Đạo diễn Hoàng Duẩn: “Chuyện 4 mùa” mang thông điệp ý nghĩa về cuộc sống

0
633

Nhiều tiết mục trong chương trình “Siêu thị cười”, sau này là chương trình “Chuyện 4 mùa” do Hoàng Duẩn làm đạo diễn và là tác giả chính với đề tài khá phong phú, nội dung sinh động, bám sát thực tiễn cuộc sống.

* Đạo diễn Hoàng Duẩn: Tiếp tục đóng góp và vận động mạnh thường quân tặng nước lọc cho bà con ở Bến Tre

* Thạc sĩ – Đạo diễn Hoàng Duẩn: ‘Chất đời’ sống động trong từng câu chuyện nghề

* Quảng Ngãi: Những màn trình diễn ấn tượng và giàu cảm xúc trong đêm hội đón mừng năm mới

Đạo diễn Hoàng Duẩn

Nghệ sĩ đa năng

Thạc sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn là nghệ sĩ đa năng, anh say mê và dành hết tâm huyết cho nghệ thuật. Một người con của Quảng Ngãi – miền Trung nắng gió đã bén duyên với vùng đất TP.Hồ Chí Minh để rồi từ đây, tạo cho anh một hình ảnh nghệ sĩ với những tính cách và phẩm chất rất riêng, rất đời.

Anh là tác giả và đạo diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như: kịch nói, cải lương, múa rối, các chương trình nghệ thuật tổng hợp. Đặc biệt anh là tác giả, đạo diễn, tổng đạo diễn các sự kiện – lễ hội văn hóa, nghệ thuật và thể thao cấp quốc gia: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (trong nhiều năm), Sự kiện Techdemo Gia Lai 2019, Lễ Trao giải quả bóng vàng Việt Nam…

Tác phẩm kịch nói Đám cưới thời @ đã mang về cho Hoàng Duẩn giải thưởng Cù nèo vàng – hạng mục đạo diễn xuất sắc và đó cũng là tác phẩm do chính anh sáng tác. Nhiều tác phẩm của anh đã được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát Kịch TP. Hồ Chí Minh, sân khấu Nụ Cười Mới, Sân khấu Hồng Hạc, trên sóng truyền hình từ các chương trình: Trong nhà ngoài phố, Bác ba Phì thời @, Làng trong phố – phố trong làng, Siêu thị cười, Nụ cười dân gian, Chuyện 4 mùa

Ở lĩnh vực điện ảnh và truyền hình, Hoàng Duẩn là biên kịch của những bộ phim “hot” như: Đẻ mướn (được chuyển thể từ kịch bản kịch nói cùng tên của anh), các series phim truyền hình nhiều tập: Sóng đời, Bão, Ca li mùa hoa vàng, Nhân quả và nhiều phim ngắn khác.

Đến nay, đạo diễn Hoàng Duẩn đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín như: Huy chương Vàng, Huy chương Bạc Liên hoan nghệ thuật Múa rối chuyên nghiệp toàn quốc 1994; Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010 vở cải lương Đường mòn trên biển; Giải thưởng Cù nèo Vàng đạo diễn 2011 vở kịch nói Đám cưới thời @; Huy Chương Vàng và Giải ấn tượng tại Liên hoan múa rối quốc tế 2019

Khi trở thành giảng viên của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, anh luôn hướng sinh viên đến việc học lý thuyết gắn với thực hành, ứng dụng, đưa sinh viên trải nghiệm thực tiễn. Các buổi thi kết thúc các học phần, anh luôn định hướng cho sinh viên hướng đến cộng đồng bằng những giá trị và đóng góp thật cho xã hội. Góp phần định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho sinh viên từ khi còn đang học.

Năm 2018, Đạo diễn Hoàng Duẩn được Đảng ủy Khối – Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch Tuyên dương “Giảng viên, vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao năm 2018” nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam

Hơn 20 năm bền bỉ gắn bó với sân khấu HTV

Hoàng Duẩn đến với sân khấu của HTV từ năm 1994 trong vai trò đạo diễn, và vở múa rối đầu tiên phát sóng là Ta là hổ đây. Từ đó đến nay, anh vẫn thường xuyên cộng tác với HTV trong rất nhiều chương trình sân khấu kịch, cải lương. Anh cho biết: “Trước đây, tôi đã từng công tác với HTV qua các chương trình: Kịch nói, Cải lương, Vườn âm nhạc, Sân khấu thiếu nhi (kịch nói, múa rối)… sau đó là chương trình Siêu thị cười, Chuyện 4 mùa”.

Các nghệ sĩ trong kịch “Chuyện 4 mùa”

“Là một đạo diễn, và biên kịch, tôi thích nhìn cuộc sống dưới lăng kính hài hước, lạc quan hơn là nhìn nó dưới lăng kính bi kịch. Và những tác phẩm tôi làm đều mang những giá trị thực tiễn nhất định, không hô hào suông, cũng không quá lố, thích chạm đến cuộc sống thực tế nhiều hơn” – Hoàng Duẩn bộc bạch.

Những vở diễn Chuyện 4 mùa do anh dàn dựng không chỉ có “cười” với “khóc” mà còn đưa đến cho khán giả những thông điệp ý nghĩa về cuộc sống, những suy ngẫm rất thực tế hiện nay. Để làm được điều đó, các tác giả, đạo diễn phải cập nhật thông tin, những vấn đề nóng trong cuộc sống hàng ngày, kịp thời nắm bắt được những định hướng phát triển của thành phố nói riêng và xã hội nói chung để rồi đưa nó thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Những áp lực phải vượt qua

Đạo diễn Hoàng Duẩn cho biết: “Hàng loạt chương trình hài xuất hiện trong thời gian gần đây với mức cát – xê rất cao trả cho các nghệ sĩ nổi tiếng, sân khấu được thiết kế hoành tráng đẹp mắt, được phát sóng vào giờ đẹp nên thu hút được nhiều khán giả đón xem. Chuyện 4 mùa không dồi dào kinh phí bằng, nhiều kịch bản muốn mời diễn viên nổi tiếng tham gia cũng rất khó khăn,… Tuy nhiên, nói về độ “hot”, thì có lẽ chương trình Chuyện 4 mùa có một vị trí đặc biệt trong lòng khán giả, hơn nữa độ “sạch sẽ, tươm tất” cũng là yếu tố làm nên bản sắc riêng của chương trình. Chúng tôi vừa thu hình các vở diễn về việc Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hay những vở liên quan đến chủ trương xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình; các cuộc vận động người dân không xả rác, giảm ngập nước… Nghe thì có vẻ to tát nhưng thực ra, đó chính là những việc làm tốt hàng ngày, những việc nhỏ hàng ngày chứ không phải điều gì cao siêu. Bởi đó là những nét đẹp của người dân Thành phố”.

“Chuyện 4 mùa” nói đến những câu chuyện rất đời thường

Thời gian gần đây, Chuyện 4 mùa đã được lãnh đạo Ban Văn nghệ của HTV quan tâm nhiều hơn, cụ thể là đạo diễn Nguyễn Minh Hải đã có những định hướng về mặt nội dung và hình thức nên chương trình đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, kể cả các anh, chị em nghệ sĩ. Về mặt hình ảnh, chương trình cũng đã nhận được sự chăm chút từng khung hình của đạo diễn hình, NSƯT Đinh Thanh Sơn. Lực lượng nghệ sĩ tham gia chương trình trong thời gian vừa qua ngày càng đông, không chỉ là các nghệ sĩ gạo cội mà có sự tham gia của các diễn viên trẻ. Bên cạnh việc tăng cường đội ngũ diễn viên, đạo diễn Hoàng Duẩn cùng đội ngũ biên tập, đạo diễn hình, họa sĩ thiết kế… và các thành viên tham gia sản xuất tìm tòi hướng phát triển cho Chuyện 4 mùa. Đó là phải bám sát thực tiễn xã hội, phản ánh những vấn đề nóng mà xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, những người làm chương trình phải luôn có tính dự báo trong sáng tác và dàn dựng.

NSƯT Đinh Thanh Sơn (trái) và các diễn viên “Chuyện 4 mùa”

“Trong vấn đề dàn dựng, chúng tôi chú ý đến việc làm sao cho hài hòa giữa chủ đề tư tưởng, chủ trương, định hướng và yếu tố giải trí, để sau những tiếng cười, những giọt nước mắt, sẽ đọng lại “điều gì đó” trong lòng khán giả. Tiếng cười phải nhắm tới: cười mà đau, cười mà thấm, cười mà suy ngẫm. Với những vở diễn bi kịch, chính kịch thì vấn đề chúng tôi cũng nhìn nhận ở góc độ vừa phải, đủ để suy ngẫm, không quá nặng nề” – Hoàng Duẩn cho biết.

Thanh Nga/HTV