18 tuổi và 19 tuổi, tôi đã thay đổi ra sao?

0
912

19 tuổi, 14 năm gắn liền với trường lớp, giờ đây tôi mới biết cái cảm giác mong chờ đến giờ vào học là như thế nào. Vậy, tôi sai ở chổ nào mà không đúng? Tôi chờ đến mỗi tối thứ 7 hàng tuần để được tham gia CLB Sân khấu, để được vào lớp học của Thầy chủ nhiệm.

Phương Trinh, tác giả bài viết hiện đang là sinh viên năm 2 Chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch trường Đại học văn hóa Tp.HCM (VHS).

Hôm nay lại là một ngày dài trong đợt nghỉ do ảnh hưởng của dịch covid19. Đợt dịch này, tôi dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và tôi cũng có những hoài niệm về bản thân mình những ngày tôi chưa vào giảng đường Đại học. Cấp 3 của tôi là một đường thẳng gồm có 3 điểm: nhà, trường học và chổ học thêm. Đến giờ này tôi vẫn còn ám ảnh bởi những những tiết học. Là học sinh của trường điểm ở huyện cùng với việc nhiều năm liền là học sinh giỏi, sự kì vọng của cha mẹ thầy cô khiến tôi không thể ngừng nghỉ. Nếu ai hỏi tôi thích học không? Tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng “KHÔNG”. Là một học sinh giỏi của ban tự nhiên thế nhưng tôi luôn chán nản với những con số. Ám ảnh nhất có lẻ là những phép tính của môn lí, tôi không hiểu sao tôi phải học về điện áp, điện từ, sóng âm,…trong khi tôi đâu muốn làm thợ điện,.. Thấm thoát vậy mà tới lớp 12, có lẻ vì sự ám ảnh của việc học và không biết mình sẽ làm gì khi hết cấp 3, chênh vênh, lạc lỏng, tôi bắt đầu đánh mất phong độ trong học tập. Năm đó, tôi không còn là học sinh giỏi vào cuối năm mà chỉ còn là học sinh khá.

Phương Trinh và các bạn cùng lớp Đại học Chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch – VHS

Nếu như ở những gia đình khác, các bạn của tôi buồn bực vì cha mẹ bắt học ngành mà các bạn không thích, thì tôi vì trách cha mẹ vì không quan tâm tới mình. Cả cha và mẹ đều cho phép tôi tự do chọn ngành học, thế nhưng tôi lại không biết được bản thân mình thích gì và có thể làm gì sự chênh vênh đó đã khiến tôi tủi thân và oán trách gia đình. Nhận ra được sự chán nản của mình trong những môi trường khuôn khổ, tôi tìm hiểu về những ngành học cần sự năng động. Quan hệ công chúng của một trường Đại học dân lập X là thứ tôi hướng tới. Khăng khăng trong đầu là mình sẽ theo học nó, tôi đậu học bạ và càng thêm lơ là việc học. Bất ngờ trường tăng học phí, phận làm con, tôi biết mẹ đã lớn tuổi, cha mang trong người nhiều bệnh, nay gánh thêm trên vai áp lực học phí của tôi, tôi không thể nào làm vậy.

Sinh viên Phương Trinh tại trường Đại học văn hóa Tp.HCM

Tôi lại phải suy nghĩ lại từ đầu. Vô tình tôi biết đến Trường Đại học Văn hóa TPHCM, tôi xét học bạ online một cách tùy hứng vì ở đây có chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch. Ôn thi Trung học phổ thông Quốc gia trong vòng 5 ngày, tôi đi thi với tâm lí biết bao nhiêu thi bấy nhiêu, rớt thì đi học nghề, không có mục đích, không có phương hướng. Làm bài thi, dò đáp án tôi rất tự tin với số điểm mình đạt được. Ngày có kết quả chính thức, sự tự tin với số điểm đạt được môn toán là 8.6 và môn văn là 8.08, tôi quyết định sửa nguyện vọng đại học vào những trường có danh tiếng với mong muốn có bằng Đại học cho bằng bạn bằng bè. Thế nhưng, câu chuyện lại rẽ hướng khi tôi rớt hết 7 nguyện vọng Đại học. Vâng, đó là sự thật, với số điểm là sấp sỉ 23 điểm tôi rớt đại học, kể cả nguyện vọng cuối là một trường không phải là trường top. Hụt hẫng là cảm giác của tôi lúc đó. Tôi đăng kí học một trường Cao đẳng ở quận 12 vì không muốn nghỉ học. Đăng kí nhập học xong, tôi nhận được giấy báo trúng tuyển qua thư điện tử của Trường Đại học Văn hóa Thành Phố Hồ Chí Minh. Tôi suy nghĩ và quyết định bỏ số tiền đã đóng ở trường Cao đẳng để theo học Đại học chỉ với một suy nghĩ duy nhất là: “Học đại học thì cha mẹ sẽ hãnh diện hơn”.

