CEO Phạm Thị Thanh Phượng: Khát khao xây dựng Aloha trở thành thương hiệu Fastfood của người Việt

0
2778

Tôi gặp chị Thanh Phượng trong một buổi tối cuối đông mát mẻ, xuất hiện trước mặt tôi là người phụ nữ với gương mặt phúc hậu và giọng nói nhẹ nhàng đến thân thương. Chúng tôi ngồi lại với nhau và tỉ tê dăm ba câu chuyện đời của chị, … Để có được sự nghiệp như ngày hôm nay, là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của chị Phượng, những bài học đau thương là những thứ từng xảy ra triền miên với người phụ nữ này.

Phạm Thị Thanh Phượng – Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Aloha.

Tuổi thơ vắng bóng dáng người cha, nơm nớp lo sợ những trận đòn đau của mẹ

Vốn sinh ra tại vùng đất Quảng Ngãi, dù cho bao năm bôn ba ở mảnh đất Sài Gòn lắm bon chen, dù trở thành nữ giám đốc danh cao vọng trọng nhưng tính cách chất phác, nhiệt tình, chân thành của người con xứ Quảng trong chị Phạm Thị Thanh Phượng – Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Aloha vẫn không thể lẫn đi đâu được.

Gia đình có 5 anh chị em, 1 anh trai cả 4 chị em gái, chị là chị lớn. Tuổi thơ của chị Phượng vốn nhiều cơ cực, đông anh chị em, Cha bỏ mẹ con chị từ khi em gái út sinh ra được 1 tuần, đi làm ăn xa nhiều năm rồi có gia đình riêng không trở về. Nay em gái út là 37 tuổi, khiến anh chị em chị phải chịu nhiều thiệt thòi. Chị kể, khi cha chị dứt áo ra đi để lại cho má chị đàn con nheo nhóc, người anh lớn nhất 9 tuổi còn cô em út vừa mới sinh, lúc đó má có 34 tuổi, má chị giận ông nhiều lắm, thường trút nổi giận ấy lên đàn con của mình. Hễ mấy anh chị em mắc lỗi gì cũng khiến má nổi cơn lôi đình, bắt lũ nhỏ nằm xếp thành hàng rồi đánh đòn từng đứa. Thậm chí, chỉ cần 1 đứa mắc lỗi cả mấy anh chị em đều phải chịu trận. “Những trận đòn triền miên của má thời điểm đó như nỗi ám ảnh của cả mấy anh chị em tôi. Đến khi bắt đầu ra làm kinh doanh, tiềm thức tuổi thơ đó khiến tôi bị mắc một khiếm khuyết rất lớn, đó là sự mất tự tin. tôi không dám đứng ra nói chuyện trước đám đông, không dám bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình dù trong lòng rất muốn. Giờ đây, học qua 3 khóa học kỹ năng mềm, tôi mới lấy lại được sự tự tin vốn có, mạnh dạn thay đổi bản thân và làm những điều mình ấp ủ”, chị Phượng chia sẻ.

Tuổi thơ nhiều thiệt thòi là thế, nhưng chị Phượng chưa bao giờ giận má, thậm chí chị rất thương người má quá nhiều cơ cực để nuôi anh em chúng tôi đủ ăn và chịu rất nhiều thiệt thòi. Chị luôn xem những chuyện đã xảy ra là một kỷ niệm đẹp và thầm cảm ơn tuổi thơ cơ cực, khó khăn, nhờ đó chị có động lực, quyết tâm thay đổi số phận mình. “Giờ có gia đình riêng chị nghĩ về má, chị thương má nhiều lắm. Có trách, trách người cha thiếu trách nhiệm để má chị gánh nặng đáng lý là trách nhiệm phần lớn là của ông, sự vô trách nhiệm của người cha “đầu ấp tay gối” khiến tâm lý bà bị chèn ép, để rồi bà chỉ biết đổ lỗi lên đầu những đứa con của mình. Giờ đây, mỗi khi nhớ về tuổi thơ tôi mới thấu hiểu trẻ em rất cần tình thương của người cha và mẹ để phát triển tâm lý.

