD, tương đương năm ngoái.

Ông Hồ Hùng Anh lần thứ tư góp mặt trong danh sách này. Tài sản của ông năm nay tăng lên 2,3 tỷ USD. Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ hai liên tiếp, với 1,9 tỷ USD. Tỷ phú thép Trần Đình Long sở hữu 3,2 tỷ USD, tăng 1 tỷ USD so với năm ngoái và đứng thứ 951 thế giới.

Tổng hợp