Phương Trinh cùng các bạn

Tôi nhớ là, ngày đi đăng kí nhập học ở Trường Đại học Văn hóa TPHCM khi cô hỏi là tôi trúng tuyển ngành gì, tôi thật sự không nhớ. Một sự việc nhỏ nhưng nó đủ để cho thấy sự hời hợt của tôi với cuộc đời của chính mình. Nhập học, vào ở kí túc xá sinh viên của trường, tôi bị xa lánh bởi sự lạnh nhạt của bản thân với các bạn. Cái sự khô khan của những môn đại cương, sự cô đơn khi xa nhà xa bạn bè, sự chơi vơi giữa Sài Gòn hoa lệ lại khiến tôi bắt đầu hoài nghi về sự lựa chọn của bản thân mình. Sự chuyển biến theo hướng tốt đẹp hơn khi bắt đầu đi quân sự. Tôi gắn kết được với các bạn trong lớp, nhưng đó chưa đủ để tôi khẳng định rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn. “Giáo dục nghệ thuật” là tên của một học phần mà đã giúp tôi trả lời câu hỏi này. Thi giữ kì của học phần này, cô Vương Nguyệt ra đề cho chúng tôi hình thức biểu diễn năng khiếu nghệ thuật. “Năng khiếu nghệ thuật” bốn chữ nhảy lăng tăng trong đầu tôi, lúc đó tôi nghĩ rằng: “Mày chết rồi Phương Trinh ơi, giờ mày làm gì để qua môn đây?”. Một đứa ở cấp 3 chỉ có học, không bao giờ tham gia hoạt động của trường nay phải thi qua môn bằng năng khiếu nghệ thuật. Suy nghĩ kĩ càng tôi chọn sẽ thi làm MC, tôi đảm nhiệm vị trí là một trong ba MC của chương trình hôm đó, dẫn hơn 30 tiết mục. Khác với sự năng động và kinh nghiệm của hai bạn dẫn cùng, đây là lần đầu tiên tôi được đứng trên sân khấu và nói cho nhiều người nghe như vậy. Ban đầu, hi vọng của tôi chỉ là dẫn một cách suôn sẻ, không hay cũng được, chỉ cần 5 điểm đủ qua môn thôi cũng được.

Phương Trinh và các bạn cùng lớp trong học kỳ quân sự năm đầu tiên.

 Nhưng câu chuyện lại một lần nữa rẽ hướng, khi tập luyện với các bạn tôi lại rất thích thú, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi có nhiều hứng thú để làm một việc đến vậy. Ngày thi, khi thật sự đứng trên sân khấu, ánh đèn sân khấu chiếu lên mình, ánh mắt của mọi người hướng về mình, được tự tin thể hiện mình, khi dám nhìn thẳng vào mắt cô đang làm giám khảo bên dưới, cảm giác trong lòng tôi lúc đó, hai từ “SUNG SƯỚNG” không thể nào tả hết được. Lúc đó, tôi biết là mình đã chọn đúng rồi. Mình thật sự đi đúng con đường của mình rồi. Dẫn xong chương trình, số điểm tôi nhận được từ cô là 9.5 một điểm số ngoài sự mong đợi của bản thân, nó như lời động viên để phát triển tiếp tục sở trường của mình.