Nước mắt và những bài học đau thương

Năm 1995, sau khi học hết lớp 9, chị Phượng xin phép má khăn gói vào Sài Gòn để tìm việc làm. Những ngày tháng đầu tiên ở thành phố, chị Phượng xin vào làm việc tại cơ sở may mặc tư nhân, tối đến lại tranh thủ thời gian học bổ túc văn hóa. Nếu người khác cố gắng một chị Phượng phải cố gắng gấp 2 họ, ban ngày đi làm, tối đến đi học. Thời điểm này, chị Phượng gặp anh Dũng (chồng chị Phượng hiện tại), một chủ tiệm may.

Vốn là những người con xa quê vào thành phố làm ăn, sinh sống cùng chung ngành nghề, cả hai nhanh chóng tìm được điểm chung và yêu nhau. 7 năm sau, khi tình cảm đã chín mùi, kinh tế ổn định, anh chị mới quyết định về chung một nhà và hiện tại, vợ chồng chị đã có với nhau 2 cậu con trai ngoan ngoãn. Suốt 15 năm làm may mặc, vợ chồng chị Phượng dành dụm được một số vốn nhất định. Năm 2014, việc kinh doanh thuận lợi anh chị mua được đất đai và có ý định mở rộng quy mô kinh doanh. Nghĩ là làm, 2 vợ chồng chị Phượng bắt tay vào việc xây dựng một công ty may với diện tích 1000m2 trên chính miếng đất của gia đình. Tuy nhiên, công ty đi vào hoạt động lại không đạt hiệu quả như mong muốn.

Gia đình chị Phượng

Sau 9 tháng, anh chị đành ngậm ngùi đóng cửa công ty với số tiền lỗ lên đến hàng tỉ đồng, nợ lương công nhân, nợ tiền nhà cung cấp,… khiến anh chị phải vay ngân hàng để trả. “Vợ chồng tôi đứng ra kinh doanh “tay ngang”, cả hai không có kiến thức và năng lực về mảng kinh doanh. Chúng tôi không hiểu hết được cách thức để vận hành một bộ máy doanh nghiệp với quy mô lớn, cũng không biết lập kế hoạch kinh doanh hay hoạch định tầm nhìn, tính toán rủi ro,… nên thất bại là điều dễ hiểu. 2 vợ chồng suy sụp một thời gian dài, thậm chí tôi đã khóc suốt một tuần, chồng tôi cũng stress nặng nề không kém. Thời điểm đó, công ty ấy là tâm huyết cả đời của 2 vợ chồng, vì thế, khi nhìn công ty đóng cửa, đội ngũ công nhân thân thiết bị giải tán, còn gì đau lòng hơn”, chị Phượng tâm sự.

Công ty may mặc đóng cửa, chị Phượng quay trở về quán xuyến 2 quán trà sữa trước đó chị mở ra, chị bắt đầu tìm đến những khóa học quản trị kinh doanh, qua các khóa học này chị mới vỡ lẽ nhận ra lý do kinh doanh thất bại ngành nghề may mặc là gì?… Sau biến cố thất bại trong công ty may mặc, chị Phượng dần tìm thấy niềm đam mê các loại đồ uống, thức ăn nhanh. Suốt nhiều tháng liền, chị Phượng dành thời gian và tiền bạc để đi học các công thức chế biến. Trong quá trình học hỏi, chị Phượng luôn quan sát kỹ lưỡng thị hiếu của khách hàng như cung cách phục vụ, tổ chức quản lý, …

Năm 2015, chị Phượng bắt tay vào việc xây dựng cửa hàng Aloha đầu tiên của mình ở Kiên Giang. Toàn bộ chi phí thuê mặt bằng và xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất khoảng 1 tỷ 7… Một lần nữa, chị Phượng gặp thất bại, sau 10 tháng đi vào hoạt động, số vốn thu hồi mới chỉ được 900 triệu đồng nhưng cửa hàng này buộc phải đóng cửa bởi doanh thu giảm liên tục. Lúc này, chị cay đắng nhận ra rằng, những lý thuyết trong những khóa học kinh doanh khác quá xa với thực tế. Tuy nhiên, lần thất bại không khiến chị Phượng nản chí, thậm chí, đó còn là đòn bẩy để chị tiến xa hơn trong công cuộc xây dựng thương hiệu Aloha.

Khát khao xây dựng Aloha trở thành thương hiệu fastfood riêng của người Việt

Những ngày tháng tiếp theo, chị vẫn say mê tìm tòi về sản phẩm, thị trường, đồng thời rút kinh nghiệm từ 2 bài học đau thương đã qua. Sau 3 năm nổ lực phấn đấu, hiện chuỗi nhà hàng Aloha có 14 cửa hàng, … phân bố rải rác khắp các trung tâm thương mại ở TP. HCM và các tỉnh thành ở miền Nam.

Hiện nay, các sản phẩm chủ lực tại Aloha gồm có: Pizza, gà rán, mỳ cay, cơm văn phòng, … đặc biệt là kem Yogurt tự chọn, món giải khát ngon miệng được sử dụng nguyên liệu toàn bộ từ sữa tươi không đường. Chia sẻ về chuỗi cửa hàng Aloha, chị Phượng cho biết, hiện sản phẩm của Aloha được khách hàng đón nhận, có 1 phân khúc thị trường khách hàng nhất định, thậm chí, có thể sánh ngang với các thương hiệu thức ăn nhanh nước ngoài tại Việt Nam.

Aloha được chị Phượng sáng lập dựa vào lợi thế là người Việt, hiểu người Việt và vì người Việt. Với niềm tin mãnh liệt rằng Aloha sẽ trở thành sự lựa chọn ưu tiên của khách hàng trên thị trường ẩm thực thức ăn nhanh phong phú tại Việt Nam. Chị Phượng cùng đội ngũ của mình đang xây dựng Aloha trở thành một thương hiệu riêng của người Việt.

“Tôi hiểu được rằng thị trường thức ăn nhanh hiện tại hầu hết là các tập đoàn quốc tế với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực này, được vận hành và phát triển hệ thống bởi các chuyên gia đẳng cấp quốc tế. Để cạnh tranh sòng phẳng với họ là điều gần như là bất khả thi. Chính vì thế, để Aloha trở thành một thương hiệu riêng của Việt Nam, chúng tôi luôn chú trọng việc đổi mới hình ảnh thương hiệu, thay đổi trong phong cách trang trí nội thất, trưng bày cửa hàng cùng các chiến dịch marketing ấn tượng và khác biệt. Với việc Aloha đã và đang phục vụ hàng ngàn bữa ăn, thức uống an toàn mỗi ngày cho người Việt, với tôi, đó không chỉ là niềm vui, còn là động lực mục tiêu Aloha mong muốn phục vụ nhiều hơn nữa, tốt hơn nữa những sản phẩm có giá trị cho thị trường”, chị Phượng bày tỏ.

Mong muốn của Aloha là mang lại cho khách hàng nhiều món ăn ngon, an toàn và nhanh chóng. Trong đó, chất lượng ANVSTP là một trong những vấn đề quan trọng nhất, thực phẩm được phục cho khách hàng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của cơ quan ATVSTP. Aloha cam kết trong việc nhập nguyên vật liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sản phẩm trong quy trình kiểm sát chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho khách hàng.

Chia sẻ về những dự định phát triển Aloha trong thời gian tới, chị Phượng cho biết từ đây đến năm 2020, chị cùng đội ngũ của mình sẽ xây dựng Aloha trở thành một doanh nghiệp có chuỗi hệ thống được quản trị theo quy trình, hệ thống chuẩn và một môi trường doanh nghiệp chuyên nghiệp, tại nơi đây nhân viên thấy hạnh phúc khi làm việc và được phát huy tối đa năng lực, được phát triển bản thân.

Bên cạnh đó, bản thân chị Phượng cùng đội ngũ luôn có niềm tin rằng Aloha sẽ trở thành sự lựa chọn ưu tiên của khách hàng khi nghĩ đến ẩm thực fastfood thông qua sự đa dạng của sản phẩm và chất lượng dịch vụ.

Yến Nguyễn