Phương Trinh cùng các bạn (trong vai trò MC) trong buổi thi môn “Giáo dục nghệ thuật”

Thật lòng, khi viết những dòng này, kể lại cảm xúc của mình, tôi đã khóc. Có thể đây là những giọt nước mắt hạnh phúc. Có người hạnh phúc vì sự giàu có, hạnh phúc vì có người yêu, còn tôi, tôi hạnh phúc vì tìm được ước mơ của mình. 18 năm từ lúc sinh ra, tôi chênh vênh như một người thả trôi theo dòng nước, nước trôi tới đâu, tôi trôi tới đó. Thế nhưng giờ đây, tôi đang bơi, tôi đang nổ lực bơi, bơi đến kiệt sức cũng được, tôi đang cố gắng để bơi tới ước mơ của mình. Nếu như cô Vương Nguyệt là người khơi dậy ước mơ trong tôi, thì Đạo diễn Hoàng Duẩn- giáo viên chủ nhiệm của lớp là người đốt lửa để thôi thúc tôi đi thực hiện ước mơ đó.

Câu lạc bộ sân khấu sinh hoạt online ngày đầu tiên do thầy chủ nhiệm là Đạo diễn Hoàng Duẩn giảng dạy đã thực sự đốt lửa nghề cho sinh viên chúng tôi.

Hiện tại tôi đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ Sân khấu do thầy là người giảng dạy trực tiếp, không chỉ những kiến thức về chuyên môn, ở đây thầy còn chia sẻ về những kinh nghiệm khi làm nghề. Thầy là một người thầy truyền dạy kiến thức, một người cha dạy chúng tôi về đạo đức làm người, làm nghề; là một người cố vấn lãnh đạo chúng tôi trong những chương trình mà lớp thực hiện, thầy cũng là một người bạn để quan tâm chia sẻ với chúng tôi những khi chúng tôi gặp phải những khó khăn trong học tập và cả cuộc sống.

Một tiết học diễn xuất của chúng tôi

Khi nói tôi đã chọn đúng ngành để theo học, có bạn cười tôi và hỏi tôi rằng: “Sao lại biết là đúng, sau này có kiếm tiền được từ ngành này không mà đúng? Thích làm MC, thích đứng trên sân khấu thì sau này phải nổi tiếng mới là chọn đúng.” Khi đó, tôi đã mỉm cười, nhưng không trả lời. Thế nhưng tôi đã tự trả lời cho bản thân mình. Tôi đã chọn đúng, ngôi trường này, ngành học này đã cho tôi tìm được ước mơ của mình, ở đây tôi có được những người thầy người cô dạy tôi về ước mơ đó, ở đây cũng có những người bạn có cùng chí hướng và cũng giúp đỡ tôi thực hiện ước mơ này. 19 tuổi, 14 năm gắn liền với trường lớp, giờ đây tôi mới biết cái cảm giác mong chờ đến giờ vào học là như thế nào. Vậy, tôi sai ở chổ nào mà không đúng? Tôi chờ đến mỗi tối thứ 7 hàng tuần để được tham gia CLB Sân khấu, để được vào lớp học của Thầy chủ nhiệm.

Dù tình hình dịch bệnh nhưng lớp học diễn xuất online vẫn là niềm mong đợi của chúng tôi vào mỗi thứ 7 cuối tuần

18 tuổi và 19 tuổi tôi đã thay đổi như thế nào? 18 tuổi tôi sống thờ ơ hời hợt, 19 tuổi tôi biết tôi muốn gì, tôi tìm được mục tiêu để theo đuổi. Với người khác đó là một chuyện bình thường, nhưng với tôi đó là một sự thành công với chính bản thân mình. Tôi đã biết được bản thân phải làm gì khi tạo hóa đã cho mình xuất hiện trên cuộc đời này. Nếu có một lời khuyên gửi đến các bạn nhỏ hơn, hay những bản như tôi của quá khứ tôi chỉ muốn nói là: “Hãy làm nhiều hơn, làm tất cả những gì mà mình có thể làm rồi bạn sẽ tìm ra được đâu là việc bạn thích nhất.”

Tôi biết rằng, bài viết này chỉ thật sự có ý nghĩa khi bản thân tôi là một người khởi nghiệp thành công sau này. Và tôi, sẽ cố gắng để đây là một bài viết có ý nghĩa.

Phương Trinh/QLVHNT 15.2

Chuyên ngành Tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch